Mùa xuân thứ 90 của Đảng và tư duy đổi mới trong kinh tế thị trường

Cập nhật: 12:01 | 02/02/2020 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bước vào mùa xuân thứ 75 của đất nước kể từ mùa thu độc lập 1945, Việt Nam đang trên đà cất cánh để hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng. Đây cũng là mùa xuân thứ 90 từ Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 -3/2/2020), khi các cấp, các ngành đều đang chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng - một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

mua xuan thu 90 cua dang va tu duy doi moi trong kinh te thi truong

Nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

mua xuan thu 90 cua dang va tu duy doi moi trong kinh te thi truong

Kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019): Nhiều hoạt động đặc biệt ý nghĩa

mua xuan thu 90 cua dang va tu duy doi moi trong kinh te thi truong

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2/9

Mùa xuân thứ 90 của Đảng đi cùng với mùa xuân thứ 75 của đất nước kể từ mùa thu độc lập 1945, cũng là năm Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và nhiều sự kiện chính trị trọng đại khác. Nhìn lại gần 35 năm Đổi mới, chúng ta thấy sự lựa chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đường lối phát triển kinh tế mang tính lịch sử tất yếu và đây là một quá trình đổi mới sâu sắc cả về phương diện tư duy, nhận thức lý luận, cả về đường lối lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và công tác chính trị, tư tưởng của Đảng. Rõ ràng rằng, Đảng khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc Đổi mới mà trước hết là “Đổi mới về tư duy kinh tế”, chuyển hẳn từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

mua xuan thu 90 cua dang va tu duy doi moi trong kinh te thi truong

Việt Nam chúng ta đã đi từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu Đổi mới. Cho đến hiện tại, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế Việt Nam nhìn lại năm 2019 tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6 - 6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người (dân số hơn 96 triệu người). Đây là “điều chưa từng có trong lịch sử nước ta” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định như vậy khi nhìn lại một loạt chỉ số tổng quát khả quan của nền kinh tế đất nước tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào ngày cuối năm 2019. Theo đó, thị trường tiền tệ năm 2019 ổn định; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, đạt gần 80 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD (đạt khoảng 517 tỷ USD), trong đó xuất siêu gần 10 tỉ USD, xuất khẩu tăng khoảng 8% so với năm 2018, trong khi xuất khẩu của nhiều nước sụt giảm mạnh, thậm chí có nước tăng trưởng âm. Có lẽ chính vì vậy mà Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định: "Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam".

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, quy mô GDP nước ta đã thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt mức thu nhập khoảng 10.000USD/người vào năm 2035. Và nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD. Từ chỗ phủ nhận cơ chế thị trường trong thời kỳ trước Đổi mới, Đảng ta đã thống nhất trong nhận thức và hành động rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội thành công không thể không phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng xã hội chủ nghĩa được thể hiện nhất quán trên các phương diện của nền kinh tế - xã hội. Trong mục tiêu phát triển, chúng ta lấy con người làm trung tâm khi hướng tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong phương thức phát triển, chúng ta hướng tới phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập. Trong quản lý nền kinh tế, chúng ta phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vai trò quản lý nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Lộ trình mục tiêu cũng hết sức rõ ràng, khi ngay những ngày đầu xuân năm mới 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu trọng tâm nhiệm vụ năm nay: “Việc tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Đại hội XIII của Đảng sẽ tập trung đánh giá nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đồng thời xác định phương hướng nhiệm kỳ 2021 - 2026, tầm nhìn tới năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (100 năm thành lập nước)”.

Bước vào năm 2020, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đối với việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, chúng ta cần chủ động, tích cực hơn, tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quốc gia quan trọng và các công trình trọng điểm; phát huy tốt vai trò của các vùng kinh tế, các đô thị lớn, thị trường trong nước và các ngành dịch vụ, du lịch. Đây là những mục tiêu, yêu cầu có tính định hướng hết sức rõ ràng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, trong tổng kết, đánh giá, cần đúc rút những mô hình mới, cách làm hay, có giá trị thực tiễn; khích lệ khát vọng vươn lên, khuyến khích tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, phục vụ phát triển bền vững; đồng thời phân tích thấu đáo những vấn đề thực tiễn đang nổi lên như việc chưa bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, xây dựng con người, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; việc thực hiện các chính sách đất đai, bảo đảm an toàn giao thông, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Hay việc chú trọng giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội... Hơn nữa, việc xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới phải bám sát các quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng và tình hình thực tế của địa phương, đặt trong tổng thể của vùng, liên vùng và cả nước; đồng thời, làm tốt công tác dự báo, nắm bắt thời cơ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...

Năm 2019, giữa biến động quốc tế khó lường và bối cảnh suy giảm khó khăn chung của kinh tế thế giới, mà Việt Nam vẫn là điểm sáng thì quả thực đây là kỳ tích. Nhưng kỳ tích đương nhiên không bỗng dưng “từ trên trời rơi xuống” mà nó là hệ quả của sự chắc tay trong chèo lái nền kinh tế, chủ động ứng phó hợp lý những diễn biến thị trường bị trồi sụt, tăng trưởng ấm nóng trong bối cảnh vẫn kiểm soát được lạm phát. Về phía Chính phủ kiến tạo và hành động, chúng ta thấy có nhiều cải cách đổi mới mô hình tăng trưởng, điều kiện đăng ký kinh doanh cải thiện rất rõ, thặng dư tài sản vãng lai, thặng dư thương mại tích cực. Về phía các doanh nghiệp tư nhân trong nước, chúng ta thấy rõ sự phát triển đi cùng với bối cảnh tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, yếu tố cơ bản để phát triển kinh tế trong năm qua. Về đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng ta thấy được sự quyết liệt hơn từ quý 4-2019 và năm 2020 trong giải ngân tác động đến tăng trưởng mạnh hơn, đặc biệt là thu hút tư nhân vào cơ sở hạ tầng mạnh hơn, nhanh hơn, tác động đến thị trường. Tỷ giá cùng các yếu tố khác, làm thị trường trái phiếu Chính phủ cũng sẽ được thúc đẩy tốt hơn, minh bạch hơn, giảm bớt rủi ro hơn. Và đương nhiên, các nhà đầu tư, kinh doanh cảm thấy yên tâm hơn khi khả năng sinh lợi ở Việt Nam ổn định hơn.

Lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế, Đảng chủ trương tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đảng đồng thời chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững thực chất hơn; chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người, bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, chúng ta đồng thời tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ trương đúng xuất phát từ thực tiễn và Đảng ta đã bám sát thực tiễn vốn sinh động, luôn thay đổi không ngừng trong bối cảnh mới của thế giới, khu vực và đất nước.

Không được ngủ quên trên những thành tích, chỉ số đã giành được, vì bản thân chúng ta đang ở giữa chặng đường phấn đấu, hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Trong những nhiệm vụ khai triển, Đảng đã chỉ rõ việc tập trung ưu tiên khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế một cách căn cơ, bài bản và có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn. Theo đó, cần phải khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt luật pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đồng thời, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, được đặt ra hết sức cấp bách. Cùng với đó, việc cần làm là ráo riết và triệt để là kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt hơn các chương trình, kế hoạch cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong điều hành nền kinh tế, Chính phủ cũng đang hướng tới xử lý có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn các công trình, dự án lớn chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại mua bắt buộc và các ngân hàng thương mại yếu kém khác.

Vui đón mùa xuân thứ 90 của Đảng, có thể khẳng định rằng, Đảng ta đã lãnh đạo đổi mới tư duy phát triển Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, phát triển bao trùm và bền vững... Chúng ta bước đầu đã khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của thế giới, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiến bộ của nhân loại để làm sao phù hợp với triết lý phát triển của dân tộc Việt Nam và với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội, vẫn đang là đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi tài năng khai triển, để nền kinh tế Việt Nam cất cánh, hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

mua xuan thu 90 cua dang va tu duy doi moi trong kinh te thi truong Nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

TBCKVN - Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) nhằm giáo dục và phát huy truyền thống ...

mua xuan thu 90 cua dang va tu duy doi moi trong kinh te thi truong Triển khai các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chủ ...

Tiến sĩ Phạm Minh Tài

Tin cũ hơn
Xem thêm