“Ngọt lịm” như Đường Quảng Ngãi (QNS): Sắp cán đích doanh thu, vượt 52% chỉ tiêu lợi nhuận

Cập nhật: 09:56 | 27/10/2023 Theo dõi KTCK trên

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Đường Quảng Ngãi đã thực hiện được 92% chỉ tiêu doanh thu và đang ở rất gần vạch đích. Kết quả kinh doanh càng trở nên “ngọt ngào” hơn khi lợi nhuận thuế của doanh nghiệp này đã vượt 52% kế hoạch đề ra.

“Ngọt lịm” như Đường Quảng Ngãi (QNS): Sắp cán đích doanh thu, vượt 52% chỉ tiêu lợi nhuận
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Đường Quảng Ngãi đã thực hiện được 92% chỉ tiêu doanh thu và vượt 52% kế hoạch lợi nhuận

Mới đây, Công ty CP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023. Vị “ngọt” trong kỳ kinh doanh trước đó tiếp tục được kéo dài sang quý này.

Quý III, doanh thu thuần của Đường Quảng Ngãi đạt 2.467 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng chậm hơn, chỉ ở mức 3% đã giúp lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng 17% so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 860 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng trưởng ấn tượng, lên mức 93 tỷ đồng, cao gấp đôi kết quả đạt được vào quý III/2023.

Trong khi chi phí tài chính tăng 45% so với cùng kỳ, lên mức 28 tỷ đồng thì chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được Đường Quảng Ngãi tiết giảm. Kỳ này, chi phí bán hàng của doanh nghiệp giảm gần 7%, ghi nhận ở mức 297 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ, xuống còn 76 tỷ đồng.

Một điểm sáng nữa trong kỳ kinh doanh quý III là khoản thu nhập khác tăng tới 47 lần so với cùng kỳ, lên tới 13 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý III của Đường Quảng Ngãi tăng 60% so với cùng kỳ, đạt 506 tỷ đồng.

“Ngọt lịm” như Đường Quảng Ngãi (QNS): Sắp cán đích doanh thu, vượt 52% chỉ tiêu lợi nhuận
Vị "ngọt" vẫn được Đường Quảng Ngãi duy trì qua các kỳ kinh doanh

Giải trình về kết quả kinh doanh “ngọt ngào”, Đường Quảng Ngãi cho hay, nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang dần phục hồi sau dịch Covid nhưng sức mua vẫn chưa phục hồi hoàn toàn đã khiến cho sản lượng tiêu thụ các sản phẩm như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo,… của doanh nghiệp giảm sút. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực kiểm soát chi phí nên lợi nhuận các sản phẩm này vẫn giữa mức xấp xỉ như trước.

Đường Quảng Ngãi cũng nói thêm, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, một số sản phẩm của doanh nghiệp vẫn duy trì tình hình sản xuất ổn định và ghi nhận mức tăng trưởng cao, ví dụ như sản phẩm đường có sản lượng tiêu thụ tăng 85%, doanh thu tăng 116%; sản phẩm điện có sản lượng tiêu thụ tăng 35%, doanh thu tăng 38%.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía; dây chuyền sản xuất đường đã đi vào hoạt động ổn định giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các biện pháp phòng vệ thương mại của Nhà nước đối với sản phẩm đường và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh đường của công ty đạt hiệu quả cao so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Đường Quảng Ngãi đạt 7.749 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 79%, lên mức 1.535 tỷ đồng.

Như vậy, so với mục tiêu đạt 8.400 tỷ đồng doanh thu, Đường Quảng Ngãi đang ở rất gần vạch đích khi đã hoàn thành được 92% mục tiêu đề ra. Còn đối với kế hoạch lãi sau thuế 1.008 tỷ đồng, sau 9 tháng, doanh nghiệp này đã vượt 52% mục tiêu.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Đường Quảng Ngãi tăng 9% so với đầu năm, lên mức 11.214 tỷ. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp với 5.392 tỷ đồng. Tính thêm 273 tỷ tiền và các khoản tương đương tiền, lượng tiền mặt của Đường Quảng Ngãi lên tới hơn 5.600 tỷ đồng, chiếm quá nửa tài sản.

Trong khi đó, hàng tồn kho dù tăng 5% so với đầu kỳ, ghi nhận ở mức 997 tỷ đồng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, tổng nợ phải trả của Đường Quảng Ngãi tăng 17%, lên mức 3.281 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm tới 56%, ghi nhận ở mức 1.843 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 7.932 tỷ đồng, tăng 6%. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 4.129 tỷ đồng, tăng 12%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/10, trong bối cảnh thị trường chung lao dốc, kết quả kinh doanh vượt trội đã không thể đưa cổ phiếu QNS thoát khỏi sắc đỏ. Mã này đóng cửa ở mức 45.900 đồng/cp, giảm 3,77% so với phiên giao dịch trước đó và giảm 15% so với mức đỉnh hồi tháng 7.

Chi phí đầu vào cao, Thuỷ sản Nam Việt (ANV) báo lãi “còi”

Quý III/2023, lợi nhuận của “vua cá tra” Nam Việt “bốc hơi” gần hết, chỉ còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so ...

FPT Telecom: Kết quả kinh doanh sáng lên nhưng nợ vay chồng chất

Dù doanh thu và lợi nhuận có tăng so với cùng kỳ, thế nhưng các khoản nợ của FPT Telecom lại nhảy vọt lên hơn ...

Công ty liên kết làm ăn hiệu quả, Vinapharm báo lãi ròng quý III tăng 75%

Mặc dù doanh thu thuần quý III/2023 sụt giảm đáng kể nhưng nhờ khoản lãi từ công ty liên kết, lợi nhuận sau thuế của ...

Hà Lê