Ủy ban Chứng khoán phản hồi vụ cổ đông tố cáo Bông Bạch Tuyết

Cập nhật: 11:12 | 24/09/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có văn bản phản hồi việc nhóm cổ đông tố cáo Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT) với những bất thường tại công ty này.  

Cụ thể, ngày 21/9/2018 UBCKNN có văn bản số 6508/UBCK-TT phản hồi về việc nhóm cổ đông của Công ty cổ phần BBT gồm: Bà Hà Thị Oanh và nhóm cổ đông tố cáo BBT có sai phạm về triệu tập họp và thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018.

Hiện UBCKNN đang xem xét nội dung phản ánh trong đơn theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, UBCKNN sẽ xử lý vi phạm theo quy định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử UBCKNN.

Trước đó, nhóm cổ đông Công ty cổ phần BBT đã viết đơn kêu cứu, tố cáo BBT có nhiều bất thường trong việc tổ chức họp ĐHĐCĐ lần 3 năm 2018.

Trong đơn kêu cứu có nêu: ĐHĐCĐ lần 3 năm 2018 Công ty BBT có 47 cổ đông tham dự, đại diện gần 40% vốn điều lệ. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Công ty cổ phần Dệt May Gia Định (Giditexco) chiếm tỷ lệ 30%. Đáng chú ý, phần vốn này được chia đều cho 4 người đại diện sở hữu, đồng thời cũng là thành viên Hội đồng quản trị ( HĐQT) của BBT, thành viên Ban tổ chức đại hội cổ đông.

uy ban chung khoan phan hoi vu co dong to cao bong bach tuyet
Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần BBT.

Theo phản ánh của nhiều cổ đông, Trưởng Ban tổ chức là ông Đoàn Văn Sơn – Chủ tịch HĐQT đã không xây dựng dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình, nội dung cuộc họp; không gửi kèm phiếu biểu quyết cho các cổ đông biết trước cuộc họp, trong khi có đến 10 nội dung cần thảo luận thông qua…Điều này là trái với Điều lệ công ty và Luật doanh nghiệp năm 2014.

Tiếp đó, thay vì tiến hành thảo luận biểu quyết theo từng vấn đề trong nội dung chương trình cuộc họp, Ban tổ chức lại đưa tất cả các nội dung cần thảo luận và biểu quyết vào chung một phiếu dẫn đến việc các cổ đông không được thảo luận nhiều nội dung trong chương trình. Điều này là trái với Điều lệ công ty BBT và Luật doanh nghiệp. Hơn thế nữa, khiến cho cổ đông nghi ngờ Ban tổ chức lập lờ, cố tình đánh tráo nội dung chương trình để nhanh chóng thông qua nghị quyết đại hội, có lợi cho cổ đông lớn.

Một điều nữa, tại đại hội chỉ có 47/2367 cổ đông, đại diện cho 2.734.300/ 6.840.000 cổ phần, chiếm tỷ lệ 39,98% cổ đông có quyền biểu quyết. Trong khi đó, cổ đông lớn duy nhất tham dự đại hội là Giditexco đã nắm giữ đến 30% vốn điều lệ của BBT (4 người)…Như vậy, để số cổ đông có quyền tham gia biểu quyết nội dung nghị quyết là rất thấp, không đảm bảo tính đại diện trong công ty đại chúng. Điều này chỉ có lợi cho cổ đông lớn là Giditexco và đồng thời trực tiếp gây thiệt hại cho các cổ đông nhỏ.

Đặc biệt hơn, ngay trong ngày đại hội, ông Đoàn Văn Sơn đã vội vàng ký thông qua nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ, nhưng mãi đến ngày 17/8 biên bản họp ĐHĐCĐ mới được công bố. Điều này trái với quy định tại khoản 2, điều 25 Điều lệ Công ty BBT và khoản 2 điều 146 Luật doanh nghiệp.

Bi hài hơn, tại điều 13 của Nghị quyết này còn nhận định rằng: “Nghị quyết đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 Công ty BBT thông qua với tỷ lệ tán thành 100% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp”. Trong khi các cổ đông phản ánh, thực tế tại cuộc họp đã có rất nhiều cổ đông biểu quyết không tán thành nghị quyết.

Theo các cổ đông phản ánh, vấn đề lớn và quan trọng nhất của ĐHĐCĐ là về tài sản đất đai, nhà xưởng của công ty đang bị kê biên phát mãi liên quan đến khoản nợ của BBT đối với Ngân hàng TMCP Hàng Hải, nhưng lại không được đưa vào nội dung thảo luận và nghị quyết.

uy ban chung khoan phan hoi vu co dong to cao bong bach tuyet
Cổ đông phản đối những bất thường của Ban tổ chức đại hội.

Nhận thấy điều bất thường, các cổ đông nhỏ đã đồng loạt yêu cầu Ban tổ chức phải bổ sung ngay vào nội dung thảo luận để ra nghị quyết trong đại hội kỳ này. Theo các cổ đông nhận định: “Nếu đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị bị phát mãi hết đồng nghĩa với việc tài sản và lợi ích của của cổ đông cũng bị bán hết thì đại hội có bàn phương hướng chiến lược gì cũng chỉ là vô nghĩa.”

Nhiều cổ đông cho rằng, HĐQT đã thiếu trách nhiệm, thiếu sót trong việc thay đổi người xử lý nợ, dẫn đến tài sản bị phát mại. Việc thúc đẩy phát mại này có dấu hiệu trục lợi của nhóm lợi ích, muốn thâu tóm tài sản đất đai của BBT. Hơn nữa, vấn đề tài sản bị đấu giá phát mại nhưng HĐQT lại không thông báo hay xin ý kiến cổ đông mà dấu nhẹm đi, họ chỉ phát hiện thông tin này trên báo chí. Trong Điều lệ Công ty BBT có quy định rõ, bất cứ giá trị tài sản nào từ 35% vốn điều lệ thì HĐQT phải xin ý kiến cổ đông trước khi đưa ra biện pháp xử lý.

Ngoài ra, cổ đông yêu cầu phải có nghị quyết về việc bằng mọi giá không để tài sản công ty bị phát mại để bảo vệ lợi ích của cổ đông, công ty và người lao động. Đồng thời, yêu cầu HĐQT phải tạo điều kiện cho Ban Tổng giám đốc là những người có kinh nghiệm xử lý nợ nhiều năm qua tiếp tục xử lý nợ đối với Ngân hàng TMCP Hàng Hải. Trước những bức xúc và yêu cầu của các cổ đông, chủ tọa là ông Đoàn Văn Sơn đã phải bổ sung vào chuơng trình thảo luận đại hội.

Một vấn đề nữa gây nhiều bức xúc cho các cổ đông là việc, HĐQT đã sửa điều lệ và quy chế nội bộ với những ý chung chung, không có nội dung, tiêu chí cụ thể, gây khó hiểu cho người đọc, nhưng lại mau chóng tiến hành biểu quyết. Điều này khiến cho các cổ đông nghi ngờ, việc sửa đổi điều lệ quy chế của HĐQT không phục vụ số đông mà chỉ bảo vệ lợi ích một số cổ đông lớn mà thôi.

uy ban chung khoan phan hoi vu co dong to cao bong bach tuyet
Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông.

Đơn cử là việc Giditexco dùng quyền để giới thiệu thêm thành viên tham gia HĐQT không đúng với quy định của Luật doanh nghiệp và không tuân thủ Nghị định 71/2017/CP. Vì Giditexco năm giữ 30% cổ phần thì hiện đã có 4 người, nay cử thêm một người nữa, đồng nghĩa HĐQT Công ty BBT đều là người của cổ đông lớn, không hề có cổ đông độc lập là không đúng quy định pháp luật, thiếu khách quan.

Lợi ích của cổ đông nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì họ không có đại diện, công cụ gì để có thể tự bảo vệ quyền lợi cho mình.

Trước những khuất tất của HĐQT Công ty BBT, nhiều cổ đông đã viết đơn kêu cứu lên Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội, đồng thời, gửi đơn kiện lên Tòa án Nhân dân quận Tân Bình yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ ngày 13/8, để bảo vệ tài sản công ty BBT và quyền lợi của mình.

Lê Cường