Lý giải nguyên nhân giá thép tăng gấp đôi trong một năm

Cập nhật: 14:22 | 24/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Trên toàn thế giới, thép đang trở nên đắt đỏ hơn do giá nguyên liệu và hàng hóa nói chung đều tăng. Hiệp hội bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất thép của CH. Czech và Slovakia, cho biết, giá thép hiện đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thép hôm nay 24/5/2021: 'Tụt dốc không phanh'

Giá thép hôm nay 22/5/2021: Thép thanh bất ngờ giảm giá ngày cuối tuần

Thị trường thép sẽ còn "nóng" đến hết năm 2021?

Steel Union - Hiệp hội bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất thép của Cộng hòa Czech (Séc) và Slovakia, cho biết giá thép hiện đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá quặng sắt trong tháng 5/2021 đạt mức trên 200 USD/tấn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của Steel Union, ông Daniel Urban cho biết: “Giá thép ở Mỹ và Trung Quốc đang tăng vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu thô tăng mạnh. Giá quặng sắt đã tăng gấp đôi trong năm ngoái.

2045-giatheptang
Nguyên nhân khiến giá thép tăng gấp đôi trong vòng một năm (Ảnh minh họa)

Giá của các mặt hàng khác cũng tăng, từ đồng, nhựa cho đến lúa mì. Đây là kết quả của các biện pháp tài khóa và chính sách tiền tệ có quy mô lớn chưa từng có của các chính phủ và ngân hàng trung ương nhằm vực dậy các nền kinh tế bị đại dịch tàn phá”.

Theo ông Urban, giá nguyên liệu thô đang tăng do nhu cầu tiếp tục tăng ở Trung Quốc, quốc gia sản xuất hơn một nửa lượng thép trên thế giới. Điều này tác động đến giá nguyên liệu toàn cầu. Nhu cầu về quặng sắt đang tăng lên ở nhiều nơi khác như châu Á, châu Mỹ và châu Âu khi các khu vực này đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, các ngành tiêu thụ thép, bao gồm cả xây dựng đang bắt đầu phát triển.

Thực tế là giá cả cũng đang bị đẩy lên do năng lực sản xuất ở Liên minh châu Âu (EU) giảm hoặc nhiều cơ sở ngừng hoạt động do các biện pháp chống dịch COVID-19. Một phần sản xuất bị đình trệ, trong khi phần khác khởi động chậm hơn dự kiến. Do đó, thời gian giao hàng chậm hơn bình thường do nhu cầu bất ngờ phục hồi nhanh chóng.

Năm 2020, sản lượng thép thô của Cộng hòa Czech đã giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 4,3 triệu tấn. Theo Steel Union, tình hình nghiêm trọng vào mùa Xuân trong làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên, với mức giảm lên đến 25%. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm ngoái, nhu cầu tại các thị trường chủ chốt phục hồi và giá cả cũng như sản lượng đều tăng.

Trong khi đó, giá thép hôm nay (24/5), giá quặng sắt ở Australia đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại và thị phần của các công ty khai thác đang đạt mức cao mới trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ngày càng leo thang.

Tuần trước, giá quặng sắt kỳ hạn đã chạm mức cao kỷ lục 233,10 USD/tấn. Mặc dù giá mặt hàng này hiện đã ổn định trở lại, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình 160 USD/tấn vào đầu năm nay và gấp đôi mức cùng kỳ năm ngoái.

Sự gia tăng giá quặng sắt đã làm dấy lên lo ngại về đầu cơ thị trường đối với các quan chức Trung Quốc. Trước đó, vào đầu tháng 5, họ đã cắt giảm thuế đối với một số nguyên liệu đầu vào như một biện pháp hạ nhiệt giá sắt thép.

Dữ liệu thương mại cho thấy, Australia là quốc gia cung cấp 60% lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi đó, Trung Quốc chiếm đến 70% lượng quặng xuất khẩu của Australia.

Ngày 18/5, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, họ sẽ tiến hành điều tra hoạt động buôn bán quặng sắt, đồng thời khuyến khích thăm dò trong nước và phát triển các kênh nhập khẩu mới.

Giá thép trong nước vẫn tiếp tục tăng từng ngày và liên tục lập đỉnh mới khiến cho nhiều doanh nghiệp xây dựng lo lắng. Thậm chí, có doanh nghiệp còn cảm thấy "sốc" vì mới nhận thầu dự án và cho rằng giá thép đã lập đỉnh, không thể tăng thêm được nữa.

Trước diễn biến giá thép khá căng thẳng trong nước, nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng kiến nghị Nhà nước nên sớm vào cuộc, kiểm tra lại giá thành, xem doanh nghiệp thép có "bắt tay" đẩy giá, làm giá, gây thêm khó khăn cho nền kinh tế hay không.

Thu Uyên (Tổng hợp)