TP. HCM: Sự thật về thông tin doanh nghiệp bán “dự án vịt trời”

Cập nhật: 08:08 | 28/02/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Gần đây, xuất hiện thông tin cá nhân và doanh nghiệp bất động sản câu kết nhau bán “dự án vịt trời” ở quận 9, TP.HCM xâm phạm đến quyền lợi của khách hàng. Vậy, sự thật câu chuyện thế nào?

Bà Võ Thị Kim Dung không phải khách hàng

Vụ việc xảy ra tại quận 9, sau khi ông Huỳnh Trọng Nghĩa ký hợp đồng đặt cọc, để đảm bảo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho 4 khách hàng: Bùi Văn Điềm, Võ Thanh Phong, Võ Thị Xuân, Phạm Thị Doanh Toại. Việc ký kết những hợp đồng này do Công ty Cổ phần An Việt VN (Công ty An Việt) là bên làm chứng.

Mặc dù nội dung thỏa thuận đã ký, quy định rất rõ ràng về việc xử lý nếu bên nhận cọc chậm bàn giao nền đất. Tuy nhiên, thực tế, đã phát sinh những tình huống bất thường. Ngày 8/12/2018, xuất hiện bà Võ Thị Kim Dung tự xưng là người đại diện của ông Võ Thanh Phong và bà Võ Thị Xuân lên văn phòng Công ty An Việt chửi bới, xúc phạm danh dự ông Nghĩa và gây mất trật tự tại nơi làm việc của doanh nghiệp. Theo như chúng tôi tìm hiểu và xác minh thì bà Võ Thị Kim Dung không phải là khách hàng đặt cọc và không liên quan gì về vấn đề này.

Tiếp đó, ngày 27/12/2018, Công ty An Việt có thư mời ông Phong và bà Xuân đến làm việc, nhưng ông Phong và bà Xuân không tham gia. Thay vào đó, bà Võ Thị Kim Dung tiếp tục tự xưng là người đại diện của 2 ông bà này đến nơi làm việc của ông Nghĩa để tiếp tục quấy rối. Trước những sự việc trên, ngày 2/1/2019, LHLegal đơn vị được ủy quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Huỳnh Trọng Nghĩa đã có văn bản yêu cầu nêu rõ: “Chúng tôi yêu cầu ông Phong và bà Xuân xác nhận có ủy quyền cho bà Võ Thị Kim Dung đến văn phòng của Công ty An Việt để chửi bới, xúc phạm danh dự và uy tín của ông Huỳnh Trọng Nghĩa và Công ty An Việt hay không? Nếu có thì ông Phong và bà Xuân sẽ cùng liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật, đối với hành vi không đúng mực và có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Võ Thị Kim Dung”. Tuy nhiên, sau đó, phía ông Phong và bà Xuân không cung cấp văn bản xác nhận việc ủy quyền cho bà Võ Thị Kim Dung thực hiện những hành vi ở thời điểm nêu trên.

tp hcm su that ve thong tin doanh nghiep ban du an vit troi
Phân khúc đất nền nóng lên thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư

Được biết, sau thời điểm xảy ra 2 vụ lùm xùm của bà Võ Thị Kim Dung tại Công ty An Việt, đến ngày 2/1/2019, 4 cá nhân gồm: Bùi Văn Điềm, Võ Thanh Phong, Võ Thị Xuân, Phạm Thị Doanh Toại đã ký giấy ủy quyền cho bà Dung và 1 luật sư làm việc với Công ty An Việt, liên quan đến 4 hợp đồng đặt cọc đã ký.

Theo thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc đã ký, trường hợp trễ hạn bàn giao quá 90 ngày, kể từ ngày đến hạn bàn giao đất, theo hợp đồng, bên đặt cọc (bên B) có quyền tiếp tục thỏa thuận đặt cọc, với thỏa thuận bổ sung về thời điểm bàn giao mới, hoặc đơn phương chấm dứt thỏa thuận đặt cọc. Trong trường hợp này, bên B đơn phương chấm dứt thỏa thuận đặt cọc thì bên nhận cọc (bên A) phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà bên B đã thanh toán và thanh toán cho bên B khoản tiền phạt vi phạm thỏa thuận đặt cọc tương đương 8%/tổng giá trị chuyển nhượng.

Ngoài trách nhiệm chịu phạt thỏa thuận đặt cọc, bên A không phải chịu thêm bất cứ trách nhiệm pháp lý nào khác. Tuy nhiên, bà Dung và luật sư được ủy quyền đưa điều kiện bên chuyển nhượng phải trả lại khách hàng số tiền đã thanh toán và chịu phạt 1 khoản gấp đôi số tiền khách hàng đã thanh toán, để thanh lý hợp đồng đặt cọc.

Cảnh giác với thông tin thiếu kiểm chứng

Trở lại với bài viết mang tựa đề: Cá nhân và doanh nghiệp bất động sản câu kết nhau bán “dự án vịt trời”? Ngay sau khi bài này được đăng tải, LHLegal đã gửi văn bản đề nghị đơn vị xuất bản cung cấp những thông tin, tài liệu làm bằng chứng cho bài viết. Tuy nhiên, đơn vị này hoàn toàn không có bất kỳ phản hồi nào bằng văn bản.

Về thông tin cho rằng: “Ông Nghĩa sử dụng thương hiệu, hình ảnh, logo, thông tin của Công ty Cổ phần An Việt VN để làm hợp đồng đặt cọc với khách hàng, cũng như chưa có hồ sơ pháp lý nhưng đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng. Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo”, theo LHLegal, đây là nội dung quy chụp vô căn cứ. “Công ty An Việt là đơn vị làm chứng, nên việc sử dụng mẫu văn bản do công ty này chuẩn bị là việc bình thường. Hơn nữa, quan trọng là nội dung hợp đồng đặt cọc nói gì?

Cụ thể, trong nội dung hợp đồng đặt cọc đã ghi rõ tư cách của các chủ thể: Ông Nghĩa là bên nhận cọc, khách hàng là bên đặt cọc, Công ty An Việt là bên làm chứng, chứ không phải bên bán”, LHLegal nêu rõ. Về quan điểm: “Lý do việc cá nhân đứng tên dùm cho pháp nhân giao dịch, mua bán, chuyển nhượng một số lượng lớn bất động sản như trên, theo tôi có thể Công ty Cổ phần An Việt VN muốn né thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay với mức thuế 20%/lợi nhuận cho Ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, để cho cá nhân ông Huỳnh Trọng Nghĩa đứng tên giao dịch, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì ông Nghĩa chỉ phải chịu thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng x 2% (thuế suất) thấp hơn nhiều so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành”, LHLegal cho rằng, quyền sử dụng đất đứng tên ông Nghĩa, theo pháp luật đất đai thì đây là tài sản hợp pháp của ông Nghĩa. Việc suy diễn mà không có chứng cứ nào chứng minh ông Nghĩa là người đứng tên giùm công ty An Việt là suy diễn không có cơ sở.

Mặt khác, theo các luật sư và chuyên gia bất động sản, việc so sánh cách tính thuế như trên là khập khiễng, không am hiểu về luật thuế. Bởi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ tính trên lợi nhuận, sau khi lấy doanh thu trừ các chi phí. Ví dụ, doanh thu 1 tỷ, chi phí 950 triệu, tức là lợi nhuận chỉ 50 triệu. Khi đó số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%x50 triệu lợi nhuận = 10 triệu. Trong khi đó, thuế thu nhập cá nhân lấy giá chuyển nhượng x2%. Ví dụ giá chuyển nhượng 1 tỷ thì thuế phải đóng là 1 tỷ x 2% = 20 triệu. Như vậy, ví dụ đã chứng minh điều ngược lại với quan điểm nêu trên. Do đó, cách so sánh như trên là khập khiễng.

PV

Tin cũ hơn
Xem thêm