Nội soi khả năng xảy ra “cơn bão” khủng hoảng theo chu kì

Cập nhật: 16:24 | 15/08/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Chu kỳ khủng hoảng cứ 10 năm lại lặp lại một lần vào các năm 1999, 2009 liệu có tiếp tục tái diễn trên thị trường bất động sản vào năm 2019?  

Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản chỉ rõ, năm 1999, khủng hoảng nổ ra với sự sụp đổ của loạt ngân hàng thương mại. Thời điểm đó, có nhiều chính sách cởi mở cho thị trường bất động sản, nhất là khi nhiều Tập đoàn nước ngoài đổ làn sóng đầu tư vào Việt Nam sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Cơn "sốt đất" cộng thêm cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 – 1998 đã châm ngòi cho khủng hoảng của thị trường bất động sản năm 1999. Để rồi 10 năm sau đó, năm 2009 là thời điểm chỉ số chứng khoán đẩy cao và thị trường đầu tư bất động sản tiếp tục “bùng nổ”.

Cùng chịu tác động chung của khủng hoảng tài chính thế giới từ 2008, thời điểm 2009 thị trường bất động sản Việt Nam một lần nữa rơi vào khủng hoảng nặng nề và dư âm của nó kéo dài cả mấy năm sau đó. Bởi vậy, khi năm 2019 cận kề, những lo ngại về tính chu kỳ lặp lại 10 năm một lần tiếp tục được các chuyên gia cảnh báo.

Tuy nhiên, theo phân tích và nhận xét của một số chuyên gia cũng như nhà quản lý, chu kỳ này sẽ khó lặp lại bởi Chính phủ hiện đã có những cải thiện mạnh mẽ về thủ tục hành chính, giảm bộ máy hành chính công, GDP cũng có bước tăng trưởng mạnh nhất suốt trong vòng 1 thập kỷ qua. Bên cạnh đó, nhờ sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nên dòng tiền hoàn toàn được kiểm soát tốt.

noi soi kha nang xay ra con bao khung hoang theo chu ki
Thực tế, số lượng nhà đầu tư thứ cấp và đầu cơ ở Việt Nam có dấu hiệu gia tăng nhưng chủ yếu là mua đi bán lại nên không đủ để tạo ra “bong bóng” (ảnh internet)

Tiếp đà tăng trưởng ấn tượng của quý I, GDP trong quý II của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,79% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm lên 7,08%, cao nhất trong 8 năm qua.

Chỉ số giá tiêu dùng (lạm phát) đang được giữ ở mức vừa phải: 4% (10 năm trước - thời kì khủng hoảng, lạm phát lên tới 15%) kết hợp với nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam cũng tăng mạnh đạt 20,3 tỷ USD, bao gồm vốn từ các dự án cấp phép mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ngành bất động sản thu hút 5,4 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng nguồn vốn FDI trong 6 tháng đầu năm cũng là nguyên nhân kìm hãm nguy cơ vỡ “bong bóng” bất động sản.

Ngoài ra, các chỉ số phát triển của doanh nghiệp vẫn đang trên đà tăng, doanh số bán lẻ tăng, giá nhà ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp ở mức tăng dưới 5% trên bình diện thị trường.

Yếu tố vĩ mô cho thấy, hiện tại chưa có dấu hiệu cụ thể để nói thị trường bất động sản đang có nguy cơ đối diện với khủng hoảng vào năm 2019.

Tuy dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đang được kiểm soát tốt, nhưng theo giới chuyên gia, cần chú ý đến việc dư nợ tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng cao, lý do là bởi phần lớn dòng vốn này vẫn đang chảy vào nhà, đất.

Mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu tại Hội thảo “Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản” cho rằng, năm 2019, bong bóng bất động sản sẽ vỡ. Cùng với những dấu hiệu giảm tốc của thị trường, dư luận cũng đặt ra nhiều nghi vấn xoay quanh việc chu kỳ 10 năm đang đến và kịch bản khủng hoảng thị trường sẽ lặp lại?

Theo các chuyên gia kinh tế, những điểm nóng về tăng giá ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM giao dịch cũng đã bị hãm phanh trong mấy tháng gần đây. Nguyên nhân lớn nhất được dự đoán là do các nhà đầu tư, người mua nhà đang căng mình nghe ngóng và cảnh giác trước thời điểm bản lề của lời nguyền chu kỳ khủng hoảng.

Thực tế đã 4 thập kỷ, cứ 10 năm một lần nền kinh tế Việt Nam lại trải qua một cuộc khủng hoảng, như vào năm 1979, 1989, 1999, 2009. Năm 2019 là đúng chu kỳ 10 năm đã diễn ra suốt 5 thập kỷ qua. Vậy lời nguyền chu kỳ liệu có tái diễn? Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ như thế nào ở nửa cuối năm bản lề của chu kỳ này? Cung - cầu trên thị trường ra sao? Có nên áp dụng chiến thuật "tham lam khi thị trường sợ hãi" của nhà đầu tư thiên tài Warren Buffett để mua nhà, đất dịp cuối năm hay không?

Hữu Dũng

Tin cũ hơn
Xem thêm