Sôi nổi các hoạt động khai hội đầu xuân

Cập nhật: 04:32 | 11/02/2019 Theo dõi KTCK trên

Sáng 10-2 (tức mồng 6 tháng Giêng), tại khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội), UBND huyện Mê Linh tổ chức lễ kỷ niệm 1979 năm Ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và khai hội đền Hai Bà Trưng. Ðến dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Ðặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

soi noi cac hoat dong khai hoi dau xuan Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019
soi noi cac hoat dong khai hoi dau xuan 10 lễ hội đầu xuân lớn nhất cả nước
soi noi cac hoat dong khai hoi dau xuan Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm, chúc Tết Đội cảnh sát 113, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia
soi noi cac hoat dong khai hoi dau xuan Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước

Mở đầu buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh dâng hương tưởng nhớ công lao Hai Bà Trưng và đánh trống khai hội đền Hai Bà Trưng. Ðại diện lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cùng các đại biểu ôn lại ý nghĩa, diễn biến cuộc khởi nghĩa chống nhà Hán xâm lược của Hai Bà Trưng (từ năm 40 đến năm 43). Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường vì độc lập của nhân dân ta. Trong những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Mê Linh nỗ lực tiếp nối truyền thống đáng tự hào đó, ra sức xây dựng, phát triển huyện Mê Linh ngày càng giàu đẹp.

soi noi cac hoat dong khai hoi dau xuan
Lễ rước cầu húc của người dân thôn Xuân Dục, xã Tân Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) tại hội Gióng đền Sóc. Ảnh: Quang Quyết (TTXVN)

Ngoài phần nghi lễ, lễ hội đền Hai Bà Trưng năm nay có nhiều hoạt động như: Triển lãm "Hoa đất Việt" giới thiệu những nữ danh tướng thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng và một số nữ danh nhân trong lịch sử; triển lãm "Dấu ấn vàng son" trưng bày sắc phong của một số di tích thờ Hai Bà Trưng; các trò chơi dân gian như: đấu vật, cờ tướng, kéo co, hát quan họ... Dự kiến, lễ hội đền Hai Bà Trưng năm nay thu hút khoảng 150 nghìn khách tham quan.

Sau khi tham dự lễ khai hội đền Hai Bà Trưng, các đồng chí lãnh đạo trồng cây tại lễ phát động Tết trồng cây ở huyện Mê Linh.

★ Sáng 10-2, tại sân chùa Thiên Trù, thuộc quần thể danh thắng Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, TP Hà Nội) diễn ra lễ khai hội chùa Hương.

Từ đêm 9-2, hàng chục nghìn phật tử, khách hành hương đã đến khu di tích chuẩn bị cho ngày khai hội. Ðúng 9 giờ, Thượng tọa Thích Minh Hiền đánh trống khai hội chùa Hương, mở ra một mùa lễ hội lớn và kéo dài nhất trong cả nước. Tính từ mồng 1 Tết Kỷ Hợi đến nay, chùa Hương đã đón 125 nghìn lượt khách hành hương, chiêm bái. Riêng ngày 10-2, ước tính có khoảng hơn 50 nghìn lượt du khách trảy hội. Năm nay, Ban tổ chức nghiêm cấm bán hàng tại khu vực nội tự, một số điểm đông khách hành hương, những điểm có nguy cơ tai nạn cao; đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động chở đò, dịch vụ ăn uống; tích cực tuyên truyền nếp sống văn minh nhằm có một mùa lễ hội an toàn, văn minh.

★ Cùng ngày, tại Khu di tích đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), UBND huyện Sóc Sơn tổ chức khai hội đền Sóc. Cùng với lễ hội Gióng ở Phù Ðổng (huyện Gia Lâm), lễ hội đền Sóc thờ Thánh Gióng ở Sóc Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ðây là một trong những lễ hội lớn tại Thủ đô. Ngay trong ngày khai hội, hàng chục nghìn khách thập phương đã đến dự. Chiều 10-2, Ban tổ chức tán lộc giò hoa tre và trầu cau. Do thay đổi phương thức tán lộc và bố trí lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, cho nên lễ hội đền Sóc đã không diễn ra tình trạng tranh cướp lộc phản cảm như những năm trước.

★ Sáng 10-2, tại Khu di tích Thành cổ Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Ðông Anh, TP Hà Nội), UBND huyện Ðông Anh phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức khai hội Cổ Loa. Ðiểm nhấn của lễ hội Cổ Loa là màn rước kiệu, lễ vật của "bát xã Loa thành" (tám làng khu vực thành Cổ Loa) dâng lên đức vua An Dương Vương. Từ 7 giờ, các đoàn rước cùng nhân dân quanh vùng đã tiến về đền thờ An Dương Vương. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: chơi cờ người, đấu vật, đu tiên, bắn nỏ... Lễ hội thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.

★ Sáng 10-2, tại chùa Bái Ðính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khai hội chùa Bái Ðính Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Dự lễ có đại diện Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng đông đảo tăng ni, phật tử và du khách.

Chùa Bái Ðính nằm trong quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Lễ hội chùa Bái Ðính là lễ hội lớn đầu tiên trong năm 2019 ở miền di sản Tràng An và cố đô Hoa Lư, thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch hành hương về vùng đất có nhiều điển tích lịch sử, văn hóa gắn với sự phát triển của nhiều triều đại trị vì đất nước. Lễ khai hội có các nghi thức: rước kiệu bài vị thờ Thần Cao Sơn, Ðức Thánh Nguyễn, Bà chúa Thượng Ngàn và kết thúc bằng lễ rước kiệu lên chùa cổ. Nét độc đáo trong Lễ hội chùa Bái Ðính năm nay là triển lãm hoa lan tại thung lũng hoa Bái Ðính với hàng chục nghìn gốc lan nhiều mầu sắc, chuyển tải các chủ đề về Phật giáo Việt Nam, không gian Tết Việt, kết nối di sản... Lễ hội chùa Bái Ðính diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch.

Theo nhandan.com.vn

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm