Thị trường chứng khoán ngày 19/11/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

Cập nhật: 05:30 | 19/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Cổ phiếu FLC tăng trần lên cao nhất 9 năm; Cổ phiếu BT6 bị hạn chế giao dịch, 2 cổ đông lớn thoát hàng; Nhóm quỹ Dragon Capital 'lướt sóng T+' cổ phiếu KBC;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 19/11/2021.

Cổ phiếu FLC tăng trần lên cao nhất 9 năm: Trong phiên đáo hạn phái sinh 18/11/2021, chỉ số thị trường VN-Index giảm 0,4%, chỉ số vốn hóa lớn VN30 mất 1,1%. Mặc dù vậy, toàn thị trường vẫn có 140 mã tăng kịch trần. Ngoại trừ SSI thuộc nhóm vốn hóa lớn, các cổ phiếu "tím lịm" còn lại đều có vốn hóa vừa và nhỏ. Riêng họ FLC có hai mã tăng hết biên độ là ART của Chứng khoán BOS và cổ phiếu của chính Tập đoàn FLC. Kết phiên, FLC dừng ở 15.600 đồng/cp, vượt qua đỉnh thiết lập hôm 18/6 năm nay và cũng là mức giá cao nhất kể từ đầu tháng 4/2012. ART đóng cửa ở giá 15.000 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 7/2018. Nhiều cổ phiếu khác liên quan tới Tập đoàn FLC cũng diễn biến khả quan trong phiên 18/11 như ROS của FLC Faros tăng 3,4%, HAI của Nông dược HAI và AMD của FLC Stone cùng tăng 3,2%,…

5922-thong-tin-mo-cua
Hình minh họa

Nhóm quỹ Dragon Capital 'lướt sóng T+' cổ phiếu KBC: Quỹ thành viên Vietnam Enterprise Investments Limited thuộc nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ra 500.000 cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP vào ngày 11/11. Sau giao dịch, tổng khối lượng cổ phiếu sở hữu của cả nhóm Dragon Capital đã giảm từ 28,7 triệu cổ phiếu xuống còn 28,2 triệu cổ phiếu. Với tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,04% xuống còn 4,95%, Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn tại KBC. Tạm tính theo thị giá ngày 11/11 là 53.000 đồng/cp, ước tính quỹ ngoại đã thu về 26,5 tỷ đồng sau giao dịch bán cổ phiếu. Đáng chú ý, Dragon Capital chỉ vừa trở lại ghế cổ đông lớn tại KBC vào ngày 9/11 sau khi hoàn tất mua vào 1 triệu cổ phiếu. Mức giá đóng cửa phiên diễn ra giao dịch mua vào là 50.500 đồng/cp. Như vậy, sau khi tính toán phần chênh lệch thì nhóm quỹ ngoại đã lãi 1,25 tỷ đồng sau khi "lướt sóng" cổ phiếu KBC.

Petroland (PTL) xin hủy niêm yết tự nguyện, cổ phiếu tăng phi mã dù Công ty chìm trong thua lỗ: Sau 11 năm lên sàn, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị Dầu khí Petroland (mã HOSE: PTL) lấy ý kiến cổ đông về việc xin hủy niêm yết. Được thành lập vào năm 2007, Petroland niêm yết 100 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán PTL trên sàn HOSE từ cuối năm 2010, với mức giá trong phiên giao dịch đầu tiên là 25.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi lên sàn và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận kỷ lục vào năm 2011, hoạt động kinh doanh của Petroland lao dốc không phanh kể từ năm 2012 với lý do thị trường bất động sản trầm lắng, và tính cạnh tranh cao. Tính cuối quý III/2021, lỗ luỹ kế PTL là 275 tỷ đồng tỷ đồng. Kết quả kinh doanh tụt dốc cùng lùm xùm, tai tiếng liên quan tới lãnh đạo Công ty khiến cổ phiếu PTL lao dốc sau đó. Có thời điểm xuống dưới 2.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó chủ yếu giao dịch trên dưới 4.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ giữa tháng 7/2021, đến đầu tháng 8/2021, cổ phiếu này nổi sóng tăng dựng đứng từ ngưỡng 4.000 đồng lên trên mệnh giá. Hiện thị giá PTL đang ở mức 10.100 đồng/cổ phiếu.

Nhựa Việt Thành chào sàn HNX ngày 25/11, giá tham chiếu 11.500 đồng/cp: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu niêm yết của CTCP Sản xuất và Thương mại Nhựa Việt Thành với mã chứng khoán là VTZ. Cụ thể, 20 triệu cp VTZ sẽ chính thức chào sàn HNX vào ngày 25/11/2021 với giá tham chiếu 11.500 đồng/cp. Nhựa Việt Thành hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 22/03/2011 với vốn điều lệ ban đầu là 4 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của Công ty là 200 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của VTZ là sản xuất plastic, cao su tổng hợp dạng nguyên sinh, bán buôn nhựa, nguyên vật liệu nhựa, bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác. Trụ sở chính của Công ty đặt tại tỉnh Long An.

Cổ phiếu BT6 bị hạn chế giao dịch, 2 cổ đông lớn thoát hàng: Trong ngày 12/11, 2 cổ đông lớn của CTCP Beton 6 (UPCoM: BT6) là Công ty TNHH Mascon và cá nhân Trịnh Lương Ngọc đồng loạt thoái bớt vốn tại BT6. Cụ thể, cổ đông lớn Trịnh Lương Ngọc đã bán toàn bộ gần 3,7 triệu cp BT6. Sau giao dịch, cá nhân này không còn là cổ đông tại BT6 (trước đó sở hữu 11,13% vốn). Cùng chiều bán, nhằm cơ cấu cấu lại danh mục đầu tư, Công ty TNHH Mascon đã bán 985.400 cp BT6, giảm sở hữu từ hơn 6 triệu cp (tỷ lệ 18,95%) xuống còn 5 triệu cp (tỷ lệ 15,95%). Trong một diễn biến khác, mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc bổ sung lý do hạn chế giao dịch trên hệ thống UPCoM đối với BT6. Lý do là Công ty chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định đối với BCTC bán niên 2021 đã được soát xét và không có biện pháp khắc phục, thuộc trường hợp chứng khoán đăng ký giao dịch bị hạn chế giao dịch theo quy định.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng 458 tỷ đồng trong phiên 18/11: Khối ngoại tiếp tục giao dịch theo chiều hướng tiêu cực khi mua vào 41,9 triệu cổ phiếu, trị giá 2.247 tỷ đồng, trong khi bán ra 53,4 triệu cổ phiếu, trị giá 2.705 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 11,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 458,3 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 473 tỷ đồng, gấp đôi phiên trước, tương ứng khối lượng bán ròng là 14,3 triệu cổ phiếu. VNM vẫn được khối ngoại trên HoSE mua ròng mạnh nhất với 120 tỷ đồng. CTG đứng sau với giá trị mua ròng là 106 tỷ đồng. Trong khi đó, SSI bị bán ròng mạnh nhất với 290 tỷ đồng. HPG và VND bị bán ròng lần lượt 238 tỷ đồng và 139 tỷ đồng.

Evergrande tiếp tục bán tháo cổ phần để trả nợ: Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc đã quyết định bán toàn bộ cổ phần tại công ty HengTen Network Group với giá 2,13 tỷ HKD (273,5 triệu USD), trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản này đang nỗ lực huy động tiền mặt để tránh vỡ nợ. Evergrande đã đạt thỏa thuận bán 1,66 tỷ cổ phiếu, tương đương 18% cổ phần, tại công ty sản xuất phim và các chương trình truyền hình HengTen cho Allied Resources Investment Holdings Ltd với giá 1,28 HKD/ cổ phiếu. Đây là mức giá đã chiết khấu 24% so với giá trị giao dịch cổ phiếu này trên thị trường. Trong phiên giao dịch chiều cùng ngày, cổ phiếu của Evergrande đã giảm 5% giá trị, trong khi giá trị cổ phiếu của HengTen đã tăng 23%. Evergrande cho biết việc bán 18% cổ phần tại HengTen khiến công ty bị lỗ 8,5 tỷ HKD (1,09 tỷ USD).

Những cổ phiếu nào tăng trên 100% một tháng qua?

Nhóm cổ phiếu bất động sản chiếm sóng bảng xếp hạng những cổ phiếu tăng mạnh nhất trên ba sàn trong một tháng qua. Đáng ...

Nhận định chứng khoán ngày 19/11/2021: Hồi phục trở lại?

Thị trường trong nước đang trong nhịp tăng/giảm đan xen kể từ đầu tuần, áp lực giảm điểm đến từ nhóm cổ phiếu Bluechips trong ...

Phiên giao dịch ngày 19/11/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch ...

Cổ phiếu FLC tăng trần lên cao nhất 9 năm

Cổ phiếu Tập đoàn FLC tăng hết biên độ phiên 18/11, vượt qua đỉnh ngắn hạn thiết lập hồi giữa tháng 6 năm nay và ...

Nguyễn Thanh