Không còn là công ty con của Vingroup, kế hoạch mở rộng thêm 160.000 m2 mặt sàn bán lẻ của Vincom Retail (VRE) sẽ ra sao?

Cập nhật: 09:45 | 22/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Theo VNDirect, tiềm lực tài chính của Vincom Retail đủ mạnh để nhà phát triển bất động sản bán lẻ hàng đầu Việt Nam thực hiện kế hoạch mở thêm 6 trung tâm thương mại với tổng diện tích mặt sàn lên tới khoảng 160.000 m2, bất chấp việc đã không còn sự hậu thuẫn của Vingroup với tư cách công ty mẹ.

Mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect đã ra báo cáo cập nhật hoạt động kinh doanh của Công ty CP Vincom Retail (HOSE: VRE), sau khi nhà phát triển bất động sản bán lẻ này không còn là công ty con của Công ty CP Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC).

Không còn là công ty con của Vingroup, kế hoạch mở rộng thêm 160.000 m2 mặt sàn bán lẻ của Vincom Retail (VRE) sẽ ra sao?
VNDirect đánh giá tiềm lực tài chính của Vincom Retail đủ mạnh để thực hiện kế hoạch mở rộng thêm 160.000 m2 mặt sàn bán lẻ

Cần biết, thương vụ thoái vốn của Vingroup diễn ra trong bối cảnh Vincom Retail vẫn đang kinh doanh hiệu quả, thậm chí vừa xác lập kỷ lục hoạt động trong năm 2023. Chưa kể, năm nay, Vincom Retail dự định sẽ khai trương thêm 6 trung tâm thương mại với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ lên tới 160.000 m2, với tham vọng duy trì vị thế là nhà phát triển bất động sản bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.

Về kế hoạch mở rộng của Vincom Retail, VNDirect đánh giá, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mẽ để đảm bảo việc triển khai. Cụ thể, tổng nợ vay tại thời điểm cuối năm 2023 ghi nhận ở mức 3.935,6 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn (chiếm 99,5%) với 3.915,7 tỷ đồng, nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng thị phần. Theo VNDirect, Vincom Retail vẫn đang sở hữu bảng cân đối lành mạnh với tỷ lệ sử dụng đòn bẩy thấp: tỷ lệ nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2023 là -0,03 lần. Doanh nghiệp này cũng duy trì vị thế tiền mặt và tương đương tiền cao hơn tổng nợ vay trong vòng 3 năm qua. Tỷ lệ bao phủ lãi vay trong năm 2023 đạt 17,7 lần, tăng 6,9 lần so với năm trước. So với một số nhà phát triển bất động sản bán lẻ đầu ngành khác trong khu vực, Vincom Retail đang là doanh nghiệp có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy thấp và khả năng thanh toán lãi vay vượt trội hơn.

Không còn là công ty con của Vingroup, kế hoạch mở rộng thêm 160.000 m2 mặt sàn bán lẻ của Vincom Retail (VRE) sẽ ra sao?
Vincom Retail đang sở hữu bảng cân đối lành mạnh

VNDirect phân tích, kế hoạch mở rộng sẽ tiếp tục đòi hỏi nhiều nguồn vốn trong những năm tiếp theo, có thể dẫn đến việc tăng nợ. Tuy nhiên, dựa trên tình hình tài chính lành mạnh và lịch sử quản lý thận trọng của doanh nghiệp, hãng chứng khoán này cho rằng, Vincom Retail sẽ không gặp khó khăn trong việc hoàn thành các nghĩa vụ nợ.

Không còn là công ty con của Vingroup, kế hoạch mở rộng thêm 160.000 m2 mặt sàn bán lẻ của Vincom Retail (VRE) sẽ ra sao?
Với tình hình tài chính lành mạnh và lịch sử quản lý thận trọng, Vincom Retail sẽ không gặp khó khăn trong việc hoàn thành các nghĩa vụ nợ

Bên cạnh đó, kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của Vincom Retail cũng được VNDirect đánh giá là phù hợp với xu hướng thị trường bất động sản. Về dài hạn, các nhà bán lẻ sẽ đòi hỏi không gian thuê tại “vị trí đắc địa ở khu vực ngoại thành” và thị trường bất động sản nhà ở phát triển ra ngoài khu vực trung tâm.

“Chúng tôi tin rằng, Vincom Retail đã chuẩn bị tốt cho xu hướng này với mô hình Vincom Mega Mall và Vincom Plaza, và sẽ có lợi thế mở rộng thị phần của mình”, VNDirect đánh giá.

VNDirect cũng chỉ ra một điều kiện thuận lợi nữa đối với Vincom Retail là xu hướng tăng trưởng ổn định của thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam trong giai đoạn 2024-2025, được thúc đẩy bởi nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ mạnh mẽ.

Hãng chứng khoán này dẫn số liệu cho hay, trong năm 2023, thị trường Hà Nội có thêm gần 90.000 m2 tổng diện tích mặt bằng bán lẻ mới, dẫn đến tổng diện tích cho thuê tăng lên 116 ha. Trong khi đó, thị trường TP. Hồ Chí Minh chứng kiến sự tăng thêm diện tích mặt bằng bán lẻ cho thuê khoảng 45.000 m2, nâng tổng diện tích tăng lên 114,2 ha.

Cả hai thị trường đều ghi nhận sức hấp thụ tốt, khi tỷ lệ lấp đầy tiếp tục phục hồi. Cụ thể, tại Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy trung bình trong năm 2023 đạt 97,1% trong khu vực trung tâm và nội thành, 86,5% tại khu vực ngoại thành. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, hai chỉ số này lần lượt là 93,8% và 90%. Nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế khiến giá thuê tiếp tục tăng.

Không còn là công ty con của Vingroup, kế hoạch mở rộng thêm 160.000 m2 mặt sàn bán lẻ của Vincom Retail (VRE) sẽ ra sao?
Nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Theo VNDirect, thị trường bất động sản bán lẻ của Việt Nam còn được hỗ trợ bởi 3 yếu tố: Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các thương hiệu thời trang cao cấp và ẩm thực quốc tế; Xu hướng mua sắm kết hợp giải trí; Quá trình đô thị hóa, mở rộng phát triển BĐS nhà ở ra ngoài khu vực trung tâm.

VNDirect cũng nói thêm, sự phục hồi của hoạt động tiêu dùng trong năm 2024-2025 sẽ trực tiếp làm tăng lượng khách đến các trung tâm thương mại của Vincom Retail, qua đó hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các khách thuê hiện tại. Điều này cũng có thể giúp thu hút khách hàng mới tham gia vào thị trường Việt Nam và Vincom Retail được đánh giá có những lợi thế cạnh tranh để thu hút các khách hàng này.

Như Kinhtechungkhoan.vn từng đưa tin, ngày 18/3/2024, “gã khổng lồ” Vingroup đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc bán phần vốn góp lên tới 100% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại SDI. Đây là đơn vị nắm giữ trên 99% vốn điều lệ của Công ty CP Kinh doanh Thương mại Sado - cổ đông lớn nhất của Vincom Retail.

Thương vụ thoái vốn của Vingroup diễn ra trong bối cảnh Vincom Retail vẫn đang kinh doanh hiệu quả, thậm chí vừa xác lập kỷ lục hoạt động trong năm 2023. Cụ thể, năm vừa qua, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Vincom Retail đều chứng kiến tăng trưởng hai chữ số so với năm trước. Trong đó, doanh thu tăng 33%, đạt 9.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 58,8%, đạt 4.409 tỷ đồng. Nhà phát triển bất động sản bán lẻ hàng đầu Việt Nam hiện sở hữu 83 trung tâm thương mại tọa lạc tại các vị trí trung tâm trên khắp 44 tỉnh thành. Năm qua, doanh nghiệp này đã đưa 11 thương hiệu quốc tế lớn lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như Lush, ADLV, Wulao... và 10 cửa hàng flagship với các mô hình khác biệt, độc đáo tại các TTTM Vincom như Nike Live, Pizza 4P's Premium, Aldo, Swarovski.

Về phía Vingroup, theo VNDirect, thương vụ thoái vốn nói trên dự kiến sẽ đem về cho Tập đoàn này 39,08 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 55% vốn điều lệ của SDI, tương đương số tiền 21,5 nghìn tỷ đồng dự kiến sẽ được hoàn tất chuyển nhượng trong tháng 3. Giao dịch của 45% còn lại, tương đương 17,58 nghìn tỷ đồng dự kiến sẽ được hoàn tất trong 6 tháng tiếp theo. Số tiền thu về sẽ được Vingroup sử dụng để đáp ứng nhu cầu vốn và thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn của Tập đoàn.

Khẳng định vị thế, Vincom Retail (VRE) áp đảo trong lĩnh vực cho thuê bán lẻ

Tính tới thời điểm hiện tại, VRE đang nắm giữ 83 trung tâm thương mại trải dài trên 45/63 tỉnh thành tại Việt Nam, doanh ...

Vincom Retail (VRE) không còn là công ty con của Vingroup (VIC)

Với việc thoái toàn bộ sở hữu tại SDI, Vingroup gián tiếp bán cổ phần và chỉ còn giữ 18,8% vốn tại Vincom Retail.

Bán Vincom Retail (VRE), Vingroup dự thu về bao nhiêu tiền?

Theo chứng khoán Vietcap, việc thoái vốn khỏi VRE sẽ đem lại cho Vingroup nguồn tiền kỷ lục.

Hà Lê