Theo dõi chỉ số VN-Index để giao dịch cổ phiếu ngắn hạn

Cập nhật: 13:19 | 04/12/2021 Theo dõi KTCK trên

Trong giai đoạn bùng nổ về mạng xã hội, các kênh tin tức, các room chat khuyến nghị đầu tư, nhà đầu tư (NĐT) bị bủa vây bởi vô số tin tức đa chiều, từ chính thống đến tin đồn, cập nhật liên tục về thị trường chứng khoán.

Hàng ngày, một NĐT chứng khoán thông thường có thể nhận được hàng chục báo cáo cập nhật từ các tổ chức, cá nhân môi giới chứng khoán, con số này còn lớn hơn nhiều với những NĐT lâu năm. Lượng thông tin chuyển đến NĐT từ những báo cáo đó là muôn hình vạn trạng, song luôn có 1 điểm chung xuất hiện, đó là phần nhận định chung về chỉ số Vn-Index.

1538-chi-so-vn-index

Vậy, tại sao phần nhận định về chỉ số VN-Index lại luôn xuất hiện đầu tiên trong hầu hết báo cáo và tác dụng chính của nó là gì?

Lý do là vì VN-Index là một chỉ số tổng hợp thể hiện xu hướng biến động giá của toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (sàn giao dịch những cổ phiếu có vốn hóa và thanh khoản lớn nhất tại Việt Nam). Do vậy, việc theo dõi chỉ số VN-Index sẽ mang lại rất nhiều tác dụng cho NĐT, có thể kể như:

· Khắc họa tâm lý nhà đầu tư: VN-Index thể hiện trực tiếp sự biến động giá của toàn bộ chứng khoán trên sàn giao dịch, qua đó khắc họa tâm lý của nhà đầu tư, xác định thái độ họ đang có với thị trường chứng khoán và thực trạng nền kinh tế hiện tại. Chỉ số giảm có thể do tâm lý thăm dò, muốn rút khỏi thị trường, chỉ số tăng chính là do mức độ thu hút đối với cổ phiếu, ngành nghề nào đó tăng mạnh. NĐT nắm được sự biến động của chỉ số sẽ có đánh giá đúng hơn, chuẩn hơn về thị trường chứng khoán mà họ tham gia tại thời điểm cụ thể.

· Mô tả sự tăng trưởng của nền kinh tế qua chỉ số VN-Index: một nền kinh tế tốt sẽ xuất hiện nhiều các doanh nghiệp có cơ cấu tài chính tốt, hoạt động hiệu quả được niêm yết trên sàn chứng khoán, qua đó góp phần gia tăng điểm số VN-Index; tương tự với chiều ngược lại.

· Thể hiện hiệu suất đầu tư của thị trường chứng khoán: giúp NĐT xác định được hiệu suất của thị trường chứng khoán ổn hay không, có đủ hấp dẫn để đầu tư hay không.

· Dự báo sự dịch chuyển, biến đổi cơ cấu nền kinh tế: tại mỗi thời điểm, chỉ số VN-Index thường sẽ được dẫn dắt bởi một nhóm ngành nào đó. NĐT có thể quan sát sự biến động của chỉ số để xác định mức độ dịch chuyển và biến đổi cơ cấu ngành nghề của nền kinh tế.

Với những công dụng rất hữu ích ở trên, rõ ràng, NĐT không chỉ cần theo dõi biến động giá các cổ phiếu cụ thể, mà việc theo dõi và cập nhật biến động giá chỉ số VN-Index mỗi ngày cũng là việc quan trọng không kém.

Đối với các NĐT lựa chọn cho mình trường phái giao dịch ngắn hạn, việc theo dõi chỉ số VN-Index lại càng quan trọng. Họ có thể tận dụng các nhịp tăng giảm luân phiên của thị trường để “ra vào” hợp lý, qua đó tối ưu hóa hiệu quả giao dịch. Do vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là thông thường chỉ số VN-Index có thể duy trì đà tăng hay đà giảm trong bao nhiêu phiên?

Để tìm kiếm câu trả lời, chúng tôi thực hiện đánh giá số phiên liên tiếp VN-Index tăng giá/giảm giá liên tiếp (từ 2 phiên tăng/giảm liên tiếp trở lên) trong khoảng thời gian kể từ phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam (28/07/2000) đến nay với tổng cộng ~5,100 phiên giao dịch. Đồ thị dưới thể hiện kết quả thu được:

1609-vn-index-1

Từ đồ thị, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét:

· Khi có những phiên tăng/giảm điểm liên tiếp, bình quân VN-Index sẽ tăng 4 phiên liên tiếp hoặc giảm 3 phiên liên tiếp.

· Số lần VN-Index tăng liên tiếp nhiều phiên nhiều hơn số lần VN-Index giảm liên tiếp (618 lần so với 590 lần).

· Có ~100 lần VN-Index tăng từ 5 phiên liên tiếp trở lên, gấp đôi tần suất xuất hiện của 5 phiên giảm điểm liên tiếp (~50 lần).

Có thể thấy, các tín hiệu tích cực áp đảo các tín hiệu tiêu cực, phản ánh khá chính xác bức tranh chung của thị trường chứng khoán Việt Nam qua hơn 20 năm phát triển vừa qua với nhiều sự phát triển vượt bậc về sự gia tăng điểm số, số lượng công ty niêm yết, số lượng nhà đầu tư tham gia, giá trị giao dịch…

1623-vn-index-2

Ngoài việc theo dõi thị trường chung thông qua chỉ số VN-Index, theo logic thông thường, việc cổ phiếu có thể đạt được những phiên tăng giá hay giảm giá liên tiếp phụ thuộc khá nhiều vào câu chuyện riêng của từng công ty và ngành nghề cụ thể. Khi thị trường chứng khoán đi lên, sẽ lên có những nhóm ngành mang tính dẫn dắt thị trường đóng góp vào mức tăng đó. Do vậy, chúng tôi tập trung đi sâu hơn phân tích số phiên tăng giá liên tiếp (từ 3 phiên trở lên) theo từng nhóm ngành cụ thể trong khoảng thời gian 5 năm gần nhất và thu được đồ thị dưới:

Đồ thị cho thấy hầu như tất cả cổ phiếu, không phụ thuộc vào một ngành nghề cụ thể nào, có số phiên tăng giá liên tiếp bình quân trong khoảng 4 phiên (3 tứ phân vị đầu tiên đều nhỏ hơn 4 phiên), tương đồng với 4 phiên tăng giá liên tiếp của chỉ số VN-Index. Sự khác biệt chỉ đến từ một số ngành nghề với nhiều giá trị dị biệt (outliers) như bất động sản, xây dựng và vật liệu, hàng & dịch vụ công nghiệp, thực phẩm đồ uống, tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính. Các ngành này có nhiều cổ phiếu có số phiên tăng giá lớn, nhiều lần có từ 2 phiên tăng giá liên tiếp trở lên nhất (thể hiện ở nhiều “chấm dữ liệu” tại phần “râu”), chi tiết xem ở bảng thống kê phía dưới.

Bảng thống kê số phiên tăng giá bình quân theo ngành nghề

1637-vn-index-3

Bảng trên còn cho thấy những ngành như truyền thông hay dầu khí mặc dù có số phiên tăng giá liên tiếp bình quân trong top 5, song tần suất xuất hiện lại khá thấp (~100 lần), do vậy, độ tin cậy cũng sẽ thấp hơn 3 nhóm còn lại trong top 5 là Dịch vụ tài chính, Tài nguyên cơ bản và Ngân hàng.

Kết luận: ngoài 4 công dụng của việc theo dõi chỉ số VN-Index đã được nêu ở đầu bài phân tích, việc theo dõi chỉ số VN-Index còn đặc biệt có ý nghĩa với các nhà đầu tư giao dịch theo trường phái giao dịch ngắn hạn. Đối với nhóm nhà đầu tư này, các mốc thời gian cần chú ý đó là khi thị trường chung đã có 4 phiên tăng liên tiếp hoặc đã có 3 phiên giảm liên tiếp. Đây sẽ là những mốc tiềm ẩn nguy cơ đảo chiều, NĐT có thể chốt lời hoặc bắt đáy ngắn hạn khi thị trường đạt đến những mốc này.

Bên cạnh đó, bài phân tích cũng chỉ ra những cổ phiếu thuộc 3 nhóm ngành Dịch vụ tài chính, Tài nguyên cơ bản và Ngân hàng thường sẽ là những cổ phiếu duy trì được đà tăng tốt nhất trong 18 nhóm ngành chính, NĐT có thể cân nhắc nắm giữ những cổ phiếu đó với khung thời gian dài hơn để gia tăng hiệu quả đầu tư.

Trót “đu đỉnh” cổ phiếu nóng, nhà đầu tư nên làm gì?

Với thanh khoản cuồn cuộn, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những ngày tháng trên đỉnh. Tuy nhiên, rủi ro cũng đến từ ...

3 điều F0 cần lưu tâm khi đầu tư chứng khoán

Trên thị trường chứng khoán không ai có thể đoán hết được giá trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên để chọn cổ phiếu tốt cần ...

Chuyện nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam: "Gồng lỗ thì giỏi, gỗng lãi thì yếu"

Thực tế trong đầu tư chứng khoán, tâm lý “chơi là phải có lời” đã khiến rất nhiều nhà đầu tư vội thoát hàng cổ ...

Trang Nhi (t/h)

Nguồn TCBS