Nguyên nhân gói lãi suất 2% hỗ trợ doanh nghiệp chưa đạt như kỳ vọng

Cập nhật: 14:37 | 29/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất vẫn còn thấp, chưa như kỳ vọng do các doanh nghiệp còn nhiều e ngại.

Các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ, phải tuân thủ các thủ tục liên quan, lo bị thanh tra, kiểm toán về sau
Các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ, phải tuân thủ các thủ tục liên quan, lo bị thanh tra, kiểm toán về sau

Ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 nhằm hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện giải ngân gói hỗ trợ lãi suất với mức lãi suất hỗ trợ 2%, quy mô hỗ trợ lên tới 40.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023.

Sau nửa năm thực hiện, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 tổ chức ngày 27/12, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất vẫn còn thấp, chưa như kỳ vọng.

Tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng.

Có 2 vướng mắt lớn nhất đối với gói lãi suất này là các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ, phải tuân thủ các thủ tục liên quan, lo bị thanh tra, kiểm toán về sau. Đáng lo ngại nhất là doanh nghiệp khó có thể hồi tố số tiền hỗ trợ đã nhận khi đã hạch toán và chia cổ tức; thứ 2 là quy định, để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng phục hồi.

Bản thân cả ngân hàng và doanh nghiệp đều lo ngại vì chưa có cơ chế đánh giá tiêu chí khả năng phục hồi. Ngoài ra, có thể khả năng phục hồi thời điểm thanh kiểm tra sẽ khác thời điểm cho vay.

“Tâm lý e ngại của khách hàng và tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi là 2 vướng mắc chính khiến gói hỗ trợ giải ngân còn chậm. Trong trường hợp có tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách, tức là có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp thì khả năng hấp thụ chính sách có thể tăng lên. Tuy nhiên, thị trường cũng không thể hấp thụ hết gói 40.000 tỷ đồng, vì tâm lý e ngại của doanh nghiệp lên tới 67% rồi”, bà Giang cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai gói hỗ trợ lãi suất này đã có hiện tượng khách hàng vay rồi trả lại vì lo ngại thanh kiểm tra về sau.

Chia sẻ về gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng khó giải ngân, ông Hùng cho rằng, ý tưởng của gói hỗ trợ là rất tốt nhưng khi triển khai rất khó khăn vì doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu để vay thì lại không có nhu cầu, còn doanh nghiệp có nhu cầu thì lại không đáp ứng được điều kiện vay, không phải là đối tượng được hướng đến.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã nỗ lực có các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý.

Cụ thể, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, bản thân gói hỗ trợ lãi suất 2% không tạo nên động lực thực thi, bởi nguy cơ cao nhưng lợi ích rất nhỏ. Do đó, các ngân hàng thương mại không mặn mà.

Dựa trên thực tế, bà Giang cho biết, khó có thể giải ngân hết gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm ngay cả khi đã tháo gỡ vướng mắc về cơ chế là quy định về khả năng phục hồi, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định về việc chuyển nguồn sang các nguồn khác.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa nghị định 31 theo hướng sửa điều kiện "khách hàng có khả năng phục hồi" hoặc xin chuyển nguồn theo 2 hướng, một là chuyển về ngân hàng chính sách xã hội để cho vay theo các chương trình ưu tiên của Chính phủ; hai là chuyển sang hỗ trợ trực tiếp như miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp.

Tuệ Minh