Ngân hàng dồn tăng vốn vào quý cuối năm

Cập nhật: 15:07 | 13/08/2020 Theo dõi KTCK trên

Đã hơn 8 tháng trôi qua, nhưng kế hoạch phát hành thêm cho cổ đông và phát hành riêng lẻ của nhiều ngân hàng vẫn chưa được triển khai, khiến áp lực tăng vốn dồn vào những tháng cuối năm.

Trả cổ tức bằng cổ phiếu, cách nhanh nhất để tăng vốn

Trong những năm gần đây, việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ của các ngân hàng có những khó khăn nhất định.

Trước diễn biến của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng phải tiết kiệm chi phí, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh, nên các nhà băng chuyển hướng tăng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

2025-nganhangdonvon
LienVietPostBank nâng vốn điều lệ từ 8.944 lên 9.768 tỷ đồng thông qua phát hành 88 triệu cổ phiếu trả cổ tức

Ðây cũng là con đường nhanh nhất để các ngân hàng tăng năng lực tài chính trước các yêu cầu cấp thiết về vốn. MB đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ 23.727 tỷ đồng lên 24.417 tỷ đồng. LienVietPostBank đã phát hành 88 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức, qua đó nâng vốn điều lệ từ 8.944 lên 9.768 tỷ đồng.

Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ năm 2020 lên 35.049 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 4,7 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện trong quý III hoặc quý IV năm nay. Cổ phần phát hành thêm không hạn chế chuyển nhượng..

Không chỉ các ngân hàng quy mô, khối ngân hàng nhỏ cũng “ráo riết” tăng vốn trong năm nay vì là hạn cuối cùng để đáp ứng Thông tư 41 về tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II.

Chẳng hạn, SeABank muốn tăng vốn lên hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 14%, tương đương phát hành 131,166 triệu cổ phiếu.

Ðợt còn lại, SeABank sẽ chào bán gần 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 15% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị phát hành là 1.410 tỷ đồng.

Năm nay, VietBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức 4.190 tỷ đồng lên gần 4.819 tỷ đồng từ lợi nhuận giữ lại của giai đoạn 2017-2019 (khoảng 629 tỷ đồng) thông qua việc phát hành 62,87 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, VietBank sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông để tăng vốn điều lệ, tỷ lệ dự kiến 15%...

OCB đã tăng vốn điều lệ từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng qua việc bán 20% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Aozora. Trong khi đó, SCB có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 15.232 tỷ đồng lên 20.232 tỷ đồng thông qua phương thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, SCB sẽ chào bán 500 triệu cổ phần với giá chào bán bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Nhưng vẫn khó đáp ứng yêu cầu tăng vốn

Về cơ bản, việc tăng thêm vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn vốn kinh doanh, từ đó tăng khả năng sinh lời, nhưng không phải cứ muốn là có thể thực hiện được ngay.

Thực tế, việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán và ngân hàng có tìm được nhà đầu tư phù hợp hay không.

Năm nay, trong bối cảnh thị trường có khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động thêm vốn của ngân hàng không dễ dàng như trước.

Nhiều ngân hàng cũng đã tận dung tối đa các biện pháp để tăng vốn điều lệ, nhưng tỷ lệ vốn vẫn chưa đạt quy định theo tiêu chuẩn Basel II.

Trong khi đó, thời hạn để ngân hàng đáp ứng các yêu cầu về vốn theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN không còn nhiều.

Cụ thể, từ ngày 1/10/2021, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ giảm xuống còn 34% và sẽ giảm tiếp xuống còn 30% từ sau ngày 1/10/2022.

Ðến thời điểm hiện tại, VietinBank đã đáp ứng các điều kiện theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, vốn điều lệ của Ngân hàng không được bổ sung thêm, nên đến nay vẫn chưa hoàn tất được Basel II.

Tỷ lệ an toàn toàn vốn (CAR) của VietinBank hiện vẫn tuân thủ quy định hiện hành của NHNN tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, nhưng với năng lực vốn có phần hạn chế này, VietinBank đang đứng trước thách thức lớn khi vừa phải đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải đảm bảo yêu cầu tỷ lệ CAR tối thiểu theo chuẩn Basel II.

Trong nhiều năm nay, vốn điều lệ của VietinBank không được bổ sung thêm. Theo nhận định của Chủ tịch HÐQT VietinBank Lê Ðức Thọ tại Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên 2020 vừa qua, việc tăng vốn điều lệ là một nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình phát triển của VietinBank.

Ông cho rằng, tăng vốn sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng nói chung, VietinBank nói riêng có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế, đón đầu các cơ hội mới.

Cũng ở trong tình trạng tương tự, nhiều năm qua, Agribank chưa được đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Agribank hiện ở mức 30.591 tỷ đồng.

Khác với VietinBank và Agribank, khả năng tăng được vốn tại Vietcombank và BIDV có phần khả quan hơn.

Theo đó, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2018 với tỷ lệ 18%, đồng thời phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính.

Nếu hai kế hoạch này hoàn tất, vốn điều lệ của Vietcombank có thể tăng thêm hơn 9.000 tỷ đồng, lên tối đa ở mức 46.176 tỷ đồng.

Lãi suất Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) tháng 08/2020

Khảo sát biểu lãi suất Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) mới nhất trong tháng 8 này, ghi nhận có sự điều chỉnh ...

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 13/8: Hơn 3.600 nhân viên ngân hàng mất việc nửa đầu năm

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 13/8/2020 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung ...

Vân Linh

Theo tinnhanhchungkhoan.vn