Nhìn lại ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên thị trường chứng khoán

Cập nhật: 16:37 | 29/12/2021 Theo dõi KTCK trên

Chúng ta không thể phủ nhận thiệt hại gây ra bởi 4 làn sóng Covid-19 vừa qua lên nền kinh tế Việt Nam. Không chỉ đe dọa đến tính mạng con người, đại dịch Covid-19 còn thầm lặng “giết chết” các doanh nghiệp nhỏ lẻ và thách thức các doanh nghiệp lớn. Các hoạt động kinh doanh bị đình trệ khi các chuỗi cung ứng bị phá vỡ, dòng tiền ứ đọng và nguồn cung khan hiếm khiến cho giá cả tăng cao cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường chứng khoán như thế nào và nhà đầu tư nên hành động như thế nào trước thềm nguy cơ bùng dịch với biến chủng mới? Chúng tôi đã nghiên cứu biến động của VN-Index qua 4 làn sóng dịch bệnh để từ đó có thể có sự chuẩn bị tốt hơn cho những sự kiện bất ngờ trong tương lai.

3516-chung-khoan-2021

VN-Index là chỉ số tổng hợp xu hướng biến động giá của toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Với danh mục khoảng 500 doanh nghiệp niêm yết, có thể nói VN-Index đại diện cho quy mô, mức tăng trưởng cũng như sức khỏe của thị trường chứng khoán tại mỗi thời điểm. Các cột mốc khởi điểm của các làn sóng dịch bệnh được lựa chọn theo ngày giao dịch tiếp theo trên thị trường sau ngày công bố thông tin chính thức trên truyền thông như sau:

• Làn sóng 1: 30/1/2020

• Làn sóng 2: 27/7/2020

• Làn sóng 3: 28/1/2021

• Làn sóng 4: 27/4/2021

3535-thi-truong-chung-khoan-1

Hình 1 thể hiện biến động của chỉ số VNIndex từ 2019 trở lại đây. Ngay sau thông tin công bố 2 ca nhiễm Covid đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 27/1/2020, VN-Index giảm 3 phiên liên tiếp. Theo đó, chỉ số VN-Index kết thúc Q1/2020 với 662.53 điểm so với chỉ số khởi điểm đầu năm là 966.67 điểm, tương đương với mức giảm sâu lên đến 31.5% và là chỉ số thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Lúc bấy giờ tâm lý nhà đầu tư bất ổn vì e ngại rủi ro tăng cao, đặc biệt là với nhiều nhà đầu tư F0.

3547-thi-truong-chung-khoan-2

Hình 2 cho thấy VN-Index phản ứng tiêu cực tại mỗi thời điểm khởi đầu của 4 làn sóng Covid-19 (T0), thường trong khung thời gian 2-3 phiên giao dịch trước/sau ngày công bố thông tin chính thức. Tại những ngày khởi đầu làn sóng thứ 1, VN-Index giảm 3 phiên liên tiếp lần lượt ở mức -3.22%, -2.39% và -0.91%. Có thể thấy chỉ số VN-Index thường phục hồi trong 6 phiên giao dịch tiếp theo. Làn sóng 3 cho thấy tại đúng thời điểm T0, VN-Index có mức giảm sâu nhất trong lịch sử khi thị trường giảm 6.67% xuống còn 1,023.94 điểm từ 1,097.17 điểm. Tuy nhiên đến ngày T+4, chỉ số VN-index vượt mốc ban đầu và đạt 1,111.29 điểm. Điều này cho thấy thị trường có khả năng phục hồi nhanh chóng sau các phiên giảm sâu gây ra bởi các làn sóng dịch bệnh.

Sau khi thấy rằng Covid-19 chỉ gây nhiễu sóng VN-index trong ngắn hạn, câu hỏi tiếp theo là nếu có làn sóng thứ 5 có thể gây ra bởi biến chủng Omicron, nhà đầu tư có nên tham gia vào thị trường chứng khoán không và nhóm ngành nào kỳ vọng mang lại cơ hội tốt nhất cho nhà đầu tư? Để tiếp tục trả lời câu hỏi này, mỗi ngành chúng tôi chọn ra 5 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất, so sánh lợi nhuận nếu mua cổ phiếu từ ngày bùng dịch đầu tiên (30/1/2020) và nắm giữ đến thời điểm của mỗi làn sóng mới.

3611-thi-truong-chung-khoan-3

Dữ liệu cho thấy các nhà đầu tư nếu thoát ra ở thời điểm làn sóng thứ 2 (khoảng 6 tháng kể từ khi mua vào) đa phần chịu lỗ. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư nắm giữ đến làn sóng thứ 3 thì đều có lãi bất kể là đầu tư vào ngành nào. Như vậy, ta có thể thấy Covid-19 đem lại sự rủi ro nhất định cho thị trường trong ngắn hạn (có thể lên tới 6 tháng), chủ yếu do thị trường phản ánh sự hoang mang tâm lý của các nhà đầu tư khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Ngược lại, với các nhà đầu tư dài hạn (từ 6 tháng trở lên) và có kiên nhẫn, những thời điểm như vậy lại là một cơ hội tốt để đầu tư các cổ phiếu đầu ngành trên thị trường.

Các ngành dẫn đầu sự tăng trưởng của VN-Index trong mùa dịch là Dịch vụ tài chính, Bán lẻ, Hóa chất và Tài nguyên cơ bản. Ngoại trừ bán lẻ, các ngành còn lại là những ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong thời gian vừa qua. Mặc dù câu chuyện đằng sau sự tăng trưởng của mỗi ngành có thể khác nhau, dữ liệu lịch sử đã cho thấy những ngành này có khả năng kháng cự ảnh hưởng của làn sóng thứ 5 (nếu có).

Kết luận:

Việc chỉ số VN-Index giảm sâu các ngày xung quanh thông tin công bố khởi điểm các làn sóng Covid-19 thể hiện dịch bệnh có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ảnh hưởng này được cho là ngắn hạn và chỉ số có được các nhịp phục hồi sau khoảng 2-3 phiên giảm sâu. Đối với các nhà đầu tư dài hạn, các cổ phiếu thuộc ngành Dịch vụ tài chính, Bán lẻ, Hóa chất và Tài nguyên cơ bản có thể tiếp tục là cơ hội tốt để đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh nhờ tiềm năng tăng giá cao hơn so với các ngành khác. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn không loại trừ khả năng rằng Covid 19 có thể mang lại những bất ngờ mới và xoay chuyển tình thế khiến lịch sử tăng vượt trội của một số cổ phiếu có thể sẽ không lặp lại. Do đó, bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo để hỗ trợ nhà đầu tư trong các quyết định của mình.

Dòng tiền vẫn sẽ chọn kênh đầu tư chứng khoán

Thời điểm chốt năm đang cận kề, chuẩn bị cho chu kỳ đầu tư, kinh doanh mới. Đại diện một số tổ chức đầu tư ...

Nhà đầu tư “cá mập” suy tính dòng tiền cuối năm

Thời điểm cuối năm, với mỗi nhà đầu tư, góc nhìn và kỳ vọng thị trường sẽ chi phối các động thái đầu tư tương ...

Biến động ngắn tạo cơ hội trong dài hạn

Những phiên giao dịch “bão tố” mùa Giáng sinh đã khép lại với sắc xanh phủ rộng và điểm số khá đẹp của VN-Index 1.477,03 ...

TCBS