Bán Vincom Retail (VRE), Vingroup dự thu về bao nhiêu tiền?

Cập nhật: 07:05 | 20/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Theo chứng khoán Vietcap, việc thoái vốn khỏi VRE sẽ đem lại cho Vingroup nguồn tiền kỷ lục.

Ngày 17/3, HĐQT Vingroup (HOSE: VIC) đã ký thỏa thuận bán phần vốn góp lên tới 100% vốn điều lệ trong công ty SDI – đơn vị đang sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh Thương mại Sado, cổ đông lớn của Vincom Retail. Giao dịch dự kiến sẽ thực hiện từ tháng 3/2024 đến quý III/2024.

Sau khi giao dịch này hoàn tất, công ty SDI, công ty Sado và Vincom Retail không còn là công ty con của Tập đoàn Vingroup. Được biết, Sado đang là cổ đông lớn nhất của công ty này khi sở hữu 943,2 triệu cổ phiếu VRE, tương đương 40,5% vốn điều lệ và 41,51% quyền biểu quyết của công ty này.

Bán Vincom Retail (VRE), Vingroup dự thu về bao nhiêu tiền?
Vingroup thoái vốn khỏi Vincom Retail. Ảnh minh họa

Theo chia sẻ của lãnh đạo Vingroup, mục đích thoái vốn là nhằm tối ưu hóa việc phân bổ nguồn vốn của VIC, từ mảng kinh doanh đã đi vào giai đoạn ổn định sang mảng kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng cao, bên cạnh đó là bổ sung vốn cho các hoạt động của VIC bao gồm cả việc thanh toán nợ vay. Bên mua là một số nhà đầu tư trong nước am hiểu thị trường bán lẻ tiêu dùng và/hoặc thị trường bất động sản tại Việt Nam, Vietcap cho biết.

Hiện tại, VIC đang trực tiếp nắm giữ hơn 18% vốn của Vincom Retail. Trong bản tin mới đây của Chứng khoán Vietcap tiết lộ, giá chuyển nhượng 100% vốn của SDI sẽ rơi vào khoảng hơn 39.000 tỷ đồng. Mức giá này bao gồm số cổ phần sở hữu thực tế của SDI tại Vincom Retail, (tương đương định giá ở mức 32.000 đồng/cp). Mức giá này cao hơn 20% so với giá hiện tại trên sàn của VRE là 26.750 đồng/cp. VietCap cho rằng Vingroup dự kiến sẽ ghi nhận 21.500 tỷ đồng lãi trước thuế từ giao dịch kể trên. Vietcap ước tính VIC dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế 21,5 ngàn tỷ đồng từ giao dịch thoái vốn này. Đây là giao dịch bằng tiền và sẽ được ghi nhận vào bảng cân đối kế toán của VIC khi nhận tiền.

Theo Vietcap, sau khi thoái vốn, đối với các trung tâm thương mại (TTTM) đang hoạt động, VIC sẽ ký hợp đồng quản lý với VRE và thay mặt VRE quản lý hoạt động của các TTTM, quyền lợi của khách thuê, chủ gian hàng tại các TTTM vẫn được đảm bảo như đã cam kết theo hợp đồng đã ký.

Đối với các TTTM trong kế hoạch phát triển, các dự án đã được khởi công sẽ không có thay đổi về các điều khoản trong thỏa thuận. Còn các dự án trong kế hoạch phát triển khác sẽ được các bên liên quan thảo luận để đi đến điều khoản phù hợp.

Nhìn chung, Vietcap nhận định số tiền dự kiến thu được từ giao dịch thoái vốn này có thể giúp hỗ trợ VIC giải quyết nhu cầu vốn trong năm 2024. Công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng hoạt động của các TTTM hiện hữu của VRE và kế hoạch ra mắt TTTM trong giai đoạn 2024-2025 (đã bắt đầu xây dựng) sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sẽ cần thêm thời gian để đánh giá tác động đến kế hoạch phát triển TTTM trong dài hạn của VRE sau khi VIC thoái vốn..

Nhận định trên của Vietcap hoàn toàn có cơ sở khi Vincom Retail đang chiếm vị thế áp đảo trên thị trường cho thuê bán lẻ trên toàn quốc khi sở hữu 83 trung tâm thương mại trải dài trên 45/63 tỉnh thành tại Việt Nam.

Theo dữ liệu của Maybank IBG Research, tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích sàn (GFA) của Vincom Retail đạt 1,75 triệu m2, tương đương khoảng 6% tổng diện tích cho thuê bán lẻ trên cả nước. Tại các khu vực đô thị lớn, doanh nghiệp này đang sở hữu tới 16% thị phần diện tích cho thuê bán lẻ tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Xét về quy mô kinh doanh, doanh thu từ cho thuê mặt bằng bán lẻ của Vincom Retail đạt khoảng 7.700 tỷ đồng trong năm 2023. Quy mô này vượt xa các doanh nghiệp bất động sản bán lẻ khác tại Việt Nam. Đáng chú ý, phần lớn các bất động sản thuộc sở hữu của Vincom Retail đều có vị trí “đắc địa” nhờ chiến lược mua lại quỹ đất bán lẻ sớm hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam.

Bên cạnh lợi thế về quy mô, thị phần áp đảo, và kinh nghiệm hơn 18 năm trong việc vận hành trung tâm thương mại, các tổ chức tài chính đánh giá Vincom Retail còn có triển vọng mở rộng mạnh mẽ và lợi nhuận bền vững nhờ tận dụng hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup.

Theo đó, Vincom Retail có thể mua lại các quỹ đất lớn với chi phí thấp hơn nhờ vào chuyên môn của Công ty Cổ phần Vinhomes; tận dụng lượng khách hàng sẵn có từ cư dân Vinhomes; và tận dụng các dịch vụ giải trí của Công ty Cổ phần Vinpearl để thu hút thêm khách hàng đến các trung tâm thương mại.

Trên thị trường chứng khoán, bộ đôi VIC và VRE ghi nhận diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch 19/3. Theo đó, cổ phiếu VIC đóng cửa trong sắc xanh với đà tăng gần 2%. Ngược chiều, VRE bất ngờ giảm sâu mặc dù tăng trần trong phiên trước đó. Đáng chú ý, đà tăng của cổ phiếu VIC chủ yếu đến từ lực mua ròng của khối ngoại. Tính trong phiên 19/3, khối ngoại đã tung gần 200 tỷ đồng để mua cổ phiếu VIC.

VN-Index rơi vào thế "giằng co", dòng tiền cá mập "dậy sóng" tại nhóm thép

Diễn biến giao dịch ngày 19/03, dòng tiền cá mập tiếp tục tâm lý "kém sắc", VN-Index đón nhịp giảm nhẹ, thanh khoản thị trường ...

Khối ngoại bán ròng 6 phiên liên tiếp trên HoSE, tập trung tại quỹ "nhà" Dragon Capital

Kể từ ngày 12 đến 19/3, khối ngoại đã bán ròng 6 phiên liên tiếp trên HoSE. Trong phiên hôm nay (19/3), khối này tiếp ...

Chứng khoán KAFI triển khai kế hoạch tăng vốn lên 2.500 tỷ đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo đã nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông ...

Hoàng Thông

Tin liên quan