Tin đồn một phần tất yếu của thị trường

Cập nhật: 11:19 | 11/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tin đồn được đánh giá là “tồn tại tất yếu” của thị trường chứng khoán. Thậm chí TS Đinh Thế Hiển còn ví von tin đồn giống như ăn phở phải có rau thơm và tương ớt… Và tin đồn xuất hiện ở tất cả các thị trường chứng khoán trên thế giới.  

tin don mot phan tat yeu cua thi truong Đầu tư 2 dự án BOT giao thông hơn 3.000 tỷ tại Thanh Hóa
tin don mot phan tat yeu cua thi truong Cổ phiếu giảm sàn, vốn hóa Nhựa An Phát Xanh “bốc hơi” hàng trăm tỉ
tin don mot phan tat yeu cua thi truong Vốn hóa Ngân hàng BIDV ‘bốc hơi’ nghìn tỉ ngày ông Trần Bắc Hà bị bắt

Chỉ số Dow Jones phiên ngày 23/4/2013 bất ngờ rơi vào trạng thái hoảng loạn và giảm hơn 150 điểm. Sự hỗn loạn này diễn ra sau khi có thông tin Nhà Trắng bị tấn công và tổng thống Barack Obama bị thương. Theo thống kê, tin đồn thất thiệt này khiến thị trường chứng khoán Mỹ thiệt hại khoảng 137 tỷ USD. Trước đó, các hacker đã đột nhập vào tài khoản Twitter của một quan chức hãng tin AP và cho đăng tải một thông tin với tiêu đề "2 vụ nổ liên tiếp tại Nhà Trắng, Barack Obama bị thương". Ngay lập tức, thông tin trên có hơn 3.000 người trên Twitter đăng ký theo dõi và thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Chỉ 1 tiếng sau đó, hãng tin AP cho phát hành tuyên bố chính thức thông qua tài khoản Twitter @ AP_Politics, trong đó thông báo các tài khoản Twitter của hãng đã bị đột nhập và thông tin về vụ tấn công là hoàn toàn thất thiệt.

Trước đó, ngày 10/8/2011 một tin đồn thất thiệt được truyền đi khắp các thị trường tài chính rằng khủng hoảng nợ công châu Âu đã tác động mạnh tới độ tín nhiệm của các ngân hàng Pháp và sẽ nhanh chóng lan sang các định chế tài chính Mỹ.Tệ hơn, báo lá cải Mail of Sunday của Anh đưa tin, ngân hàng lớn thứ hai của Pháp Société Générale sắp phá sản do thua lỗ nặng vì mua tín dụng của Hy Lạp. Cổ phiếu Société Générale mất giá 20%, kéo theo toàn bộ các chỉ số chứng khoán khác ở Pháp, sau đó làn sóng rớt giá lan ra toàn châu Âu và Mỹ. Tin đồn này đã khiến chỉ số các sàn chứng khoán châu Âu đỏ quạch trong phiên giao dịch 10/8. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3,05% xuống còn 5.007,16 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 5,45% xuống còn 3.002,99 điểm. Chỉ số DAX của Đức hạ 5,49% xuống còn 7.966 điểm. Còn tại thị trường Mỹ, Dow Jones trượt 519,83 điểm, tương ứng 4,62%, xuống 10.719,94 điểm. S&P 500 giảm 51,77 điểm, tương ứng 4,42%, xuống còn 1.120,76 điểm. Nasdaq hạ 101,47 điểm, tương ứng 4,09%, xuống 2.381,05 điểm. Ngay sau vụ việc này xảy ra, Ủy ban Thị trường và chứng khoán châu Âu (ESMA) trong một thông báo hôm 11/8 cho hay, bốn quốc gia châu Âu là Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ nhất trí ban hành lệnh cấm bán khống. Theo lệnh ban hành, Pháp sẽ cấm bán khống 11 loại cổ phiếu tài chính trong vòng 15 ngày, Tây Ban Nha sẽ áp dụng lệnh cấm đối với 16 loại cổ phiếu tài chính và Bỉ cấm bán khống bốn loại cổ phiếu tài chính trong một thời hạn không xác định để bảo vệ sự toàn vẹn và chất lượng của các thị trường chứng khoán cũng như củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Ngày 15/10/2009, thị trường chứng khoán Thái Lan đã giảm sụt 5,3% sau khi các tin đồn vua lúc đó là Bhumipol Adulyadej đang ở trong tình trạng hiểm nghèo lan rộng. Mặc dù Hoàng Cung cho biết là nhà Vua đã hồi phục và phải nằm điều trị trong bệnh viện một thời gian nữa, thế nhưng, các thị trường tài chính đã tỏ hoài nghi. Đây là ngày thứ nhì thị trường chứng khoán Thái Lan sụt giảm vì e ngại tình trạng bất ổn tại nước này trong trường hợp nhà Vua qua đời.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong: Nguyên nhân của tin đồn trên thị trường chứng khoán có một phần do sự mập mờ không minh bạch, chậm công bố thông tin quản lý của các đơn vị cơ sở, ngoài ra cuộc chiến tin đồn cũng gắn với cuộc chiến của lợi ích nhóm.

Còn theo TS Đinh Thế Hiển, tin đồn là một yếu tố giống như gia vị để thị trường chứng khoán hấp dẫn, thậm chí nhiều nhà đầu tư luôn mong có tin đồn và lợi dụng tin đồn để kiếm lời. Có điều, khi thua lỗ họ mới quay sang than phiền. Tin đồn giống như ăn phở phải có rau thơm và tương ớt, hay như trước một trận bóng đá dư luận đồn cầu thủ này, cầu thủ kia bị chấn thương chẳng hạn… Nói chung tin đồn làm cho thị trường chứng khoán thêm hấp dẫn và nó là một tồn tại khách quan, quan trọng là chúng ta cần có biện pháp để kiểm soát và xử lý tin đồn cho tốt.

Để hiểu rõ được nguyên nhân, tác động của tin đồn đến thị trường chứng khoán như thế nào cũng như đâu là giải pháp để kiểm soát và xử lý tin đồn, Thời báo Chứng khoán Việt Nam (kinhtechungkhoan.vn) sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề “An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán” vào ngày 15/5/2019 tại Tầng 18 tòa nhà Eurowindow, số 2 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội; Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam; Các chuyên gia kinh tế và sẽ được trực tuyến trên kinhtechungkhoan.vn.

Anh Khang