Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu

Cập nhật: 16:56 | 19/09/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Tính đến hết ngày 18/9, có 46 quốc gia, vùng lãnh thổ quyết định hạ lãi suất cơ bản trong năm 2019. 24 ngân hàng trung ương, cơ quan điều hành tiền tệ đã hạ lãi suất trên một lần, trong đó có Mỹ.

xu huong noi long chinh sach tien te toan cau

NHNN cần giám sát, cảnh báo, ngăn ngừa các rủi ro về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

xu huong noi long chinh sach tien te toan cau

Diễn biến mặt bằng lãi suất sẽ như thế nào trong thời gian tới?

xu huong noi long chinh sach tien te toan cau

NHNN điều hành thị trường qua các lãi suất như thế nào?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay đã tuyên bố giảm một số loại lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua OMO và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng. Mức giảm cho các loại lãi suất trên là 0,25%. BVSC đánh giá động thái này không quá bất ngờ khi cách đây gần 2 tháng, NHNN đã có bước đi đầu tiên là giảm 0,25% lãi suất tín phiếu.

Đánh giá về động thái trên, công ty chứng khoán BVSC cho rằng trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều NHTW các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, NHNN Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng trên.

Tuy vậy, ở góc độ thực tế, tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu..." Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất", BVSC viết.

Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng. Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.

"Do vậy, quyết định cắt lãi suất như trên của NHNN mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới. ", BVSC khẳng định.

Theo công ty chứng khoán MBS, việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ tác động đến lãi suất Việt Nam thông qua kênh tỷ giá, cụ thể là việc tỷ giá VND tăng cao so với USD. Việc neo tỷ giá VND với USD sẽ dẫn tới việc ngân hàng nhà nước phải bán các tài sản bằng VND và mua vào các tài sản bằng USD để điều phối tỷ giá về mức hợp lý.

Do đó, từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm lãi suất về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng.

Cụ thể, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Cùng đó, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

xu huong noi long chinh sach tien te toan cau
Ảnh minh họa

Cả thế giới cắt giảm lãi suất, các ngân hàng "méo mặt"

Triển vọng kinh tế ảm đạm cùng áp lực chính trị leo thang hiện nay khiến các ngân hàng trung ương lựa chọn các chính sách tiền tệ khác thường và hiếu chiến hơn. Nhiều người lo ngại rằng những chính sách này, đặc biệt là chính sách lãi suất âm, sẽ đe doạ trạng thái cân bằng của hệ thống tài chính. Cụ thể, lãi suất âm có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm trên thị trường tín dụng và nền kinh tế thực.

Tương tự như kinh nghiệm từ Nhật Bản và châu Âu, quá trình trên thường diễn biến theo lối mòn: tăng trưởng thấp, lạm phát thấp, giảm sản lượng, thất nghiệp và thiếu việc làm – kết hợp cùng tình hình tài chính bất ổn, đặc biệt là giá của các loại tài sản dễ biến động. Tất cả những yếu tố này buộc các ngân hàng trung ương phải giảm lãi suất xuống dưới mức 0 nhằm kích thích vay, thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, từ đó, tạo ra một chu kỳ tăng trưởng tự duy trì.

Tuy nhiên, thông thường, lãi suất âm không hoàn toàn phản ánh tỉ lệ vay và cho vay thực tế. Theo luật định, các ngân hàng phải đảm bảo duy trì lượng tiền gửi cơ bản của khách hàng. Lo sợ mất khách hàng, các ngân hàng thường khá do dự khi phải giảm sâu lãi suất huy động. Tại châu Âu, tính tới thời điểm hiện tại, chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có đủ khả năng ứng phó với lãi suất âm.

Khi biên lãi suất và lợi nhuận giảm, các ngân hàng tăng phí hoặc tìm tới các biện pháp sinh lời khác nhằm tăng thu nhập. Điều này khiến giá trị cho vay thực tế cao hơn, đi ngược lại trọng tâm của chính sách lãi suất âm.

Khi nền kinh tế khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách cố gắng vớt vát tình thế bằng cách tiếp tục cắt giảm lãi suất. Lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu xuống mức âm, đường cong lãi suất chạy ngang hay thậm chí là đảo ngược. Lợi nhuận của các ngân hàng sở hữu nợ chính phủ lớn sẽ giảm mạnh.

Lợi nhuận giảm ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của các ngân hàng và gia tăng lo ngại về tương lai của cổ tức, mua lại nợ và hoàn vốn. Những ngân hàng yếu hơn sẽ gặp vấn đề khi gọi vốn. Hệ quả là chi phí đi vay của mọi ngân hàng đều tăng.

Tình trạng này khiến lượng tín dụng sẵn có giảm, gây giảm tiêu dùng và đầu tư. Ngay cả nếu ngân hàng trả lợi tức cho các nhà đầu tư, thì tình hình cũng sẽ không khởi sắc do động thái này sẽ khiến lo ngại cổ tức sụt giảm tăng cao. Thay vì kích thích nền kinh tế, lãi suất âm sẽ khiến tình trạng bất ổn tăng trong tương lai, chi tiêu hộ gia đình cũng sẽ giảm do lo ngại về tiền tiết kiệm sau khi về hưu và những vấn đề khác.

Tăng trưởng chậm cũng làm gia tăng nợ xấu, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của ngân hàng, giảm hoạt động cho vay và tăng chi phí đi vay, khiến biên tín dụng cho người vay tăng lên.

Lãi suất âm còn phá huỷ nhiều ưu đãi từ ngân hàng. Trước tình hình lợi nhuận sụt giảm, các ngân hàng sẽ kéo dài vòng đời của các doanh nghiệp "xác sống" nhằm thanh toán các khoản nợ khi lãi suất xuống quá thấp và ngân hàng không có khả năng hoàn trả số tiền gốc. Tuy nhiên, đây không phải là một cách sử dụng vốn hiệu quả bởi nó làm giảm khả năng tăng trưởng tiềm năng và làm suy yếu nền kinh tế trong dài hạn.

Những ngân hàng đang gặp khó khăn thường ít có nhu cầu mua trái phiếu chính phủ, do đó, hạn chế khả năng cấp tiền cho các hoạt động của quốc gia. Trong trường hợp xấu nhất, khi các ngân hàng cần giúp đỡ để giải quyết nợ, các chính phủ, vốn đã đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, sẽ phải tiếp tục đi vay để tái cấp vốn cho ngân hàng hoặc đảm bảo tiền gửi của khách hàng. Mức nợ tăng cùng trách nhiệm trả nợ tăng khiến quốc gia không thể thoát khỏi tình trạng lãi suất thấp hoặc âm.

Ban đầu, tác động tiêu cực của những diễn tiến trên sẽ khá đa dạng, tuỳ thuộc vào khả năng sinh lời của các ngân hàng trong nước, cũng như biên lãi suất và danh mục cho vay của họ. Các ngân hàng châu Âu và Nhật Bản với biên lợi nhuận thấp và nợ xấu cao thường rất dễ bị tổn thương. Cuối cùng, rắc rối sẽ lan rộng. Các ngân hàng Mỹ đã bắt đầu giảm dự đoán thu nhập do lãi suất thấp.

Có hai kênh giao dịch lãi suất âm cơ bản giữa các quốc gia. Tại châu Âu và Nhật Bản, các ngân hàng có lãi suất âm thường rất tích cực xuất vốn và giảm các sinh lời nhuận khác. Ngoài ra, lãi suất tương đối tăng thường đẩy giá tiền tệ tăng, khiến các quốc gia phải điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với lãi suất cắt giảm nhằm duy trì năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, vẫn có một vài lựa chọn khác. Ví dụ, hiện nay, Đức đang rà soát nhằm xem xét có nên dừng hoạt động tính phí khách hàng lẻ khi gửi tiền tại các ngân hàng. Ngoài ra, tạo ra tài sản an toàn đặc biệt hoặc tài khoản tiết kiệm cũng là những biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo lãi suất dương, và hạn chế chính sách lãi suất âm.

Một lựa chọn khác là các ngân hàng trung ương cho vay trực tiếp hoặc thông qua ngân hàng (ví dụ như tổ chức tái cấp vốn dài hạn của Ngân hàng Trung ương châu Âu) với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, có thể sẽ không có nhiều nhu cầu vay vốn, do vậy, hiệu quả của những biện pháp này chỉ ở mức trung bình.

Trên thực tế, thế giới vẫn chưa rút ra bài học từ năm 2008: mô hình kinh tế phụ thuộc vào tiêu dùng và đầu tư do các khoản vay vượt mức không hề bền vững. Lãi suất thấp không đem lại hiệu quả, mà chỉ làm suy yếu hệ thống tài chính và cả nền kinh tế. Do vậy, hạ lãi suất không phải là cơ chế duy trì mức độ nợ vượt mức trong dài hạn.

Một người nông dân từng khuyên một khách du lịch lạc lối: "Nếu muốn đến đó, tôi sẽ không xuất phát từ đây." Các nhà hoạch định chính sách đã bỏ lỡ cơ hội tiến hành những thay đổi căn bản khi khủng hoảng mới bắt đầu. Vì vậy, chẳng bất ngờ gì khi họ đang lang thang vô định.

Điều gì khiến FED New York bơm vội hàng trăm tỷ USD vào thị trường tiền tệ ngắn hạn?

Trong hai ngày liên tiếp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York bơm một lượng tiền lớn vào hệ thống tài chính nhằm giải tỏa áp lực trên thị trường cho vay qua đêm.

Theo trang CNN Business, ngày 18/9, FED New York bơm 75 tỷ USD. Trước đó, vào ngày 17/9, cơ quan này bơm 53 tỷ USD. Lãi suất cho vay qua đêm ở Mỹ bất ngờ tăng vọt, khiến FED New York phải hành động khẩn cấp để "hạ nhiệt" lãi suất, giữ cho các hoạt động trên thị trường tài chính tiếp tục diễn ra trơn tru.

Đây là lần đầu tiên FED phải can thiệp bằng cách bơm vốn trên thị trường mở kể từ năm 2008.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 18/9, sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày, Chủ tịch FED Jerome Powell nói việc can thiệp này "hiệu quả trong việc giải tỏa áp lực vốn" cho thị trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc FED phải bơm 128 tỷ USD vào hệ thống tài chính trong hai ngày liên tiếp làm lộ ra vết nứt ở một góc khuất ít được nói đến ở Phố Wall - nơi vốn là trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu. Động thái này cũng làm dấy lên nỗi lo rằng FED đang mất dần sự kiểm soát đối với lãi suất ngắn hạn.

"Điều này cho thấy đường ống đã bị vỡ", chiến lược gia Michael Block thuộc Third Seven Advisors phát biểu. "Tin tốt là họ (FED) đã nhận thức được điều này và cũng may là họ có van an toàn".

Để giải quyết vấn đề, FED New York thông qua việc mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ và các trái phiếu khác để bơm vốn và thị trường. Ngày 18/9, FED đặt lệnh mua 80,1 tỷ USD các tài sản này, và 75 tỷ USD đã được khớp lệnh.

Ngày 17/9, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tài chính Mỹ tăng vọt từ mức trên 2% lên 10% trước khi FED New York can thiệp. Mức lãi suất này quá cao so với khoảng lãi suất 2 - 2,25% mà FED thiết lập vào cuối tháng 7. Sau hai đợt can thiệp liên tiếp của FED, lãi suất cho vay qua đêm đã hạ về 3%, nhưng vẫn cao hơn lãi suất tham chiếu.

Cùng ngày 18/9, FED hạ lãi suất tham chiếu 0,25%, về mức 1,75 - 2%. Động thái này không nằm ngoài dự báo và là đợt hạ lãi suất thứ hai của FED trong năm nay.

Ông Powell thừa nhận có "áp lực gia tăng" trên thị trường, nhưng bày tỏ tin tưởng rằng điều này sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế. "Những việc này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của thị trường và các bên tham gia thị trường, nhưng không có ảnh hưởng đến nền kinh tế hay lập trường chính sách tiền tệ", ông nói.

Thị trường cho vay qua đêm ở Phố Wall thường bị che khuất bởi các chỉ số chứng khoán chính gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq, và thậm chí cả lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Tuy nhiên, thị trường này đóng một vai trò quan trọng vì cho phép các ngân hàng được vay vốn với lãi suất thấp trong khoảng thời gian ngắn. Các ngân hàng thường vay vốn qua đêm để mua trái phiếu, nhất là trái phiếu kho bạc Mỹ.

Việc lãi suất cho vay qua đêm ở Phố Wall tăng vọt đã khơi dậy những ký ức tồi tệ về năm 2008, khi thị trường tài chính Mỹ suy sụp vì khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, các nhà phân tích không cho rằng khủng hoảng sẽ lặp lại ở thời điểm này, bởi hiện nay, các ngân hàng lớn của Mỹ đều đã cải thiện bảng cân đối kế toán và đang đạt những con số lợi nhuận ấn tượng.

Theo chiến lược gia lãi suất Mark Cabana thuộc Bank of America Merrill Lynch, lãi suất cho vay qua đêm tăng mạnh là do lượng vốn dự trữ trong hệ thống sụt giảm. "Lượng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng hiện nay quá hạn chế", ông Cabana viết trong một báo cáo hôm 17/9.

Ông Cabana giải thích sự sụt giảm vốn dự trữ nói trên là do các công ty Mỹ hôm thứ Hai rút một lượng tiền lớn từ các ngân hàng để đóng thuế hàng quý của Bộ Tài chính Mỹ. Việc này buộc các ngân hàng phải rút tiền dự trữ tại FED. Bank of America ước tính khoảng 100 tỷ USD vốn dự trữ đã bị rút khỏi hệ thống ngân hàng trong ngày thứ Hai.

Ông Powell đồng tình với đánh giá trên. "Áp lực tăng lãi suất đã nổi lên do dòng vốn phải chảy từ khu vực tư nhân sang quốc khố tại Bộ Tài chính để đóng thuế", ông nói.

Nhìn rộng hơn, một số nhà phân tích tin rằng việc lãi suất cho vay qua đêm tăng vọt ở Phố Wall là một "triệu chứng" của việc Bộ Tài chính Mỹ phải phát hành ngày càng nhiều trái phiếu kho bạc để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách liên bang đã vượt mốc 1 nghìn tỷ USD trong tài khóa 2019. Chính phủ Mỹ phải đi vay tiền nhiều hơn do thu ngân sách từ thuế giảm vì chương trình cải tổ thuế của Đảng Cộng hòa cộng thêm chi tiêu liên bang gia tăng.

Thu Hoài