Xây dựng dàn lãnh đạo có học vị cao, mở rộng danh mục đầu tư trăm ngàn tỷ, “đế chế” Đèo Cả mạnh cỡ nào?

Cập nhật: 13:59 | 13/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Với danh xưng “vua hầm”, Tập đoàn Đèo Cả lâu nay vẫn luôn giữ vị thế hàng đầu trong ngành xây dựng hạ tầng giao thông cả về quy mô hoạt động lẫn chất lượng kỹ thuật. Sau thành công tại chuỗi hầm Đèo Cả – Cổ Mã – Cù Mông – Hải Vân, Tập đoàn này liên tục góp mặt tại hàng loạt các công trình nghìn tỷ từ Bắc chí Nam vẫn đang tiếp tục nối dài danh sách này.

Xây dựng dàn lãnh đạo có học vị cao, mở rộng danh mục đầu tư trăm ngàn tỷ, “đế chế” Đèo Cả mạnh cỡ nào?
Với danh xưng “vua hầm”, Tập đoàn Đèo Cả lâu nay vẫn luôn giữ vị thế hàng đầu trong ngành xây dựng hạ tầng giao thông cả về quy mô hoạt động lẫn chất lượng kỹ thuật.

Thời gian gần đây, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đang là cái tên “chiếm sóng” trên các diễn đàn kinh doanh khi liên tục công bố các quyết định quan trọng. Đầu tiên là nghị quyết giao nhiệm vụ nâng cao học vị đối với dàn lãnh đạo cấp cao. Cùng với đó là việc trở thành đơn vị duy nhất nộp hồ sơ đầu tư thực hiện dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, với tổng chi phí đầu tư lên tới 10.620 tỷ đồng, nối dài danh sách đầu tư giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, tổng giá trị thực hiện trong giai đoạn này đã vượt mốc 100.000 tỷ đồng, cao gần gấp đôi giai đoạn 2012 - 2020.

Những quyết định đó không chỉ đơn thuần khiến cho tiếng tăm của Đèo Cả thêm phần lừng lẫy mà còn được xem động thái củng cố đế chế của “vua hầm”.

Bước ngoặt Đèo Cả và danh xưng “vua hầm”

Trước khi được biến đến với danh xưng “vua hầm”, Tập đoàn Đèo Cả chỉ là một xí nghiệp nhỏ bé chuyên thực hiện các dự án xây dựng, xây lắp điện tại Phú Yên – Xí nghiệp Hải Thạch. Năm 2002, sau 17 năm hoạt động, đơn vị này được chuyển đổi thành Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hải Thạch và được biết đến với những mẫu đèn chiếu sáng hiện đại.

Tuy nhiên, phải mất thêm 7 năm nữa, tiếng tăm của doanh nghiệp này mới vang danh trên thương trường. Năm 2009, Hải Thạch quyết định thực hiện công trình hầm đường bộ qua Đèo Cả với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu thi công các hạng mục chính. Năm 2012, dự án này được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư là 15.603 tỷ đồng.

Quyết định làm hầm đường bộ qua Đèo Cả thời điểm đó được đánh giá là khá liều lĩnh và nhận về không khá nhiều hoài nghi. Việc “đục thông” Đèo Cả - một trong những con đèo lớn và hiểm trở nhất Việt Nam vốn không phải một việc dễ dàng, bởi lẽ nó đòi hỏi cả thâm niên kinh nghiệm, kỹ thuật phức tạp lẫn năng lực tài chính. Cần biết, phương án thiết kế hầm đường bộ qua Đèo Cả là hai hầm ống song song, mỗi ống lưu thông một chiều, nâng tốc độ xe qua hầm đạt 80km/h. Trong khi đó, hầm Hải Vân – công trình được coi là “kiểu mẫu” tại Việt Nam khi ấy với sự tham gia của các kỹ sư Nhật Bản và tài trợ bởi nguồn vốn ODA Nhật Bản cũng chỉ có duy nhất một ống lưu thông hai chiều với tốc độ tối đa 70 km/h.

Xây dựng dàn lãnh đạo có học vị cao, mở rộng danh mục đầu tư trăm ngàn tỷ, “đế chế” Đèo Cả mạnh cỡ nào?
Vượt qua mọi trở ngại và nghi ngờ để khai sơn phá thạch, SBRC không chỉ mở ra chuỗi hầm. Đèo Cả – Cổ Mã – Cù Mông – Hải Vân mà còn mở ra một hành trình mới với danh xưng "vua hầm"

Với tham vọng chuyển sang lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, Hải Thạch sau đó đã tiến hành quy mô và cơ cấu. Năm 2014, Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch được thành lập với số vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng và hơn 700 cán bộ công nhân viên. Năm 2015, Tập đoàn Hải Thạch tham gia góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC), chính thức tái cơ cấu nguồn vốn và dịch chuyển vị trí chiến lược.

Mặc dù đã chủ động tái cơ cấu nhưng SBRC khi ấy vẫn không thể tránh khỏi khó khăn, đặc biệt là về tài chính khi các nhà đầu tư như Mai Linh, Á Châu lần lượt ra đi. May mắn thay, Tổng Giám đốc khi đó là ông Hồ Minh Hoàng đã có được cái gật đầu của Vietinbank.

Năm 2017, dự án hầm đường bộ Đèo Cả chính thức thông xe, hoàn thành trước dự kiến tới 4 tháng và tiết kiệm được tới 4.000 tỷ đồng so với chi phí dự kiến ban đầu. Với số tiền đó, SBRC triển khai thêm hầm Cù Mông và tiếp tục thành công khi hoàn thành dự án trước 3 tháng, không đội vốn.

Vượt qua mọi trở ngại và nghi ngờ để khai sơn phá thạch, SBRC không chỉ mở ra đường hầm mới mà còn mở ra một hành trình mới cho chính mình. Tháng 5/2018, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, hoàn tất quá trình tái cấu trúc và chuyển dịch vị trí chiến lược. Tập đoàn Đèo Cả lúc này định vị là nhà đầu tư, tổng thầu thi công các công trình hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam và danh xưng “vua hầm” ra đời.

Tập đoàn này sau đó liên tục được “chọn mặt gửi vàng” tại các dự án lớn với giá trị đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thương hiệu Đèo Cả được tái khẳng định vào năm 2019 khi Tập đoàn này “giải cứu” thành công dự án dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã đình trệ suốt 10 năm.

“Đế chế” Đèo Cả sở hữu những gì?

Sau khi đổi tiên, Tập đoàn Đèo Cả không ngừng mở rộng quy mô. Hiện tại, vốn điều lệ của doanh nghiệp ghi nhận ở mức 4.206,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước là 4.130,1 tỷ đồng, tương đương 98,184%, vốn nước ngoài là 76,4 tỷ đồng, chiếm 1,816%.

Tính đến ngày 30/6/2023, hệ sinh thái Đèo Cả bao gồm 8 công ty con, 4 công ty liên doanh liên kết và 6 xí nghiệp, văn phòng đại diện khác. Các đơn vị này phần lớn được lập ra để quản lý các dự án thành phần như các dự án BOT, kinh doanh vật liệu xây dựng, thu phí BOT,…

Đáng chú ý, “cánh chim đầu đàn” của hệ sinh thái này là Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV). Đây cũng là cái tên gắn liền với thương vụ M&A kinh điểm của Tập đoàn Đèo Cả. Năm 2019, sau khi thâu tóm doanh nghiệp này từ tay Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), không chỉ “thay tên đổi họ”, Tập đoàn Đèo Cả còn thực hiện một cú tăng vốn ấn tượng, biến một công ty thuộc hàng “tý hon” với số vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 79 tỷ đồng thành một “gã khổng lồ” với số vốn 2.270 tỷ đồng. Hai năm sau đó, Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả chuyển từ sàn UPCoM sang HOSE. Hiện tại, cổ phiếu HHV đang giao dịch quanh vùng 15.200 đồng/cp và là một trong những mã đầu tư công được tiềm năng nhất.

Tương ứng với hệ sinh thái doanh nghiệp đồ sộ là một danh mục dự án thuộc dạng “khủng”. Đèo Cả “nhẵn mặt” tại hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, bằng nhiều cách khác nhau, thông qua công ty con, với tư cách độc lập hoặc liên danh. Kể từ thành công tại Đèo Cả vào năm 2012, “vua hầm” đã xây dựng hơn 22 km hầm đường bộ, cùng với đó là 275 km đường cao tốc, quốc lộ, 6 cây cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí, với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng. Đó là những dự án đình đám như chuỗi hầm Đèo Cả – Cổ Mã – Cù Mông – Hải Vân, dự án hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hoà, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Theo danh mục công trình được cập nhật trên website của Đèo Cả, từ đầu năm đến nay, Tập đoàn này đã hoàn thành 3 dự án lớn, đó là hầm Thung Thi (Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45), cầu Cửa Lục 3 (Quảng Ninh) và hầm Trường Vinh (Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu).

Xây dựng dàn lãnh đạo có học vị cao, mở rộng danh mục đầu tư trăm ngàn tỷ, “đế chế” Đèo Cả mạnh cỡ nào?
Danh mục đầu tư của Tập đoàn Đèo Cả từ năm 2012 đến nay

Đáng chú ý, mới đây, “quân bài chủ lực” của Tập đoàn Đèo Cả là Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã công bố kế hoạch đầu tư giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, doanh nghiệp này đang đề xuất đầu tư gần 400km đường cao tốc là các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương … với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Đây đều là các dự án được công ty mẹ - Tập đoàn Đèo Cả theo đuổi trong thời gian dài.

Cũng cần nói thêm, tham vọng của Đèo Cả không chỉ dừng lại ở lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông. Như Kinhtechungkhoan.vn từng đưa tin, năm 2020, “vua hầm” đã bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khi tiếp nhận ý tưởng và bản quyền dự án đại lộ ven sông Sài Gòn và Sài Gòn New City từ ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu. Đến tháng 6/2023, Đèo Cả quyết định liên danh với 4 nhà đầu tư khác triển khai Khu đô thị phía Tây Nam TP. Bắc Giang với tổng mức đầu tư lên tới 7.400 tỷ đồng.

Bên cạnh hoạt động thi công xây lắp, Tập đoàn Đèo Cả cũng lên kế hoạch tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt tốc độ cao, metro… Được biết, doanh nghiệp đã hợp tác với đối tác có kinh nghiệm của nước ngoài như Sany, PowerChina,… để phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị thiết bị thi công và năng lực để tham gia đấu thầu dự án.

Nguồn lực tài chính của Đèo Cả hiện ra sao?

Nắm trong tay các dự án “khủng”, cũng giống như phần lớn các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khác, Tập đoàn Đèo Cả buộc phải mở rộng nguồn lực tài chính để thu xếp dòng vốn. Không quá bất ngờ khi “vua hầm” đang sử dụng đòn bẩy tài chính khá mạnh tay. Tuy nhiên, khoản nợ vay lại khiến lợi nhuận “mỏng đi” kha khá.

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 của Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận tổng tài sản đạt 43.778 tỷ đồng, tăng 4,8% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chỉ 2,7%, đạt gần 1.200 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản dài hạn chiếm tới hơn 85% tổng tài sản, đạt 37.289 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng nợ phải trả lên tới 31.236 tỷ đồng, tăng 4,8% so với thời điểm đầu năm, chiếm tới 71% tổng tài sản. Trong đó, nợ vay chiếm tới 68%, đạt 21.313 đồng, bao gồm 1.589 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và 19.724 tỷ đồng nợ vay tài chính dài hạn. Khoản nợ này kéo theo chi phí lãi vay khá lớn, “ăn mòn” lợi nhuận của Đèo Cả.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.919 tỷ đồng, giảm gần 3% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp vẫn tăng nhẹ 1%, đạt 657 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của nợ vay, hoạt động tài chính trong kỳ trở nên không mấy hiệu quả. Mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính tăng tới 32%, lên mức 131 tỷ đồng nhưng đã bị chi phí tài chính thổi bay. Cụ thể, khoản mục này tăng 25%, lên mức 413 tỷ đồng, “ngốn” cả vào lợi nhuận gộp.

Tuy nhiên, nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp được giữ vững và ghi nhận khoản lợi nhuận khác gần 60 tỷ đồng, Đèo Cả vẫn lãi sau thuế 307 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 9.268 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở mức 576 tỷ đồng.

Xây dựng dàn lãnh đạo có học vị cao, mở rộng danh mục đầu tư trăm ngàn tỷ, “đế chế” Đèo Cả mạnh cỡ nào?
Một số chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn Đèo Cả

Đáng nói, nếu so với quy mô vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Đèo Cả thì khoản lãi trăm tỷ là khá nhỏ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2022 dừng lại ở mức 10,67%, còn nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 6,61%.

Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu hiện đang ghi nhận ở mức 2,3 lần, cho thấy đòn bẩy tài chính ở mức cao. Tuy nhiên, nếu xét theo quy định về mức vốn chủ sở hữu tham gia các dự án công cần phải đat 10 – 15% tổng tài sản thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản đạt 21% của Tập đoàn Đèo Cả vẫn khá an toàn.

HHV vượt đỉnh 1 năm trong bối cảnh Đèo Cả phải gánh nợ 27.500 tỉ đồng

Tính tới hết phiên giao dịch sáng ngày 9/10, cổ phiếu HHV ghi nhận đà hồi phục tương đối tích cực khi liên tục vượt ...

Doanh thu mảng xây lắp đi lên, Giao thông Đèo Cả (HHV) báo lãi tăng mạnh

Quý III/2023, Giao thông Đèo Cả (HHV) đã có một kỳ kinh doanh tươi sáng với kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng đáng ...

Lãnh đạo thông qua chiến lược trong tương lai, cổ phiếu Đèo Cả (HHV) quay đầu bứt phá

Ngày 1/11/2023, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) tổ chức chương trình “HHV KẾT NỐI ĐẦU TƯ – ...

Hà Lê