Thị trường xuất siêu quay trở lại, chấm dứt chuỗi thâm hụt thương mại?

Cập nhật: 10:17 | 05/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Sau nhiều năm liên tục xuất siêu, tháng 4/2021 đánh dấu tháng nhập siêu trở lại của cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam. Theo sau đó là chuỗi liên tiếp các tháng nhập siêu kéo dài đến tháng 8.

Hàng hóa bán lẻ Việt Nam sẽ tăng khoảng 3-4% trong năm 2021

Giá xăng dầu hôm nay 5/10/2021: Giảm mạnh chờ tín hiệu từ OPEC+

Hàng loạt cửa hàng tiện lợi dần đi vào đời sống người dân Việt Nam

Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD. Như vậy, sau 5 tháng liên tục nhập siêu, cán cân thương mại đã trở lại "vị thế" xuất siêu với giá trị 500 triệu USD. Đây có thể là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian "đóng băng" vì giãn cách xã hội.

TS. Huỳnh Thanh Điền - Chuyên gia kinh tế, cho rằng trong những tháng đầu dịch bệnh doanh nghiệp chưa thích nghi với tình trạng sản xuất thay đổi như giảm công suất, quy định "3 tại chỗ", chi phí vận chuyển tăng cao...nhưng sau đó doanh nghiệp dần quen hơn với khó khăn nên đã kết nối lại đơn hàng với đối tác, giúp hoạt động sản xuất được dần khôi phục ở một mức độ nhất định.

1154-xuatsieu
Ảnh minh họa

"Chúng ta đang chuyển dần từ trạng thái "Zero COVID" thành "thích ứng với dịch", giúp hoạt động kinh tế được khơi thông hơn, các doanh nghiệp, đối tác trên thế giới sẽ nhận thấy hướng đi này của Chính phủ Việt Nam giúp niềm tin tăng trở lại, đơn hàng từ đó cũng quay trở lại.

Theo đó, doanh nghiệp trong nước cũng thích ứng hơn như thay đổi phương thức quản lý, sản xuất, kiện toàn lại chuỗi cung ứng từng bước để đảm bảo hoạt động kinh doanh", chuyên gia nhận định.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cũng thừa nhận trong tháng 8 do nhận thấy việc hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" không hiệu quả nên công ty đã quyết định dừng sản xuất. Tuy nhiên bước sang tháng 9, Việt Thắng Jean đã tổ chức lại sản xuất với 40% công nhân để hoàn thành các đơn hàng gấp của đối tác quốc tế.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp, nếu không hoạt động trở lại sớm sẽ mất đơn hàng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Phân tích thêm về điều kiện nối lại đơn hàng của các doanh nghiệp, theo chuyên gia Thanh Điền, thực tế dư địa sản xuất của doanh nghiệp khá lớn khi các đơn hàng đã ký từ trước và trải dài đến cuối năm. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về vận chuyển hàng hóa, giúp cho hoạt động xuất khẩu chuyển biến tích cực.

Một nguyên nhân khác giúp cán cân thương mại hàng chuyển sang xuất siêu trong tháng vừa qua là do kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp thường tập trung ký kết hợp đồng vào cuối năm trước hoặc đầu năm mới, đến quý I, quý II sẽ là thời gian tăng nhập nguyên liệu và đến quý III, quý IV nhà máy được tập trung cho sản xuất.

Có thể thấy, kết quả xuất nhập khẩu trong tháng 9 đã kết thúc chuỗi nhập siêu liên tiếp trong những tháng qua nhưng tính chung 9 tháng năm 2021, hoạt động thương mại hàng hóa vẫn thâm hụt 2,13 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 16,6 tỷ USD.

Bộ Công Thương cho rằng do kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất, cùng với giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu, xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay.

Đáng chú ý, dù nhập siêu trong 9 tháng nhưng nhìn vào kết quả xuất khẩu của nhiều nhóm hàng, có thể thấy, sự gia tăng cả về lượng và giá xuất khẩu đã phần nào cứu vãn cho kim ngạch xuất khẩu tưởng chừng sẽ thâm hụt sau nhiều tháng khó khăn vì dịch bệnh.

Điển hình, với một số mặt hàng nông sản như sắn tăng 50,2% về sản lượng và tăng tới 67,6% về trị giá, cao su tăng hơn 17% về lượng và tăng tới 52,7% về trị giá xuất khẩu; hạt tiêu mặc dù lượng giảm 3,3% nhưng trị giá tăng gần 47%.

Còn với nhóm nhiên liệu, khoáng sản và công nghiệp chế biến, một số mặt hàng đã ghi nhận sự tăng mạnh cả về lượng và trị giá như than đá tăng lần lượt 147,4% và 126,5%; sắt thép các loại tăng 125,4% và 39,3%.

Tuy nhiên, dù chiếm tỷ trọng cao nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu nhưng nhiều mặt hàng của công nghiệp chế biến sụt giảm mạnh về lượng như gỗ và sản phẩm gỗ giảm 35,3%; hàng dệt và may mặc giảm 18,6%; giày dép các loại giảm 44,2%...nên không "đủ sức" kéo cán cân thương mại 9 tháng về phía xuất siêu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ ngày 30/9 rằng tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng vẫn đang ở mức cao, hiện đang là 18,8%, trong khi năm 2020 mới chỉ tăng trưởng ở mức 7 -10%. Đặc biệt, tháng 9 cán cân thương mại hàng hóa đã ghi nhận xuất siêu với trị giá 500 triệu USD.

Tính chung trong 9 tháng năm 2021, nước ta đang nhập siêu 2,13 tỷ USD. Nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu, tương đương 0,8%.

Theo đó, với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao cũng như kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương là đạt mức 4-5%.

Cũng theo Bộ Công Thương, cơ sở để đưa ra dự báo này là do thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA, cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm.

Đặc biệt, tín hiệu đáng mừng là TP HCM đang từng bước mở cửa lại, giúp doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, với vai trò là địa phương quan trọng bậc nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Nam, việc mở cửa TP HCM sẽ giúp các địa phương lân cận đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá.

Tuy nhiên, ở kịch bản tiêu cực hơn, theo Bộ Công Thương quý IV là chu kỳ nhập khẩu nên thường sẽ tăng cao, do đó, dự kiến cả năm nhập khẩu tăng hơn 20%, nhập siêu khoảng 2 tỷ USD.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm