Vinasun lỗ đậm trong quý II, sa thải trên 1.000 nhân viên

Cập nhật: 10:26 | 22/07/2020 Theo dõi KTCK trên

CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HOSE - Mã: VNS) mới đây đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2020, với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh.    

Sau 6 tháng, Đạm Phú Mỹ hoàn thành 96% kế hoạch lợi nhuận năm

PNJ báo lợi nhuận quý II giảm mạnh 81%

2448 vinasun ynh
Vinasun lỗ đậm trong quý II, sa thải trên 1.000 nhân viên. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, quý II Vinasun ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 156 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kì năm trước. Doanh thu giảm sâu, dẫn tới lợi nhuận gộp doanh nghiệp âm gần 64 tỷ đồng.

Không chỉ hoạt động kinh doanh đi xuống, mảng thanh lí xe của Vinasun cũng kém hiệu quả dẫn đến khoản lợi nhuận khác chỉ đạt 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 18 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, Vinasun ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 111 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đậm nhất trong lịch sử 35 năm thành lập của công ty trong một quý.

Ông Trần Anh Minh - Phó TGĐ phụ trách mảng đầu tư của VNS chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020: “Chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vào quý 2. Ngay tháng 4, chúng tôi ghi nhận lỗ 50 tỷ đồng. Khi đóng cửa, anh em lái xe đi về quê để tránh dịch bệnh. Thật sự hoạt động kinh doanh đã bị tê liệt ngay tại thời điểm đó”.

0925 doanh thu
Nguồn: BCTC quý II của Vinasun.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Vinasun đạt 521 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức âm 128 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn báo lãi gần 61 tỷ đồng.

Trong năm 2020, Vinasun dự kiến đạt doanh thu 1.180 tỷ đồng, giảm 41% và là năm giảm thứ 4 liên tiếp. Với doanh số trên, hãng dự kiến lỗ ròng 115 tỷ đồng cả năm, trong khi năm liền trước vẫn lãi 109 tỷ đồng.

Với việc doanh thu và lợi nhuận lao dốc, Vinasun cũng đã mạnh tay sa thải nhân viên. Đến 30/6/2020 hãng chỉ còn sở hữu 4.625 nhân sự so với 5.790 người tại thời điểm cuối năm 2019, giảm hơn 1.000 người trong vòng 6 tháng.

Tại thời điểm cuối quý II/2020, tổng tài sản của VNS ghi nhận hơn 2.305 tỷ đồng, giảm 12% so với hồi đầu năm và các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 13%, xuống còn 146 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn ghi nhận khoản nợ phải trả hơn 738 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 46% tổng nợ phải trả.

Năm 2020, Vinasun xác định trong năm 2020 phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách nhất kể từ khi thành lập. Chiến lược của Vinasun năm nay là tập trung giữ vững thị phần, thu hút người lao động, duy trì hoạt động kinh doanh trước tác động của dịch bệnh và áp lực cạnh tranh không cân sức.

Vinasun cũng sẽ tiếp tục đấu tranh để yêu cầu việc tuân thủ quy định pháp luật của các công ty nước ngoài với hoạt động taxi nhằm đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh. Liên quan đến vấn đề này, cuối tháng 6, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã ra quyết định thi hành án, buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun. Ngoài ra Grab còn phải hoàn trả cho Vinasun 347 triệu đồng chi phí giám định.

Trên thị trường chứng khoán, đi cùng với kết quả kinh doanh bết bát là việc giá cổ phiếu VNS lao dốc. Mã này đã có 3 phiên lao dốc liên tiếp (1 phiên giảm sàn), tại phiên giao dịch hôm nay (22/7) VNS giảm tiếp 5,68% xuống mức giá 10.800 đồng/cp.

2158 vinasun
Diễn biến giá cổ phiếu VNS. Nguồn: vietstock

Hoàng Hà