Xuất khẩu thủy sản sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD năm 2022

Cập nhật: 11:15 | 26/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo xuất khẩu thủy sản quý II sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2021; quý III cũng đạt khoảng 3 tỷ USD (tăng 33%) và cả năm 2022 sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2021.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dẫn đầu là mặt hàng tôm với hơn 1,8 tỷ USD (tăng hơn 41%); cá tra đạt hơn 1,2 tỷ USD (tăng gần 90%); cá ngừ hơn 462 triệu USD (tăng hơn 58%)…

Xuất khẩu thủy sản sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD năm 2022
Xuất khẩu thủy sản sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD năm 2022

Hầu hết, các thị trường (trừ Trung Quốc) mở cửa hoàn toàn sau COVID-19, giao thương thuận lợi. Giá xuất khẩu tăng vì nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng từ cuối năm 2021 với giá cao. Doanh nghiệp thủy sản Việt trở lại với các hội chợ thủy sản quốc tế, thu hút thêm nhiều nhà nhập khẩu. Nhu cầu nhập khẩu tăng cao tại Mỹ, EU, hồi phục tại Trung Quốc, 3 thị trường chi phối và chiếm hơn 60% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

“Tăng trưởng 5 tháng đầu năm nay rất ấn tượng, con số đang khiến cho nhiều người đánh giá năm nay sẽ đạt 10 tỷ đô, nếu điều này thành hiện thực, VASEP sẽ tổ chức cuộc họp vì dấu mốc này” , ông Nam nói.

Theo ông Trần Nguyễn Hoàng Phú, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex, chuyên mặt hàng tôm), thiếu hụt lao động là vấn đề thường xuyên gặp phải của doanh nghiệp.

“Ngành thủy sản sử dụng lao động rất lớn, công ty chúng tôi luôn gặp tình trạng thiếu lao động”, ông Phú nói và cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là sự chuyển dịch dân số của lao động phổ thông từ ĐBSCL lên TP. HCM và Đông Nam Bộ rất lớn. Trong khi công ty ở vị trí khá xa, nơi cơ sở hạ tầng còn kém phát triển nên thu hút lao động trình độ cao rất khó…

Là người gắn bó lâu năm với các doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL, nhất là các doanh nghiệp cá tra, ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, giá cá tra nguyên liệu duy trì được mức cao (trên 30.000 đồng/kg) từ đầu năm đến nay, có thời điểm 32.000- 34.000 đồng/kg. Giá cá giống cũng ổn định trong nhiều tháng ở mức trên 40.000 đồng/kg, khác với lên xuống thất thường ở các năm 2018- 2019, và mức giá thấp tiêu cực kéo dài trong hai năm 2020-2021…

Theo ông Dũng, ngành cá tra trải qua nhiều thăng trầm, những ai “trụ” được đến nay là đã vượt qua hai năm khó khăn vừa qua. Điều này cũng cho thấy, ngành hàng cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp đứng vững và vượt qua những cú sốc, chứ không phải ‘can thiệp’ bằng cách ‘giải cứu’.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, thách thức của ngành thủy sản là nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thành sản xuất cao làm giảm khả năng cạnh tranh. Mặt khác, phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ hàng hóa (đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới tận dụng được 30% ưu đãi từ các FTA).

Trong khi vẫn còn những rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại như thuế chống bán phá giá; thuế chống trợ cấp; các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh hay chương trình giám sát riêng biệt, quy tắc xuất xứ, IUU, môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động… Cùng với đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước Trung Quốc, Ecuador, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan…

Dù nhận định còn nhiều khó khăn, nhưng theo VASEP, dự báo xuất khẩu thủy sản quý II sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2021; quý III cũng đạt khoảng 3 tỷ USD (tăng 33%) và cả năm 2022 sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD; cá tra 2,5-2,6 tỷ USD; cá ngừ gần 1 tỷ USD; mực, bạch tuộc khoảng 650 triệu USD; còn lại các hải sản khác khoảng 1,6 tỷ USD.

Doanh nghiệp thủy sản đại thắng quý I/2022

Ngay ở quý đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước đã mang về trên 2.5 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm chiếm 38% với gần 955 triệu USD. Cá tra chiếm 26% với 654 triệu USD.

Ngoài ra, giá trung bình xuất khẩu thủy sản sang các thị trường cũng tăng, có thể coi là yếu tố chính giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm nay đạt mức cao nhất của quý 1 các năm. Trong đó, giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường chính tăng từ 40 - 70%, giá các sản phẩm khác cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2021.

Quả ngọt của ngành thủy sản được phản ánh rõ trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Trong 12 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022, có 8 đơn vị báo lãi ròng tăng trưởng, 2 doanh nghiệp báo lãi giảm, 1 doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi và 1 doanh nghiệp thua lỗ.

Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HOSE: IDI) là đơn vị có lãi ròng tăng mạnh nhất toàn ngành, ghi nhận gần 199 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ. Đây cũng là kết quả quý cao nhất của đơn vị từ khi niêm yết đến nay.

Liền sau đó là Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL) với lãi ròng đạt 63 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số chỉ ở mức gần 11 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra giữa tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Trần Thị Vân Loan cho rằng kế hoạch 200 tỷ đồng lợi nhuận hoàn toàn nằm trong tầm tay của ACL, thậm chí có thể vượt nếu tình hình thuận lợi tiếp tục duy trì. Điều này là do Công ty đã có hợp đồng lớn và đã ký tới cuối năm 2022. Từ đây cho tới cuối năm, giá của các hợp đồng tương lai còn cao hơn nhiều, nhưng chỉ e rằng sản lượng bán sẽ ít đi. Tuy nhiên, giá cao sẽ bù đắp cho phần sản lượng suy giảm.

“Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cũng báo lãi ròng gấp 4 lần cùng kỳ, đạt gần 548 tỷ đồng và biên lãi gộp tăng từ 15% lên 24%. Với kết quả khả quan trong quý đầu năm, đại diện Công ty chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022: “Chúng tôi rất lạc quan và vui mừng khi thấy nhu cầu tăng trưởng tốt của thị trường do thiếu nguồn cung, đơn hàng về nhà máy khá tốt để phục vụ cho nhu cầu mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, khách hàng ở thị trường Châu Âu và Mỹ tiêu thụ khá tốt. Do đó, chúng tôi đã điều chỉnh tăng mục tiêu lợi nhuận 2022 từ 1,500 tỷ đồng lên 1,600 tỷ đồng”.

Thêm một doanh nghiệp cá tra báo lãi tăng bằng lần là Nam Việt (HOSE: ANV). Mặc dù các chi phí vận chuyển, cước tàu ở mức cao nhưng nhờ sản lượng và giá bán tăng mạnh đã giúp cho lãi ròng quý 1 của ANV tăng đột biến lên gần 207 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.

Đại diện cho ngành tôm, Camimex Group (HOSE: CMX) ghi nhận doanh thu và lãi ròng đồng loạt tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 471 tỷ đồng và 19 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân là số lượng, cơ cấu hàng bán thay đổi và nhu cầu thị trường có sự khác biệt về giá cả giữa 2 kỳ.

Lãnh đạo CMX chia sẻ, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mới 100%, hoàn thiện nhà máy chế biến tại Zone 1 (nhà máy số 1, nhà máy số 3) để nâng công suất chế biến của Công ty hiện nay 15,000 tấn/năm đến 2023 tăng lên 25,000 tấn/năm.

Cùng nhóm, nhờ doanh số tiêu thụ tăng, dự trữ nguyên liệu và ký hợp đồng có dự tính biến động giá cước vận chuyển đã giúp lãi ròng quý 1 của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) tăng 37% so với cùng kỳ, đạt gần 41 tỷ đồng.

Nhiều triển vọng tăng trưởng cho xuất khẩu thủy sản trong quý II/2022

Kết quả xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm cho thấy ngành thủy sản Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh các thị ...

Xuất khẩu thủy sản quý II có thể chạm mốc kỷ lục 3 tỷ USD

Xuất khẩu thủy sản trong quý II được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, khi mà những mặt hàng thủy sản chủ ...

Vì sao xuất khẩu thuỷ sản chững đà tăng trong tháng 5/2022?

Trong tháng 5, xuất khẩu thủy sản chững lại vì thiếu tôm nguyên liệu, một số lô hàng cá tra bị Trung Quốc trả về.

Đức Chiến