Thực phẩm “hạ nhiệt”

Cập nhật: 12:44 | 18/02/2019 Theo dõi KTCK trên

Nguồn cung dồi dào đã góp phần hạn chế tình trạng ghim hàng, nâng giá trên thị trường

thuc pham ha nhiet Giá cả hàng hóa biến động sau Tết
thuc pham ha nhiet Giá thực phẩm tăng chóng mặt vì Tết
thuc pham ha nhiet Giám sát chặt chẽ rau, thịt đưa về Hà Nội tiêu thụ

Rau xanh giảm giá

Thông thường, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán như hiện nay, giá cả hàng hóa đặc biệt là thực phẩm sẽ được “neo” một thời gian ở mức khá cao. Tuy nhiên, tại TP. Đà Nẵng cũng như một số địa phương khác ở miền Trung, thời điểm này trên thị trường không có nhiều biến động về giá. Nguyên nhân chính do nguồn cung các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống khá dồi dào trên thị trường.

thuc pham ha nhiet
Tại Đà Nẵng, mặt hàng rau xanh giảm giá nhanh chóng

Trên thị trường TP. Đà Nẵng, vào thời điểm này các mặt hàng khá phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các cửa hàng, doanh nghiệp, siêu thị đến tận những tiểu thương đều dự trữ nguồn hàng khá phong phú, dồi dào. Bởi vậy, các “thượng đế” cũng không còn nỗi lo canh cánh bị “chặt chém” như những năm trước. Bà Nguyễn Thị Hiền, trú tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ chia sẻ, năm nay sau Tết, tình hình giá cả các sản phẩm đã nhanh chóng hạ xuống, như những ngày bình thường. Điều này khác với những năm trước khi tình trạng giá cả “ăn theo” dịp Tết thường kéo dài, ít ra đến ngoài rằm tháng Giêng.

Thực tế, trên thị trường theo quan sát của phóng viên một số mặt hàng thực phẩm đã nhanh chóng quay về mức giá ngày thường, sau khi “tăng phi mã” trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, trong đó có thể kể đến mặt hàng rau củ quả. Vào thời điểm này, tại các chợ dân sinh trên địa bàn giá nhiều mặt hàng rau, củ, quả đã xuống thấp như ngày thường.

Đơn cử như, mướp đắng có giá 60 nghìn đồng/kg, đậu ve 10 nghìn đồng/kg, dưa leo từ 12 đến 15 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, nếu ở thời điểm giáp Tết, rau muống có khi lên đến 20 nghìn đồng/bó, nay cũng giảm xuống còn từ 10 đến 12 nghìn đồng/bó. Tương tự, rau cải xanh dịp giáp Tết có giá 15 nghìn đồng/bó thì thời điểm này cũng giảm xuống chỉ còn 10 nghìn đồng/bó, rau mồng tơi cũng đã giảm khoảng 5 nghìn đồng/bó…

Giải thích nguyên nhân các mặt hàng rau xanh “hạ nhiệt” nhanh, bà Trần Thị Liên - một tiểu thương ở chợ Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho biết, nguyên nhân chính do nhu cầu mua của người tiêu dùng đã giảm. Trong khi đó, sau Tết thời tiết khá thuận lợi nên nguồn hàng rau, củ quả từ các địa phương khác như Lâm Đồng đổ về thành phố khá dồi dào, không khan hiếm như những năm trước.

Tương tự như rau xanh, trên thị trường Đà Nẵng giá các loại thịt cũng đã nhanh chóng “giảm nhiệt”. Cụ thể, thịt lợn mông, vai hiện có giá khoảng 120 nghìn đồng/kg, sườn non 150 nghìn đồng/kg, thị bò loại cũng khoảng 270 nghìn đồng/kg... Nguồn cung dồi dào, không có tình trạng “cung không đủ cầu”, trong khi mức độ tiêu thụ có phần giảm so với trước Tết đang là nguyên nhân chính khiến các loại thịt giảm giá.

Chủ động bình ổn

Thực tế, trên thị trường bên cạnh nhiều mặt hàng đã giảm giá như rau xanh hay thịt các loại vẫn có một số mặt hàng vẫn còn “neo” ở mức giá khá cao. Trong đó, có thể kể đến mặt hàng trái cây và thủy hải sản. Đơn cử như hải sản, cá thu nguyên con loại lớn vẫn được rao bán từ 400 đến 500 nghìn đồng/kg. Cá mú cũng khoảng 350 nghìn đồng/kg. Các loại cá tươi, tôm, mực vẫn được bán với giá khá cao, chưa có dấu hiệu giảm xuống khi Tết Nguyên đán đã đi qua được 2 tuần.

Giải thích điều này, ông Lê Thanh trú tại quận Sơn Trà cho biết, những ngày đầu năm mới nhiều tàu thuyền vẫn chưa mở biển, nên nguồn cung khan hiếm hơn ngày thường, nên mức giá cao hơn. Chưa kể đến việc sau dịp Tết, nhiều người tiêu dùng thường tìm đến các loại hải sản, tôm cá phục vụ cho bữa ăn của gia đình. Tương tự như thủy hải sản, giá các mặt hàng trái cây ở Đà Nẵng vào thời điểm này cũng ở mức khá cao. Trung bình, vẫn cao hơn trước tết từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá một số dịch vụ vẫn còn tình trạng tự tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”, sau các dịp nghỉ lễ. Trong đó, có thể kể đến nhóm dịch vụ ăn uống và giải trí, thuê xe ô tô... Thực tế, không ít nhà hàng tại Đà Nẵng hay một số địa phương khác trong cả nước, đến thời điểm này vẫn còn tình trạng “giá Tết”, mặc dù đã gần đến rằm tháng Giêng. Trong khi, giá các loại dịch vụ khác như, thuê xe ô tô vẫn ở mức cao do nhu cầu trên thị trường tăng mạnh, khi nhu cầu thuê xe đi lại, tham gia lễ hội… đang vào thời kỳ cao điểm.

Có thể nói, ngoài một số ít mặt hàng, dịch vụ đến thời điểm này vẫn còn giữ “giá tết”, thì thị trường tại TP. Đà Nẵng sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi là tương đối ổn định. Với nguồn cung dồi dào, trên thị trường đã không xảy ra tình trạng ghim hàng, nâng giá…

Được biết, để phòng ngừa, hạn chế những biến động đột biến của thị trường, nhất là tình trạng đầu cơ tăng giá thu lợi bất chính, Sở Công thương thành phố đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi, kiểm soát thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát, khống chế hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái cũng như kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường. Nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt không để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, duy trì sự ổn định của thị trường sau dịp tết.

Hoàng Lượng

Theo Thời báo ngân hàng

Tin cũ hơn
Xem thêm