Vĩnh Hoàn (VHC) muốn bán toàn bộ cổ phiếu quỹ khi thị giá ở vùng đỉnh

Cập nhật: 08:56 | 05/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Hội đồng quản trị của CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE - Mã: VHC) vừa công bố nghị quyết thông qua việc bán hết hơn 1,43 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung vốn lưu động cho công ty.

4555-12-vinh-hoan
CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE - Mã: VHC).

Theo đó, VHC dự kiến bán toàn bộ 1.430.930 cổ phiếu quỹ để tăng nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian thực hiện sau khi được UBCK Nhà nước thông báo đã nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo bán cổ phiếu quỹ.

Được biết, tính tới 31/3/2022, VHC đang sở hữu 1.430.930 cổ phiếu quỹ, tương đương 114,2 tỷ đồng. Như vậy, ước tính giá mua trung bình 79.819 đồng/cổ phiếu. Nếu so với giá đóng cửa ngày 4/5, giá thị trường đang cao hơn 30% so với giá mua cổ phiếu quỹ.

VHC bán cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu vừa trải qua chuỗi tăng nóng. Cụ thể, từ 28/1 đến ngày 4/5, cổ phiếu VHC tăng 70,5% từ 61.000 đồng lên 104.000 đồng/cp và đang giao dịch vùng đỉnh lịch sử kể từ khi niêm yết tháng 12 năm 2007 tới nay.

Trong một diễn biến khác, VHC dự kiến phát hành không quá 2% vốn điều lệ, tương đương tối đa 3,67 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên công ty với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian dự kiến trước ngày 31/12/2022.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu VHC đang giao dịch quanh vùng giá 104.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 1,6 triệu đơn vị.

4739-vhc
Diễn biến giá cổ phiếu VHC trong thời gian gần đây. (Nguồn: Tradingview).

Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt - VDSC đánh giá, chi phí cho các loại thủy sản đạt mức cao mới do chi phí năng lượng, thức ăn chăn nuôi, nhân công và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh. Và giá đầu vào tăng cao dự kiến sẽ vẫn duy trì trong ít nhất nửa đầu năm 2022.

Tại Việt Nam, việc ngăn chặn COVID-19 năm trước đồng nghĩa với việc tăng trưởng ngành chậm lại và khó khăn trong chuỗi sản xuất và cung ứng, có nghĩa là nông dân ngừng việc thả nuôi mới cho đến quý IV/2021, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt trong nửa đầu 2022.

Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng giá nguyên liệu cao sẽ kéo dài đến giữa năm 2022 sau đó giảm dần vào nửa cuối năm 2022 sau khi nguồn cung được đáp ứng.

Giá nguyên liệu cao tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu đàm phán với khách hàng của họ ở mức giá bán cao. Do đó, các nhà xuất khẩu có thể tự cung cấp nguyên liệu sẽ là người hưởng lợi lớn nhất nhờ biên lợi nhuận gộp mở rộng như Nam Việt (Mã: ANV) hay Vĩnh Hoàn.

Lợi nhuận tăng đột biến nhưng dòng tiền lại âm kỷ lục

VHC vừa công bố BCTC hợp nhất quý I/2022 với doanh thu 3.268 tỷ đồng - tăng 83% so với cùng kỳ nhờ sản lượng và giá bán cùng tăng. Hầu hết các thị trường xuất khẩu đều hồi phục, đặc biệt là Mỹ và EU. Giá vốn tăng chậm hơn giúp biên lãi gộp cải thiện từ 15,3% lên 23,8% tương ứng lợi nhuận gộp 778 tỷ đồng - tăng 185% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ chi phí, Vĩnh Hoàn lãi ròng 553 tỷ đồng - gấp hơn 4,2 lần cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 548 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp cá tra đã thực hiện được 24,6% kế hoạch doanh thu năm và 34,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Mặc dù lợi nhuận tăng đột biến nhưng dòng tiền lại âm kỷ lục. Cụ thể trong quý I/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 680,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 139,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 261 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 885,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Xét theo năm, lần gần nhất dòng tiền kinh doanh của VHC âm là năm 2008 với giá trị âm 181,1 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý công ty ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của VHC tăng 17,7% so với đầu năm lên 10.283 tỷ đồng trong đó tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.788,7 tỷ đồng - chiếm 27,1% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.428,6 tỷ đồng - chiếm 23,6% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 2.061,2 tỷ đồng - chiếm 20% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.403 tỷ đồng - chiếm 13,6% tổng tài sản.

Trong kỳ, các khoản phải thu tăng 30,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 656,6 tỷ đồng lên 2.788,7 tỷ đồng; tồn kho tăng 35,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 635,5 tỷ đồng lên 2.428,6 tỷ đồng.

Như vậy, dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục trong kỳ chủ yếu do công ty gia tăng tồn kho và tăng khoản phải thu, chủ yếu tăng bán chịu cho khách hàng.

Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý I/2022, VHC đang ghi nhận giá trị đầu tư chứng khoán hợp lý là 144,6 tỷ đồng và trích lập dự phòng giảm giá là 5,7 tỷ đồng trong đó doanh nghiệp đang đầu tư 48,97 tỷ đồng vào cổ phiếu DXS; 41,86 tỷ đồng vào cổ phiếu NLG - đã trích lập 2,4 tỷ đồng; các cổ phiếu khác là 53,8 tỷ đồng - trích lập 3,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính tới cuối quý, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của VHC tăng 46,8% so với đầu năm - tăng thêm 885,6 tỷ đồng lên 2.777 tỷ đồng và chiếm 27% tổng nguồn vốn.

Công ty hiện còn 1.125 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, VHC đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,6% và 45,6% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty hoàn thành 34,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Dow Jones nhảy vọt hơn 900 điểm sau khi Fed nâng lãi suất, nhóm dầu khí dẫn đầu chứng khoán Mỹ

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 4/5 bật tăng mạnh mẽ sau khi Fed nâng lãi suất thêm 0,5 điểm % đúng như các nhà ...

Tin tức chứng khoán mới nhất hôm nay 5/5: PAC, DDV, PDB, DC2, APG, TNC

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin cập nhật và gửi đến quý độc giả những tin tức chứng khoán mới ...

Cổ phiếu ngân hàng “chìm nghỉm” phiên VN-Index mất gần 20 điểm, VIB tiêu cực nhất

Thị trường chứng khoán sau nghỉ lễ chứng kiến cổ phiếu ngân hàng là nhóm "nặng gánh" nhất khi kéo VN-Index giảm gần 0,7%, chiếm ...

Khánh Vân