Giảm lãi suất điều hành: Tác động ra sao đối với thị trường tiền tệ?

Cập nhật: 15:58 | 16/09/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – NHNN Việt Nam vừa quyết định giảm thêm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 16/9/2019. Đâu là lý do để NHNN đưa ra quyết định trên và nó có tác động ra sao đối với thị trường tiền tệ nói riêng, nền kinh tế nói chung?

giam lai suat dieu hanh tac dong ra sao doi voi thi truong tien te

Các công ty chứng khoán nhận định về việc NHNN giảm lãi suất điều hành

giam lai suat dieu hanh tac dong ra sao doi voi thi truong tien te

TS. Võ Trí Thành: Tránh dùng từ 'nới lỏng' khi đánh giá về việc hạ lãi suất điều hành của NHNN

giam lai suat dieu hanh tac dong ra sao doi voi thi truong tien te

Động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN là phù hợp với thời điểm hiện tại

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.

Cụ thể, từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm lãi suất, như sau:

1. Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng. Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.

2. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

giam lai suat dieu hanh tac dong ra sao doi voi thi truong tien te
Ảnh minh họa

Thế giới giảm thì mình cũng giảm?

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, gần đây, tình hình kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi, một loạt ngân hàng trung ương các nước như Mỹ, châu Âu đều giảm lãi suất điều hành. Trong khi, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, do vậy, đây được cho là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm một loạt lãi suất chủ chốt trong điều hành.

Cập nhật thị trường cho thấy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức 50 điểm cơ bản (bps) cho tất cả các ngân hàng; ở mức 100 bps cho các ngân hàng thành phố đủ điều kiện.

PBOC cũng cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng lớn xuống còn 13%. Như vậy, PBOC đã giảm tỷ lệ này lần thứ ba năm nay, và là lần thứ bảy kể từ đầu năm 2018.

Còn với Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), họ thông qua gói kích thích tăng trưởng kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất và tái khởi động mua lại trái phiếu, nhằm đối phó với sự suy yếu của lạm phát cũng như các rủi ro vĩ mô khác đến từ thương chiến Mỹ - Trung.

Vì lẽ đó, ECB giảm lãi suất tiền gửi xuống mức thấp kỷ lục - 0,5% từ mức - 0,4%, đồng thời, dự kiến tái khởi động chương trình mua vào trái phiếu trị giá 20 tỷ Euro/tháng, kể từ tháng 11/2019.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán BSC, với diễn biến điều hành chính sách tiền tệ tại các ngân hàng trung ương trên thế giới, FED sẽ đối mặt với áp lực giảm lãi suất, nối dài động thái này từ kỳ họp trước đó, dù cho các chỉ số vĩ mô và kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu suy thoái. Vấn đề là lần giảm lãi suất tới đây của FED sẽ dấy lên kỳ vọng chu kỳ cắt giảm dài hơi để kích cầu khi mà trước đó, kinh tế Mỹ đã phát triển khá nóng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Nhiều thị trường được hưởng lợi

Có 3 chỉ báo để NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành. Chỉ báo đầu tiên là từ động thái giảm lãi suất của NHTW các nước, nhất là Mỹ. Về nguyên tắc, khi giảm lãi suất sẽ làm đồng tiền giảm giá, cũng có nghĩa làm tăng tỷ giá hối đoái. Như vậy, giảm lãi suất điều hành tạo ra hành lang cho NHNN điều chỉnh tỷ giá rộng hơn một chút, qua đó tránh ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu cũng như sức cạnh tranh của Việt Nam với đối tác thương mại quan trọng. Nhưng mức giảm 0,25%/năm này cũng tác động rất nhỏ tỷ giá chỉ có thể giúp tỷ giá tăng lên 0,1-0,15%.

Thứ hai là chỉ số lạm phát đang thấp, thậm chí thấp hơn dự kiến đầu năm. Thứ ba, giảm lãi suất đồng nghĩa NHNN sẵn sàng tăng cung tiền, qua đó phát đi tín hiệu tăng khả năng cho vay của NHTM.

Theo tôi, một số thị trường được hưởng lợi khi lãi suất điều hành giảm như thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực hơn. Thực tế sau quyết định này hàng loạt cổ phiếu đã tăng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thị trường bất động sản có cơ hội để tăng cung bất động sản. Thị trường trái phiếu DN cũng sẽ bớt căng thẳng hơn. Ngoài ra, nó cũng giảm tác động vốn trung, dài hạn cho các DN…

Nhưng tôi cho rằng, mức điều chỉnh vẫn còn khiêm tốn. Thời gian tới NHNN cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành, sẽ tác động tích cực đến thị trường và tăng trưởng tín dụng khả quan hơn. Dẫu sao đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường ngân hàng và cả nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB: Không bất ngờ với quyết định điều hành

Tôi cho rằng, quyết định giảm lãi suất là phù hợp với định hướng từ đầu năm của NHNN là thận trọng linh hoạt theo sát tình hình diễn biến chung của cả kinh tế trong nước và thế giới. Đứng trước bối cảnh hàng loạt NHTW các nước trên thế giới cũng áp dụng chính sách nới lỏng, việc NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành không có gì bất ngờ.

Lãi suất điều hành thể hiện thông điệp định hướng của NHNN trong việc sẵn sàng cung ứng vốn với chi phí hợp lý cho nền kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước mắt, giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều đến tình hình kinh doanh của các ngân hàng. Vì các ngân hàng chủ yếu kinh doanh trên thị trường 1. Còn trên thị trường 2, lãi suất cũng đang ổn định và đã giảm về mức hợp lý trước khi có quyết giảm lãi suất điều hành.

Theo tôi, cũng không có lý do gì giảm sâu lãi suất gây sốc cho thị trường. Vì suy cho cùng giảm sâu thì nó cũng không có tác động nhiều đến nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng như tôi đã phân tích ở trên. NHNN không cần phải vội vàng gì điều chỉnh thêm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng: Thời điểm phù hợp để giảm lãi suất điều hành

Tôi rất đồng tình với quyết định giảm lãi suất điều hành lúc này của NHNN. Vì nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Trung - Mỹ nhất là lĩnh vực xuất khẩu. NHNN giảm lãi suất giúp ngân hàng giảm chi phí vốn cho DN, hỗ trợ cho DN vay vốn, nhất là DN xuất khẩu, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất có khả năng làm tăng lạm phát vì với chi phí vốn rẻ sẽ khuyến khích người vay nhiều hơn. Theo đó, tiền được đẩy nhiều vào lưu thông và có thể gây áp lực tăng lạm phát. Bên cạnh đó, giảm lãi suất có khả năng đẩy tỷ giá lên. Song mức độ tăng thế nào có lẽ cũng còn chờ mức độ thẩm thấu chính sách và tác động từ những thông số khác nữa như tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán…

Theo tôi giảm lãi suất điều hành lúc này là cần thiết giúp tăng tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu, vì hiện tại xuất khẩu đang yếu hơn so với năm ngoái. Nếu điều kiện cho phép, NHNN có thể điều chỉnh thêm lãi suất điều hành để tác động sâu, mạnh hơn đối với thị trường, và nền kinh tế.

TS. Bùi Quang Tín - Chuyên gia ngân hàng: Mức độ điều chỉnh lãi suất rất phù hợp

Việc giảm lãi suất lần này phù hợp với xu hướng của thế giới khi mà FED, ECB và gần 20 NHTW khác đã giảm lãi suất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Không chỉ phù hợp với xu hướng từ bên ngoài mà NHNN phát đi tín hiệu TCTD có khả năng giảm thêm lãi suất hỗ trợ DN trong nước đúng như cam kết cơ quan này đưa ra từ đầu năm là nỗ lực ổn định lãi suất cho vay, và khi có điều kiện sẽ giảm lãi suất. Ngoài tác nhân từ bên ngoài, ngay cả ở trong nước nhiều yếu tố ủng hộ quyết định này như lạm phát đang ở mức thấp; tỷ giá được điều hành ổn định trong thời gian qua. Đây là cơ sở để NHNN yên tâm hơn khi giảm lãi suất lần này không tạo áp lực lên tỷ giá, và không quá lo sợ ảnh hưởng đến lạm phát mục tiêu.

Tôi thấy có ý kiến đề xuất từ nay đến cuối năm nên điều chỉnh thêm một vài lần lãi suất điều hành để tác động sâu hơn thị trường, nhưng tôi cho rằng, chưa cần thiết trong giai đoạn này. Vì mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang chỉ hơn 3%/năm cho thấy thanh khoản ngân hàng đang ổn. Còn lãi suất huy động trên thị trường 1 chỉ tăng ở kỳ hạn trung, dài hạn và xuất hiện ở ngân hàng nhỏ nên không mang tính đại diện cho cả thị trường được. Mà điều hành lãi suất phải bám theo diễn biến của thị trường. Do đó, tôi cho rằng, thời điểm cũng như mức độ điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN là phù hợp.

Hoài Sơn