Tin đồn trong kỷ nguyên số

Cập nhật: 16:15 | 12/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thì tin đồn trên thị trường chứng khoán được ví như dịch bệnh, với tốc độ siêu lan tỏa, mức độ thiệt hại thật khó lường. Điều này đang là thách thức đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đại chúng trong việc kiểm soát và  xử lý tin đồn trong kỷ nguyên số.  

tin don trong ky nguyen so Tin đồn một phần tất yếu của thị trường
tin don trong ky nguyen so Sóng tin đồn trên thị trường chứng khoán
tin don trong ky nguyen so Những đợt sóng từ tin đồn

Đầu tháng 2/2013, thông tin ông Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV) bị bắt lan truyền trên mạng xã hội, vào thời điểm “cơn bão tin đồn” trên thị trường tài chính tiền tệ kéo dài suốt 2 tháng. Theo Tổng cục An ninh II (Bộ Công an), tin thất thiệt này tác động mạnh đến thị trường tài chính tiền tệ, hoạt động “bán tháo” chứng khoán diễn ra trên diện rộng khiến chỉ số sụt giảm mạnh. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 8/2012, sau vụ Bầu Kiên bị bắt. Tỷ giá đôla sau khi chững lại vào buổi sáng, bất ngờ tăng vọt trở lại vào buổi chiều 21/2/2013. Giá vàng tiếp tục nới rộng khoảng cách so với thế giới khi lực mua bất ngờ tăng mạnh tại TP HCM... Tổng cục An ninh II xác định có 3 người đã tung tin sai sự thật này, xử phạt hành chính mỗi người 10-15 triệu đồng. Nhà chức trách xác định sai phạm của họ dù chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đã phạm vào lỗi "cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu giữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác", theo Nghị định 63/2007.

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, tin đồn hiện nay chủ yếu xuất hiện trên mạng xã hội sau đó mới lan tỏa ra các kênh truyền thông khác. Các vụ tin đồn ngày càng có xu hướng tăng và phức tạp hơn trước. Chỉ tính riêng trong năm 2016, các cơ quan chức năng đã ban hành 123 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 11,3 tỷ đồng. Tình trạng tung tin đồn thất thiệt trên Thị trường Chứng khoán vẫn diễn ra làm ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường và tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp niêm yết. Điển hình như vụ tin đồn CTCP Hoàng Anh Gia Lai phá sản, bà Đặng Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo trốn ra nước ngoài khiến các nhà đầu tư hết sức hoang mang, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Theo phân tích của Thạc sỹ Trần Thanh Bình – Phó trưởng khoa Truyền thông Đại học Đại Nam, chỉ cần một tài khoản trên mạng xã hội, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể tạo ra tin đồn để phục vụ mục đích của mình. Trong lĩnh vực kinh tế, từ người buôn bán nhỏ lẻ cho đến các công ty, tập đoàn lớn, tất cả đều có thể trở thành nạn nhân của những thông tin thất thiệt, bôi nhọ trên mạng xã hội. Thông thường, đây là những thông tin bịa đặt, những thông tin chưa được cơ quan chức năng xác nhận hay những thông tin đã bị cắt xén và tỉa gọt có chủ đích, không còn đúng bản chất sự thật ban đầu. Do đó, một khi những thông tin đã được chỉnh sửa này chỉ cần 1 giây sau khi bấm nút “gửi”, thiệt hại của chủ thể mà những thông tin trên hướng tới sẽ ngay lập tức phát sinh. Và đương nhiên, thiệt hại này không chỉ là thiệt hại về tài sản mà nguy hiểm hơn là uy tín, thanh danh. Thậm chí đã có nhiều doanh nghiệp phá sản cũng chỉ vì những thông tin thất thiệt như trên. Trên thị trường chứng khoán những thông tin về bắt bớ, phá sản là những thông tin có sức lan tỏa mạnh nhất. Mức độ lan tỏa thông tin trên mạng xã hội thường cao gấp 5 lần so với các kênh truyền thông khác. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đại chúng cũng cần quan tâm và có những biện pháp cụ thể để quản trị những thông tin liên quan đến doanh nghiệp trên mạng xã hội. Có làm được điều này thì họ mới có thể kiểm soát và xử ký được tin đồn trong kỷ nguyên số hiện nay.

Để hiểu rõ được nguyên nhân, tác động của tin đồn đến thị trường chứng khoán như thế nào cũng như đâu là giải pháp để kiểm soát và xử lý tin đồn, Thời báo Chứng khoán Việt Nam (kinhtechungkhoan.vn) sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề “An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán” vào ngày 15/5/2019 tại Tầng 18 tòa nhà Eurowindow, số 2 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội; Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam; Các chuyên gia kinh tế và sẽ được trực tuyến trên kinhtechungkhoan.vn.

Anh Khang