Phòng vệ thương mại: Nhiều mặt hàng có nguy cơ bị điều tra

Cập nhật: 16:07 | 15/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách cảnh báo một số mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nhà cung cấp hàng hóa lớn trên thế giới, song các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) cũng có xu hướng gia tăng, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh việc cảnh báo sớm từ các cơ quan chức năng về mặt hàng, ngành hàng có nguy cơ cao, thì việc nâng cao kiến thức, đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Phòng vệ thương mại: Nhiều mặt hàng có nguy cơ bị điều tra
Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cần lưu ý để có sự chuẩn bị và phương án kinh doanh phù hợp, tránh trở thành đối tượng điều tra tiếp theo nếu xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng quá nhanh.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách cảnh báo một số mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và lẩn tránh biện pháp PVTM. Trong đó có một số sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ, gồm gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, các mã HS tham khảo: 4412.31, 4412.32, 4412.33, 4412.34, 4412.94, 4412.99. Tháng 7/2023,

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) kết luận sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác thì không bị coi là lẩn tránh.

DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam đủ điều kiện tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý không sử dụng ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất lõi gỗ dán và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Mỹ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.

Đối với tủ bếp và tủ nhà tắm, tháng 9/2023, DOC kết luận sơ bộ điều chỉnh liệt kê 3 trường hợp sản phẩm thuộc phạm vi của lệnh áp thuế gốc. Theo kế hoạch mới nhất, DOC sẽ có kết luận cuối cùng về phạm vi sản phẩm vào tháng 4; kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng về lẩn tránh vào tháng 4 và tháng 7.

Đại diện Cục PVTM lưu ý các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm cần tránh sử dụng các cấu phần cửa, mặt hộc và khung gỗ dưới dạng thành phẩm, bán thành phẩm hoặc chi tiết bán thành phẩm được sản xuất tại Trung Quốc để gia công, lắp ráp sản phẩm và xuất khẩu sang Mỹ. Vì các trường hợp này theo kết luận sơ bộ của DOC vẫn bị áp thuế như với sản phẩm của Trung Quốc.

Tiếp theo là đồ nội thất phòng ngủ. Ngoài ra, mặt hàng có nguy cơ gồm ghế sofa có khung gỗ, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục. Một số sản phẩm vật liệu xây dựng xuất khẩu sang Mỹ như đá nhân tạo bằng thạch anh; gạch men; thép carbon chống ăn mòn; ống thép hộp và ống thép tròn; cáp thép dự ứng lực cũng được khuyến cáo tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đối với Mexico, Cục PVTM cho biết trong thời gian tới, một số sản phẩm thép xuất khẩu sang nước này có nguy cơ là đối tượng của điều tra PVTM, như thép cán nóng; thép dự ứng lực.

Ngoài ra, lưu ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng như xe đạp điện xuất khẩu sang Mỹ, EU trong trường hợp sử dụng một số linh kiện nhập khẩu để sản xuất xe đạp điện và xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý kê khai chính xác về xuất xứ để tránh bị xem là lẩn tránh thuế. Nếu cần thiết, doanh nghiệp có thể tham khảo trước với cơ quan hải quan nước nhập khẩu về cách thức xác định xuất xứ để đảm bảo việc kê khai xuất xứ sản phẩm được chính xác.

Đối với lốp xe tải và xe khách, trong trường hợp sản phẩm của Thái Lan bị Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá, có khả năng các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chuyển sang các nguồn cung cấp khác, trong đó có nguồn cung cấp từ Việt Nam.

Do đó, Cục PVTM khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ cần lưu ý để có sự chuẩn bị và phương án kinh doanh phù hợp, tránh trở thành đối tượng điều tra tiếp theo nếu xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng quá nhanh.

Chủ động ứng phó với các biện pháp PVTM

Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong giai đoạn từ 2017-2023, số lượng các vụ việc PVTM tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Số lượng vụ việc PVTM mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc PVTM mà Việt Nam đã đối mặt trong hơn 30 năm qua. Ước tính, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM mà Việt Nam bị kiện từ năm 2017 đến nay chiếm tới gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà Việt Nam đã phải đối diện từ trước đến nay.

Để ứng phó, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về PVTM và kỹ năng sử dụng công cụ này. Đặc biệt, doanh nghiệp phải luôn duy trì hệ thống kế toán minh bạch, chặt chẽ và phù hợp.

Lý do là các vụ việc điều tra PVTM đòi hỏi cung cấp các số liệu, bằng chứng về chi phí sản xuất hàng hóa, các giấy tờ giao dịch liên quan của các lô hàng trong giai đoạn điều tra - thường là trong vòng 1 năm liền trước vụ kiện. Khối lượng công việc phải làm, các chứng từ số liệu phải cung cấp thường rất lớn, trong khi thời hạn tố tụng lại rất ngắn, nếu không chủ động chuẩn bị trước, doanh nghiệp sẽ khó theo đuổi được các vụ kiện.

Thời gian qua, Cục PVTM liên tiếp đưa ra cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, công bố cho các doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương, bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp với doanh nghiệp, theo dõi. Bà Trang khuyến cáo doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ PVTM để chuẩn bị trước từ sớm. Việc cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp PVTM của nước ngoài gây ra.

Việc doanh nghiệp tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về PVTM để hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các vụ việc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Về phía Cục PVTM sẽ tiếp tục đưa ra cảnh báo sớm, tập trung vào những ngành hàng, những lĩnh vực có nguy cơ cao; đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, thông tin về PVTM, về hệ thống cảnh báo sớm để nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Mặc dù các ngành hàng như sắt, thép hay nhôm không phải nhóm mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam nhưng theo VCCI, đây lại là nhóm mặt hàng tập trung nhiều nhất các vụ kiện PVTM trên thế giới, vì thế Việt Nam cũng chịu liên đới về PVTM. Mặt khác, một số mặt hàng của Việt Nam đang gia tăng năng lực cạnh tranh và gây sức ép lên các ngành sản xuất nội địa ở thị trường xuất khẩu (có thể từ việc tận dụng những ưu đãi về mặt thuế quan thông qua các hiệp định thương mại tự do), hoặc do Việt Nam đang cải thiện năng lực thì những mặt hàng đó cũng đứng trước nguy cơ bị kiện PVTM. Do đó, việc cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện, giảm thiểu được thiệt hại.

Bản chất của các biện pháp PVTM là nhằm đến các hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu, hoặc là do hàng nhập khẩu gia tăng với khối lượng đột biến không thể lường trước được. Trên cơ sở đó nước nhập khẩu sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng.

Mỹ khởi xướng rà soát hành chính thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với ống thép chịu lực không gỉ của Việt Nam

Ngày 11/9/2023, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng thông báo khởi xướng rà soát hành chính đối với một số sản phẩm xuất khẩu ...

Thép cuộn cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam sang Mexico bán phá giá lên tới 81%?

Liên quan đến việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại về thép, Luật Ngoại thương Mexico cho thời hạn các bên liên quan ...

Canada rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cuộn cán nguội

Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam là ba quốc gia có tên trong đợt rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá và ...

Đức Anh

Tin cũ hơn
Xem thêm