Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào khi đồng nhân dân tệ phá giá?

Cập nhật: 22:31 | 05/08/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Lần đầu tiên, dưới sức ép gia tăng của thương chiến Mỹ - Trung, tỉ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm, ở mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD. Điều này liệu có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

Trong cách thức tính tỷ giá của Ngân hàng nhà nước - NHNN, tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ gồm 8 loại tiền chủ chốt đó là: USD, EUR, JPY, CNY, SGD.... Trong 8 đồng tiền đó thì đồng nhân dân tệ - NDT là phương tiện giao dịch trong thương mại đầu tư lớn nhất với Việt Nam, cho nên sự phá giá của đồng tiền này sẽ tác động lớn tới chính sách tỷ giá của Việt Nam.

viet nam se anh huong nhu the nao khi dong nhan dan te pha gia
Ảnh minh họa

Một vấn đề khác đặt ra là lâu nay, quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc rất lớn. việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc sẽ tác động đến thương mại hai nước và doanh nghiệp (DN) như thế nào? Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế tác động của sự kiện này đến thương mại hai nước là không đáng quan ngại. Bởi tuy kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, chỉ có một số nhỏ hợp đồng kinh tế giao dịch bằng đồng NDT, mà với hợp đồng này về cơ bản hai bên đã chốt giá với nhau trước đó. Tất nhiên, nếu đồng NDT giảm nhiều, trong khi đồng USD tăng thì lại có lợi cho DN xuất nhập khẩu, bởi quy đổi từ đồng USD sang Nhân dân tệ thì DN sẽ được lợi ích cao hơn.

Ông Lực cũng cho rằng, Chúng ta cần hết sức bình tĩnh và phải đánh giá tác động cả về mặt tâm lý của nhà đầu tư, người dân và DN Việt trong bối cảnh có nhiều rủi ro như hiện nay. Từ đó, có những chính sách tốt hơn, truyền thông tốt hơn về vấn đề này. Trước hết cần làm 3 việc: Đầu tiên, phối hợp chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa phải làm chặt chẽ hơn, tốt hơn. Thứ hai phải tăng cường truyền thông để trấn an tâm lý, bởi tâm lý về lạm phát, về tỷ giá của người dân tương đối nặng nề. Cuối cùng, cơ quan quản lý cần phải có thông điệp với thị trường, với người dân và DN vừa để trấn an vừa để đảm bảo tính ổn định của thị trường. Bên cạnh đó, NHNN cần theo dõi, phân tích đánh giá thị trường và tác động của biến động tỷ giá; điều hành tỷ giá bình thường và sớm có thông điệp đến thị trường để trấn an thị trường và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết. Trong bối cảnh quan hệ cung cầu ngoại tệ ổn định, tiềm lực dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ để can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá trước mắt và thời gian tới. Bên cạnh đó, các DN cần hết sức bình tĩnh và đánh giá kỹ hơn tác động của chiến tranh thương mại và các rủi ro thương mại khác tác động đối ngành nghề kinh doanh của mình, DN mình để có giải pháp cụ thể. Chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính, về tỷ giá, lãi suất...Đáng chú ý là các công cụ này hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại đều có. Do đó, cần sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại với DN để kiểm soát rủi ro về lãi suất với tỷ giá tốt hơn.

Tiến sỹ Bùi Quang Tín Viện- Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích: Với việc phá giá đồng NDT, như mọi khi sẽ kéo theo các đồng ngoại tệ khác phá giá theo. Về góc độ vĩ mô đối với các nhà xuất khẩu, thì khi các nước phá giá mà VND vẫn giữ giá hoặc tỷ giá tăng không cao thì điều đó có nghĩa VND bị tăng giá. Khi VND tăng giá như vậy thì sẽ không có lợi cho xuất khẩu trong trung và dài hạn. Do đó, các nhà xuất khẩu nên chú ý đến sự biến động của tỷ giá cũng như rủi ro khi tỷ giá tăng lên; cần phòng ngừa tỷ giá bằng cách mua các hợp đồng phái sinh để bảo vệ rủi ro tỷ giá.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu đồng NDT tiếp tục giảm thì Việt Nam có bị ảnh hưởng gì không? Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng phân tích: Nếu NDT giảm giá quá mạnh, nhiều công ty Việt nhìn thấy biên lợi nhuận cao sẽ chuyển sang mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để bán vào nội địa thay vì tập trung đầu tư máy móc, công nghệ để tạo ra tỉ lệ nội địa hóa tăng cao. “Khi chiến tranh thương mại leo thang và kéo dài, tỉ giá NDT/USD giảm mạnh, tác động lớn đến kinh tế VN. Bởi hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh lớn hơn cũng như tạo nên sức ép tỉ giá đồng VN và USD” - ông Hiếu cảnh báo.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, nhìn nhận NDT giảm giá mạnh thì hàng nhập Trung Quốc rẻ hơn và ngược lại, hàng VN đắt hơn khi xuất vào Trung Quốc. Với bất kỳ tình huống nào, việc lựa chọn giải pháp cũng mang cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực.

“Nếu chủ động hạ giá tiền đồng sẽ giúp hàng xuất khẩu Việt tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước. Tuy nhiên, cũng phải tính toán cẩn trọng, nếu không Mỹ có thể cho rằng VN thao túng tiền tệ và dễ dẫn đến việc bị áp thuế tương tự Trung Quốc” - ông Nghĩa gợi ý.

Anh Khang T/h

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm