NHNN điều hành thị trường qua các lãi suất như thế nào?

Cập nhật: 16:56 | 17/09/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Theo SSI Research, lãi suất cơ bản tồn tại với vai trò rất mờ nhạt trong khi NHNN điều hành thị trường chủ yếu thông qua các lãi suất trong các giao dịch giữa NHNN với các NHTM.

nhnn dieu hanh thi truong qua cac lai suat nhu the nao

NHNN trao quyết định cho ngân hàng HDBank đạt chuẩn Basel II trước thời hạn

nhnn dieu hanh thi truong qua cac lai suat nhu the nao

Giảm lãi suất điều hành: Tác động ra sao đối với thị trường tiền tệ?

nhnn dieu hanh thi truong qua cac lai suat nhu the nao

Cổ phiếu ngân hàng có thực sự hưởng lợi khi NHNN hạ lãi suất điều hành?

Để thực thi chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương thường sử dụng nhiều công cụ chính sách khác nhau, trong đó tập trung vào các chính sách chủ yếu như dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở (OMO), lãi suất, công cụ tái cấp vốn, hay kể cả các công cụ mang tính hành chính.

Các mức lãi suất là một trong những công cụ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sử dụng để điều hành chính sách tiền tệ trong nước như lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn,...

Lãi suất cơ bản là cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Lãi suất cơ bản được xác định dựa trên cơ sở lãi suất thị trường liên ngân hàng, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở của NHNN, lãi suất huy động đầu vào của tổ chức tín dụng và xu hướng biến động cung - cầu vốn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, lãi suất cơ bản vẫn tồn tại nhưng vai trò rất mờ nhạt, theo nhận định của CTCP Chứng khoán SSI. Sau khi được sử dụng để bình ổn thị trường vào năm 2008, từ 2010 trở đi, NHNN không công bố lãi suất cơ bản mà chỉ trả lời khi có văn bản từ phía các đơn vị là 9%/năm.

nhnn dieu hanh thi truong qua cac lai suat nhu the nao
Ảnh minh họa

Cùng với đó, các qui định liên quan đến lãi suất cơ bản như lãi suất cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản và tính tiền phạt theo lãi suất cơ bản tại Luật dân sự 2005 cũng đã bị loại bỏ tại Luật dân sự 2015.

Theo luật dân sự 2015, lãi suất cho vay sẽ theo cơ chế thỏa thuận, không vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan qui định - tức là theo luật chuyên ngành. Điều đó có nghĩa là với các ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động theo Luật các Tổ chức Tín dụng lãi suất cho vay theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất.

Riêng với lãi suất huy động, hiện NHNN chỉ qui định trần 5,5%/năm với các khoản tiền gửi có kì hạn dưới 6 tháng.

Trên thực tế, NHNN điều hành thị trường chủ yếu thông qua các lãi suất trong các giao dịch giữa NHNN với các NHTM. Bao gồm: lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, lãi suất mua kì hạn giấy tờ có giá (gọi tắt là lãi suất OMO) và lãi suất tín phiếu.

Các lãi suất này đều vừa được NHNN điều chỉnh giảm 0,25 điểm % vào ngày 16/9 vừa qua. Giảm lãi suất đồng nghĩa với việc chi phí vốn giảm, đây là các công cụ giúp NHNN bơm/rút tiền trong hệ thống ngân hàng.

Thị trường mở (giao dịch giữa NHNN và NHTM) và thị trường liên ngân hàng (giữa các NHTM với nhau) có tính liên thông cao do đều là kênh cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng.

Lãi suất OMO thường dao động trong khoảng từ lãi suất tái chiết khấu đến lãi suất tái cấp vốn và cũng là công cụ được NHNN ưu tiên sử dụng nhiều nhất, cùng với lãi suất tín phiếu, để điều tiết lãi suất trên liên ngân hàng.

Trong điều kiện bình thường, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng thường dao động trong vùng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì nếu lãi suất đi vay từ các NHTM khác quá cao thì ngân hàng cần vốn sẽ tìm đến kênh OMO của NHNN.

Ngược lại, nếu lãi suất cho vay trên liên ngân hàng xuống qua thấp, các NHTM dư thừa vốn sẽ quay sang mua tín phiếu của NHNN.

Vì lãi suất tín phiếu và OMO là công cụ điều hành chính sách của NHNN nên mức biến động sẽ không lớn như lãi suất liên ngân hàng mang tính thị trường.

Khi thanh khoản nóng lên, lãi suất liên ngân hàng có thể vượt qua lãi suất OMO, đặc biệt là với các NHTM đã sử dụng hết các loại giấy tờ có giá để huy động trên OMO. Vì vậy, các NHTM nào càng nắm giữ nhiều giấy tờ có giá như hối phiếu, lệnh phiếu, trái phiếu chính phủ thì càng giảm thiểu được rủi ro thanh khoản.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ nay đến cuối năm, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực...

Cũng theo ông, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Về tín dụng, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm khoảng 14%. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất.

Về tỷ giá, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế, diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.

Tuyết Mai

Tin cũ hơn
Xem thêm