Những điểm mới đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Cập nhật: 09:08 | 20/09/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Căn cứ vào nghị định 29/2019/NĐ-CP hướng dẫn Khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động được thực hiện từ ngày 5/5/2019 như sau:

nhung diem moi doi voi doanh nghiep cho thue lai lao dong

Lương làm thêm giờ có phải chịu thuế TNCN và đóng BHXH không?

nhung diem moi doi voi doanh nghiep cho thue lai lao dong

Những lưu ý khi người lao động tự ý nghỉ việc

nhung diem moi doi voi doanh nghiep cho thue lai lao dong

Những nhầm lẫn thường gặp khi thực hiện Hợp đồng lao động

nhung diem moi doi voi doanh nghiep cho thue lai lao dong
Ảnh minh họa

Thứ nhất, về điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép cho thuê lại lao động

Quy định mới đã bãi bỏ 02 điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (sau đây gọi tắt là Giấy phép), đó là:

- Điều kiện về vốn pháp định;

- Điều kiện về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

(Quy định cũ điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép gồm: điều kiện về ký quỹ; về vốn pháp định; về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp và về người đứng đầu doanh nghiệp).

Thứ hai, về hồ sơ cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Hồ sơ cấp giấy phép đã được sửa đổi lại như sau:

1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 29.

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 29.

4. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài không thuộc đối tượng được cấp phiếu lý lịch tư pháp của Việt Nam thì phiếu lý lịch tư pháp số 1 được thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp.

Các văn bản nêu trên được cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng.

5. Văn bản chứng minh thời gian đã làm việc của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 5 Nghị định 29 là một trong các loại văn bản sau:

a) Bản sao được chứng thực từ bản chính hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Bản sao được chứng thực từ bản chính quyết định bổ nhiệm (đối với người làm việc theo chế độ bổ nhiệm) hoặc văn bản công nhận kết quả bầu (đối với người làm việc theo chế độ bâu cử) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trường hợp các văn bản quy định tại điểm a, điểm b Khoản này là văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt.

6. Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh cho thuê lại lao động theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 29.

Thứ ba, về thời hạn của Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Đã sửa đổi thời hạn của Giấy phép như sau:

- Kéo dài thời hạn của Giấy phép lên tối đa là 60 tháng, thay vì 36 tháng theo Nghị định 55/2013/NĐ-CP.

- Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng thay vì chỉ được gia hạn không quá 02 lần, mỗi lần gia hạn không quá 24 tháng như hiện nay;

- Thời hạn Giấy phép được cấp lại bằng thời hạn còn lại của Giấy phép đã được cấp trước đó (quy định cũ là Giấy phép được cấp lại có thời hạn không quá thời hạn của Giấp phép đã được cấp trước đó).

Thứ tư, về danh mục công việc được cho thuê lại lao động

Đã được bổ sung 03 công việc vào danh mục công việc được cho thuê lại lao động (theo quy định hiện hành là 17 công việc trong danh mục), bao gồm:

- Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển;

- Quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí;

- Lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay/Điều độ, khai thác bay/Giám sát bay.

Thứ năm, về công bố Giấy phép

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải niêm yết công khai bản chính giấy phép tại trụ sở chính thay vì bản sao như quy định tại Điều 11 Thông tư 01/2014/TT-BLĐTBXH ngày 08/01/2014.

Trong trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện thì niêm yết bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động tại các cơ sở trên.

Thứ sáu, về quản lý tiền ký quỹ

Bổ sung thêm quy định tại Khoản 3 Điều 16 như sau:

Ngân hàng nhận ký quỹ không được cho doanh nghiệp rút tiền ký quỹ khi chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thứ bảy, các trường hợp không được cho thuê lại lao động

Dù làm việc cho doanh nghiệp cho thuê lại hay doanh nghiệp thuê lại thì quyền lợi của người lao động phải luôn được đảm bảo.

Do đó, nếu xảy ra bất cứ trường hợp nào theo quy định tại Điều 21 Nghị định 29/2019/NĐ-CP thì doanh nghiệp đều không được thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động. Cụ thể:

- Doanh nghiệp cho thuê hoặc bên thuê lại đang xảy ra tranh chấp, đình công;

- Doanh nghiệp cho thuê không thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với bên thuê lại;

- Thay thế người lao động đang thực hiện quyền đình công, quyền giải quyết tranh chấp;

- Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế;

- Không có sự đồng ý của người lao động thuê lại.

Quan hệ cho thuê lại lao động có liên quan đến ba chủ thể: doanh nghiệp cho thuê lại, doanh nghiệp thuê lại và người lao động. Chính mối quan hệ phức tạp này nên doanh nghiệp cho thuê lại tuyệt đối phải thực hiện nghiêm túc các trường hợp không được cho thuê lại nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Minh Phương