Nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn bộ hệ thống

Cập nhật: 10:49 | 28/02/2023 Theo dõi KTCK trên

Đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều cho rằng, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua phát triển nhanh chóng và có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Tuy nhiên do mới phát triển và phát triển nhanh, nên việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng còn có những bất cập nhất định.

Hé lộ kế hoạch chia cổ tức của loạt ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị về hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng. Hội nghị do Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn chủ trì với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại. Hội nghị được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp 'ép' khách
Chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp 'ép' khách

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đánh giá những năm gần đây, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã trở thành xu hướng nhờ tính thuận tiện, hiệu quả và lợi ích mang lại cho tất cả các bên tham gia. Việc triển khai thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không chỉ mang lại những lợi ích về mặt kinh tế cho ngân hàng mà còn giúp đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu, nâng cao trải nghiệm sử dụng các dịch vụ/sản phẩm tài chính của khách hàng, hỗ trợ xây dựng nền tảng khách hàng trung thành…

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, trong thời gian qua, việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng có đóng góp lớn trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ)..

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy tính đến 12/12/2022 có 79 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09%, trong đó doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Ngô Việt Trung cho rằng do mới phát triển và phát triển nhanh, nên việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng còn có những bất cập nhất định như hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, hoặc việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng đang nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng.

Trước thực trạng này, cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã chỉ đạo rất mạnh mẽ các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn bộ hệ thống, không để xảy ra trường hợp “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm…

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động này.

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác về hoạt động đại lý bảo hiểm.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm... đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Về phía Bộ Tài chính, ông Ngô Việt Trung cho biết, ngay từ năm 2014, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư Liên tịch để quản lý việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung một số nguyên tắc nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các đại lý bảo hiểm cá nhân, đại lý bảo hiểm là tổ chức trong đó có các tổ chức tín dụng, trong đó, giao Chính phủ quy định cụ thể hoá những quy định để đảm bảo chặt chẽ khi quản lý hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh này.

Theo ông Ngô Việt Trung, với pháp luật kinh doanh bảo hiểm, nguyên tắc quan trọng đầu tiên của việc tham gia bảo hiểm phải là tự nguyện. Với đại lý, dù là tổ chức hay cá nhân, phải tư vấn trung thực và tư vấn sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của khách hàng.

Đặc biệt, trong thời gian qua, ông Ngô Việt Trung cho biết, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã chủ động làm việc và phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thanh tra, giám sát (Ngân hàng Nhà nước) để cùng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

Đồng thời, thực hiện thanh tra đối với cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo đồng bộ, xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có), đảm bảo lợi ích của người tham gia bảo hiểm.

MBCambodia chính thức ra mắt tại Campuchia

Ngày 27/2, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) đã chính thức nâng cấp và chuyển đổi chi nhánh MB Campuchia thành ngân ...

Nam A Bank đặt mục tiêu lãi 2.400 tỷ đồng năm 2023, trả cổ tức tỷ lệ 25%

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - UPCoM: NAB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Cổ phiếu ngân hàng “đỏ lửa” phiên đầu tuần, khối ngoại tiếp tục bán mạnh

Phiên giao dịch đầu tuần (27/2), cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực với 23/27 mã giảm điểm, 2 mã đứng giá và 2 ...

Thu Thủy