Tỷ giá USD hôm nay 30/3/2025: USD suy yếu bất chấp chi tiêu dùng phục hồi
Tỷ giá USD trong nước sáng 30/3 giữ nguyên, trong khi trên thị trường quốc tế, đồng bạc xanh suy yếu nhẹ dù chi tiêu tiêu dùng Mỹ phục hồi. Chỉ số DXY lùi về ngưỡng 104 điểm do áp lực từ chính sách thuế quan mới và kỳ vọng lạm phát tăng cao.
Diễn biến tỷ giá USD trong nước
Sáng ngày 30/3, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục giữ nguyên ở mức 24.843 đồng/USD, không thay đổi so với phiên liền trước.
Tại hệ thống ngân hàng thương mại, tỷ giá USD vẫn giữ ở mức cao, song không có biến động mới so với ngày hôm qua. Cụ thể, tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết ở mức 25.370 đồng/USD chiều mua vào và 25.760 đồng/USD chiều bán ra, giữ nguyên ở cả hai chiều giao dịch.

Xét theo giá mua vào, VietBank đang đưa ra mức thấp nhất thị trường khi mua tiền mặt USD với giá 24.070 đồng/USD và mua chuyển khoản ở mức 24.100 đồng/USD. Ngược lại, PVcomBank là đơn vị mua vào tiền mặt USD với giá cao nhất, đạt 25.600 đồng/USD, trong khi VietinBank dẫn đầu về giá mua chuyển khoản ở mức 25.820 đồng/USD.
Ở chiều bán ra, mức giá thấp nhất được ghi nhận tại HSBC, khi ngân hàng này niêm yết giá bán tiền mặt và chuyển khoản đều ở mức 25.700 đồng/USD. Trong khi đó, PVcomBank tiếp tục duy trì vị trí là ngân hàng có giá bán tiền mặt cao nhất, với mức 26.020 đồng/USD. MB hiện là đơn vị có giá bán chuyển khoản cao nhất, đạt 25.800 đồng/USD.
Diễn biến tỷ giá USD trên thị trường quốc tế
Chốt tuần giao dịch cuối tháng 3, chỉ số USD Index (DXY), đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, giảm 0,07% xuống mức 104,01. Riêng trong phiên cuối tuần, đồng USD mất 0,32%, phản ánh tâm lý e ngại của thị trường trước những rủi ro từ chính sách thuế quan thương mại của Mỹ.
Các nhà giao dịch đang tỏ ra thận trọng trước thông tin Tổng thống Mỹ dự kiến áp dụng chính sách thuế quan “có đi có lại” đối với các đối tác thương mại lớn. Lo ngại gia tăng rằng các chính sách thuế này sẽ làm chậm lại tăng trưởng kinh tế và kích hoạt làn sóng lạm phát mới. Theo các chuyên gia Athanasios Vamvakidis và Claudio Piron tại Bank of America, đồng USD khó có cơ hội tăng giá trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với áp lực suy thoái, trong khi quá trình áp dụng thuế quan mới vẫn cần thời gian và nhiều vòng đàm phán.
Bên cạnh yếu tố chính sách, dữ liệu kinh tế mới công bố cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đồng USD. Báo cáo tháng 2 cho thấy lạm phát cơ bản của Mỹ tăng 0,4%, vượt kỳ vọng của thị trường. Trong khi đó, lạm phát tiêu đề tăng 0,3% đúng như dự báo. Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ phục hồi trong tháng, cho thấy nhu cầu trong nước vẫn mạnh. Đáng chú ý, khảo sát từ Đại học Michigan chỉ ra kỳ vọng lạm phát 12 tháng của người tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm, phản ánh tâm lý lo ngại về khả năng chi phí sinh hoạt tiếp tục leo thang.
Diễn biến giảm của USD cũng kéo theo làn sóng tăng giá của vàng trên thị trường quốc tế. Kim loại quý này liên tục thiết lập các đỉnh mới trong tuần qua, khi nhà đầu tư chuyển hướng dòng tiền sang các tài sản trú ẩn an toàn, trong bối cảnh rủi ro chiến tranh thương mại toàn cầu ngày càng rõ rệt.
Theo các chuyên gia, mối quan hệ giữa USD và giá vàng vẫn duy trì tính đối nghịch: đồng USD suy yếu sẽ khiến giá vàng tăng do vàng được định giá bằng USD. Khi USD giảm giá trị, sức mua của các đồng tiền khác với vàng sẽ tăng lên, thúc đẩy nhu cầu mua vàng, từ đó đẩy giá vàng đi lên. Ngược lại, khi USD tăng mạnh, vàng sẽ mất đi sức hấp dẫn vì trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư quốc tế.
Với bối cảnh hiện tại, giới phân tích dự báo đồng USD có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong thời gian tới nếu các yếu tố vĩ mô như lạm phát, thuế quan và kỳ vọng lãi suất không được kiểm soát hiệu quả.
Ân Thiên