Thị trường xuất khẩu hải sản bật tăng mạnh mẽ

Cập nhật: 07:45 | 27/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm hải sản của Việt Nam đạt gần 358 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Bức tranh lạc quan của xuất khẩu dệt may

Xuất khẩu thủy sản sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD năm 2022

Thủy sản Minh Phú: Giá trị xuất khẩu tăng gần 26% sau 5 tháng đầu năm

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm này đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, xuất khẩu hải sản chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác đều tăng, trong đó, mặt hàng cá ngừ ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 59% đạt hơn 462 triệu USD.

Xuất khẩu cua ghẹ, giáp xác khác và mực, bạch tuộc tăng lần lượt 47% và 28%. Xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 27%, xuất khẩu cá biển khác tăng nhẹ 9%. Duy nhất xuất khẩu nhuyễn thể khác giảm 35% tuy nhiên sản phẩm này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác trong tháng 5 tuy vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng mức tăng đều thấp hơn so với tháng 4.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

VASEP nhận định chiến sự Nga – Ukraine vẫn chưa đến hồi kết và tiếp tục tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, trong đó có khai thác thuỷ sản, khiến nguyên liệu khan hiếm vì chi phí khai thác cao. Do vậy, nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu sẽ vẫn bài toán khó với các doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ đang trên đà tăng tốc. Theo VASEP, 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 462 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh (HS 0304) của Việt Nam tăng 128,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 316 triệu USD, chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ. Nhìn vào bức tranh xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong 5 tháng đầu năm cho thấy sự hồi phục rõ nét sau COVID-19.

VASEP cho rằng xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tăng mạnh nhờ hoạt động thương mại, kinh doanh của thị trường cá ngừ toàn cầu đã trở nên “đắt khách” sau hơn 3 năm dịch bệnh. Ngoài ra, chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy thế giới, trong đó có hai điểm nóng là Mỹ và châu Âu vào nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực.

Giá thực phẩm đã tăng từ 20-40% so với đầu năm, trong đó, giá thịt gà tại Mỹ đã đạt mức kỷ lục và tăng gấp 3 lần so với trước, nhiều nhà nhập khẩu đang suy nghĩ tới tương lai thay thế bằng sản phẩm protein cá ngừ lành mạnh và giá tốt hơn.

5 tháng đầu năm nay, Mỹ, EU và khối CPTPP tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu cá ngừ đông lạnh chính của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang Mỹ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng 102%.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt hơn 251 triệu USD, tăng 102% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ tiếp tục giữ vững vị trí thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ. Hiện, sản phẩm lợn/thịt cá ngừ đông lạnh của Việt Nam đang giành phần lớn thị phần tại Mỹ.

Theo thống kê cập nhật nhất của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), 4 tháng đầu năm, Mỹ đã tăng nhập khẩu phile cá ngừ đông lạnh (thuộc HS 0304) từ Việt Nam và giảm nhập khẩu cá ngừ của Thái Lan.

Hiện, giá cá ngừ nhập khẩu trung bình của Mỹ đã lên mức 7,63 - 7,65 USD/kg (tăng khoảng 1 USD/kg) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá cá ngừ nhập khẩu từ Việt Nam đang ở mức cao nhất vào cuối tháng 4, đạt khoảng 11 USD/kg, tăng 2,3 USD/kg so với cùng kỳ năm trước.

Sau Mỹ, EU là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ hai của Việt Nam. Theo đó, 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 68 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Đức tăng 3,4% (đạt 10,5 triệu USD); Hà Lan tăng 69% (9,8 triệu USD); Bỉ tăng 100% (9,47 triệu USD).

Hiện nay, thị trường châu Âu vẫn ưa chuộng sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh. Phần lớn sản phẩm nhập khẩu được đưa đến chuỗi nhà hàng Nhật Bản, nhà hàng châu Á và cửa hàng bán lẻ, trường học…

Ngoài ra, EU là thị trường thu hút rất nhiều nguồn cung có tên tuổi trên thế giới như Ecuador, Papua New Guinea, Philippines, Mauritius, Seychelles… Do đó, trong thời gian tới cá ngừ Việt Nam vẫn phải chịu nhiều cạnh tranh trên thị trường EU.

Một thị trường quan trọng khác của cá ngừ Việt Nam là khối CPTPP. 5 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này đạt 54,5 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng Canada đã chiếm hơn 42% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này với 23,4 triệu USD, tăng 72%. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản cũng tăng 6%, đạt 14 triệu USD, Mexico tăng 35%, đạt 6,5 triệu USD, Chile tăng 59%, đạt 4 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ sang Philippines, Ai Cập và Nga trong 5 tháng đầu năm nay cũng tăng trưởng khả quan.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm