Nhà đầu tư cá nhân rút ròng hơn 2.000 tỷ đồng tuần từ 5 - 9/7

Cập nhật: 10:34 | 10/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Kết tuần giao dịch từ 5 - 9/7/2021, VN-Index giảm 73,13 điểm (-5,15%) về mức đứng ở mức 1.347,14 điểm so với tuần trước đó. Dòng tiền của nhóm nhà đầu tư cá nhân đảo chiều bán ròng 2.093 tỷ đồng trên sàn HOSE.

3116-chinh
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Thị trường điều chỉnh khá mạnh trong tuần từ 5 - 9/7/2021. Kết tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.347,14 điểm - tương ứng giảm 73,13 điểm (-5,15%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 21,28 điểm (-6,5%) xuốn 306,73 điểm. UpCOM-Index giảm 3,56 điểm (-3,93%) xuống 87,08 điểm.

Điểm tích cực của tuần giao dịch vừa qua là khối ngoại tiếp tục mua ròng trở lại nhưng khác với tuần trước đó, dòng vốn này chủ yếu mua ròng thông qua khớp lệnh. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 62,6 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị mua ròng là 2.545 tỷ đồng.

Giao dịch tại nhóm nhà đầu tư cá nhân có sự đảo chiều khi chuyển từ nhóm mua ròng sang bán ròng mạnh nhất trong tuần. Theo thống kê, các cá nhân đã bán ròng 2.093 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Thống kê giao dịch theo ngành, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư áp đảo tại 13/18 nhóm cổ phiếu, trong đó ghi nhận lực xả ròng tại nhiều nhóm cổ phiếu đã được gom mua mạnh như bất động sản, tài nguyên cơ bản (thép), ngân hàng. Đặc biệt, thực phẩm đồ uống tiếp tục dẫn đầu chiều bán khi ghi nhận lực rút ròng lớn nhất lên tới 536 tỷ đồng.

Trái lại, chiều mua ròng lép vế hơn với bảo hiểm là nhóm được mua ròng mạnh nhất 126 tỷ đồng. Theo sau, lực mua phân tán tại các nhóm hàng cá nhân & gia dụng, ô tô & phụ tùng...với giá trị dưới 100 tỷ đồng.

Cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội đứng đầu chiều bán khi bất ngờ bị chốt lời lên tới 935,6 tỷ đồng trong tuần. Lực xả đột biến tại MBB đẩy VHM của Vinhomes lui xuống vị trí thứ hai với 764,6 tỷ đồng bán ròng, tăng mạnh 42% so với tuần trươc.

Giao dịch tại hai mã này của các cá nhân khá đối ứng với khối ngoại, khi khối này đã liên tục mua gom MBB và VHM sau nhiều phiên. Theo công bố, MBB sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2020 bằng cổ tức tỷ lệ 35% vào ngày 13/7 tới đây.

Theo sau, dòng tiền các cá nhân có sự đảo chiều mạnh tại HPG khi xả ròng hơn 301 tỷ đồng sau nhiều phiên mua ròng. Đóng cửa tuần, HPG giảm mạnh 9,56% trước lực xả mạnh, về mốc 47.300 đồng/cp.

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân liên tục rút khỏi những cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành như MSN (275,8 tỷ đồng), GEX (247,7 tỷ đồng), VNM (230,4 tỷ đồng), KDH (228,5 tỷ đồng), GAS (185,6 tỷ đồng). Hai đại diện ngành ngân hàng là VCB và HDB cũng bị bán ròng với giá trị lần lượt là 211,3 tỷ đồng và 190 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, NVL vươn lên dẫn đầu khi được mua ròng hơn 825 tỷ đồng, tăng 1,57 lần so với tuần trước. Đáng chú ý, tuần này khối ngoại đã chốt lời mạnh NVL sau khi liên tục mua ròng gần 3.500 tỷ đồng kể từ đầu năm. Đóng cửa tuần, cổ phiếu NVL bị điều chỉnh mạnh về mức 103.500 đồng, giảm 13,03% so với giá mở cửa đầu tuần.

Sau khi thực hiện chốt lời những cổ phiếu ngân hàng lớn như MBB, VCB, NĐT cá nhân tìm đến STB của Sacombank khi mua ròng 642,1 tỷ đồng. Theo sau, các cá nhân tìm đến VPB (386,8 tỷ đồng), CTG (240,2 tỷ đồng), và mua ròng nhẹ TCB (63,1 tỷ đồng), MSB (48,3 tỷ đồng).

Với 120,7 tỷ đồng giá trị vào ròng, cổ phiếu BVH của Bảo Việt đưa nhóm bảo hiểm trở thành nhóm được mua ròng mạnh nhất trong tuần của các cá nhân. Các mã khác được mua ròng với giá trị nhỏ hơn là VRE (132,5 tỷ đồng), PNJ (57 tỷ đồng), VCI (38,2 tỷ đồng).

Cập nhật mới nhất phí giao dịch tại các công ty chứng khoán Việt Nam

Phí giao dịch chứng khoán (hay phí môi giới) là khoản phí mà nhà đầu tư phải trả cho công ty chứng khoán (CTCK) khi ...

Nhận định chứng khoán tuần từ 12-16/7/2021: Cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức thấp

Thị trường tiếp tục giảm mạnh trong phiên cuối tuần (9/7). Dòng tiền đầu tư suy yếu khi chỉ có đúng 1/19 nhóm ngành vận ...

Minh Thuận T/H