SHS: Nếu lực bán gia tăng, VN-Index cần test lại lực cầu tại vùng 1.420-1.425 điểm

Cập nhật: 11:02 | 30/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Công ty chứng khoán SHS, thị trường hiện đang nằm trong sóng tăng 5 và dư địa tăng vẫn còn. Trong tuần giao dịch tiếp theo (từ 01/11-05/11), VN-Index có thể tiếp tục đi lên để hướng đến những mức đỉnh cao mới, tuy nhiên những phiên rung lắc có thể xảy ra…

Thị trường chứng khoán hồi phục trở lại trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 10, trong đó, VN-Index vượt đỉnh mọi thời đại 1.420,27 điểm được thiết lập hôm 2/7. Chốt phiên giao dịch ngày 29/10, VN-Index đứng ở mức 1.444,27 điểm, tương ứng tăng 55,03 điểm (4%) so với phiên cuối tuần trước; HNX-Index tăng 20,91 điểm (5,3%) lên 412,12 điểm; UPCoM-Index tăng 5,02 điểm (5%) lên 105,38 điểm.

Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với khoảng 29.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 19,5% lên 131.929 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 17% lên 4.435 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 32,4% lên 17.601 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 13% lên 738 triệu cổ phiếu.

5957-thi-truong-chung-khoan
Hình minh họa

Các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng tốt trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 8,2% giá trị vốn hóa nhờ đà tăng của một số trụ cột trong ngành như GAS (+11,1%), POW (+4,5%)...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tài chính với mức tăng 6,2%) giá trị vốn hóa, nhờ sự đóng góp của các cổ phiếu thuộc ngành con bất động sản như VHM (+9,6%), NVL (+5,8%), MLG (+7%), KDH (+12%)...; ngành con chứng khoán như SSI (+3,3%), HCM (+1,9%), VCI (+3,6%), VND (+9,2%), SHS (+2,7%)...; ngành con bảo điểm như BVH (+7,3%), PVI (+6,3%), BMI (+10,1%)...

Tiếp đến là ngành công nghiệp với mức tăng 5,6%. Ngành hàng tiêu dùng tăng 3,3% nhờ sự đóng góp của các trụ cột như VNM (+0,2%), MSN (+7,7%), SAB (+2,6%)... Ngành dầu khí tăng 2,9% nhờ sự tăng giá của các trụ cột trong ngành như PVD (+2,6%), PVS (+5,9%), BSR (+7,4%), OIL (+7,5%)...

Các ngành còn lại đều có mức tăng tốt như ngân hàng (+2,6%), dược phẩm và y tế (+2,2%), công nghệ thông tin (+2%), nguyên vật liệu (+1,7%), dịch vụ tiêu dùng (+0,5%)...

Một điểm tích cực nữa của thị trường là khối ngoại quay trở lại mua ròng và góp phần đáng kể trong việc giúp các chỉ số đi lên. Cụ thể, tính chung cả 3 sàn, khối ngoại mua vào 203 triệu cổ phiếu, trị giá 8.597 tỷ đồng, trong khi bán ra 183 triệu cổ phiếu, trị giá 8.300 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 20 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 297 tỷ đồng.

Trên sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 11 tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 441 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là gần 25 triệu cổ phiếu. Nếu chỉ tính về giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng trên 752 tỷ đồng. HPG được khối ngoại mua ròng trở lại 343 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Tuần trước đó, cổ phiếu này bị bán ròng đến trên 1.000 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng của khối ngoại là GAS với 265 tỷ đồng. Các mã STB, VHM, CTG và DXG đều có giá trị mua ròng của khối ngoại trên 200 tỷ đồng. Trong khi đó, NLG tiếp tục bị bán ròng 625 tỷ đồng. VJC đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng với 440 tỷ đồng và chủ yếu thông qua thỏa thuận ở phiên 25/10.

Tại sàn HNX, khối ngoại giao dịch vẫn khá tiêu cực khi bán ròng tuần thứ 6 liên tiếp với giá trị tăng 90% so với tuần trước đó và ở mức gần 169 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 5,5 triệu cổ phiếu. Tính chung cả 6 tuần vừa qua thì khối ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 469 tỷ đồng. TNG đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HNX với 37 tỷ đồng. PVS và THD bị bán ròng lần lượt 34 tỷ đồng và 27 tỷ đồng. Trong khi đó, CEO được mua ròng mạnh nhất nhưng giá trị chỉ là 3,2 tỷ đồng. NDN đứng sau với giá trị mua ròng là 2,9 tỷ đồng.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại chấm dứt chuỗi 4 tuần bán ròng liên tiếp khi mua ròng trở lại 24,5 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng 528.577 cổ phiếu. ACG được khối ngoại sàn UPCoM mua ròng mạnh nhất với 58 tỷ đồng và chủ yếu thông qua thỏa thuận ở phiên 26/10. BSR đứng sau với giá trị mua ròng là 13 tỷ đồng. Trong khi đó, VEA bị bán ròng mạnh nhất với 24,6 tỷ đồng. QNS và SIP bị bán ròng lần lượt 19,3 tỷ đồng và 13,4 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán SHS, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường trong tuần qua đã giúp VN-Index chính thức vượt qua được vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm để hướng đến những mức cao mới. Khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng gần 300 tỷ đồng trên hai sàn sau chuỗi bán ròng liên tiếp cũng là một điểm tích cực hỗ trợ cho xu hướng.

Trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường hiện đang nằm trong sóng tăng 5 với mục tiêu theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.550 điểm có thể đạt được trong thời gian tới. Do đó, dư địa tăng là vẫn còn nên trong tuần giao dịch tiếp theo 1/11-5/11, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến những mức đỉnh cao mới, tuy nhiên những phiên rung lắc có thể xảy ra.

Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng thì VN-Index có khả năng sẽ cần test lại lực cầu trong vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.420-1.425 điểm.

Nhà đầu tư đã mua vào trong phiên 28/10 khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm có thể tiếp tục mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên, mục tiêu giải ngân có thể là những bluechips đang dẫn sóng thị trường.

Lực mua từ khối ngoại giảm mạnh trong phiên VN-Index lập đỉnh mới

Thị trường chứng khoán khoán Việt Nam chốt phiên cuối tuần với việc VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử mới. Một điểm tích cực nữa ...

Nhận định chứng khoán tuần từ 1-5/11/2021: Rung lắc khi VN-Index tìm đỉnh mới

Dù gặp phải áp lực chốt lời tại vùng giá cao nhưng với lực cầu áp đảo, VN-Index vẫn đóng cửa tăng hơn 6 điểm ...

Vốn hóa PV Gas vượt 10 tỷ USD, rút ngắn khoảng cách với Hòa Phát

Cổ phiếu GAS của PV Gas hiện có giá trị niêm yết lớn thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam, đứng sau VIC của ...

Tuệ An