Giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT

Cập nhật: 15:15 | 01/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Tính đến hết tháng 4/2022, số người tham gia BHXH là 16,608 triệu người, đạt 86,6% kế hoạch, đạt 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 183,7 nghìn người so với tháng trước, tăng 60,8 nghìn người so với cuối năm 2021, tăng 521 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả phát triển người tham gia BHXH, BHYT

Về BHXH: Năm 2020, số người tham gia BHXH là 16, 189 triệu người. Trong đó

- Số người tham gia BHXH bắt buộc bắt buộc là 15,064 triệu người, giảm trên 153 ngàn người so với năm 2019.

- Số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 1.125 ngàn người, gấp đôi so với số tham gia năm 2019 và bằng khoảng 12 năm trước cộng lại, đạt 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra.

Năm 2021, số người tham gia BHXH là 16,546 triệu người. Trong đó:

- Số người tham gia BHXH bắt buộc là 15.097.007 người, đạt 101,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chiếm 30,81% lực lượng lao động trong độ tuổi.

- Số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.449.820 người, đạt 109% kế hoạch giao, chiếm 2,96% lược lượng lao động trong độ tuổi.

Tính đến hết tháng 4/2022, số người tham gia BHXH là 16,608 triệu người, đạt 86,6% kế hoạch, đạt 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 183,7 nghìn người so với tháng trước, tăng 60,8 nghìn người so với cuối năm 2021, tăng 521 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

- BHXH bắt buộc: 15,328 triệu người, đạt 90,7% kế hoạch, tăng 185,7 nghìn người so với tháng trước, tăng 231 nghìn người so với năm 2021, tăng 369 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

- BHXH tự nguyện: 1,279 triệu người, đạt 56,2% kế hoạch, giảm 1,9 nghìn người so với tháng trước, giảm 170,5 nghìn người so với năm 2021, tăng 152 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Về BHYT: Năm 2020, số người tham gia BHYT là gần 88,0 triệu người, tăng hơn 12,06 triệu người so với năm 2016, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90,85% dân số, vượt 0,15% so với chỉ tiêu BHYT của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg.

Năm 2021, số người tham gia BHYT là 88,837 triệu người, tăng 794 nghìn người (0,9%) so với năm 2020; đạt tỷ lệ khoảng 91,01% dân số tham gia BHYT, vượt 0,01% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/2021 của Chính phủ.

Tính đến hết tháng 4/2022, số người tham gia BHYT là 85,853 triệu người, đạt 93,6% kế hoạch, đạt tỷ lệ 86,8% dân số, tăng 508 nghìn người so với tháng trước, giảm 2,983 triệu người so với cuối năm 2021, giảm 1,448 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

1714-bhxh

Những nội dung mới về chính sách liên quan đến phát triển người tham gia BHXH, BHYT

Ngày 29/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 546/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025.

Ngày 19/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 69/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Như vậy, cho thấy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm đến chính sách BHXH, BHYT đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Ngành BHXH tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

* Về mức đóng thấp nhất của người tham gia BHXH tự nguyện

Mức đóng hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn ( từ năm 2022 1.500.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (năm 2022 là 29.800.000 đồng).

Mức đóng hàng tháng = Mức thu nhập lựa chọn x 22% - Mức hỗ trợ của nhà nước

(+ hỗ trợ của địa phương nếu có)

Trong đó: Mức thu nhập lựa chọn thấp nhất là 1.500.000 đồng, cao nhất 29.800.000 đồng

Khoảng cách giữa hai mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn là 50.000 đồng/tháng. (Mức thu nhập lựa chọn = mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tại thời điểm đóng + m (x) 50.000 đồng/ tháng.), m= Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.

Ví dụ: người tham gia có thể lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng thấp nhất là 1.500.000 đồng/tháng, 1.550.000 đồng/tháng, 1.600.000 đồng/tháng… đến cao nhất là 29.800.000 đồng/tháng.

* Về mức hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (từ năm 2022 là 1.500.000đ), cụ thể:

Stt

Đối tượng

Tỷ lệ hỗ trợ

Số tiền được hỗ trợ (đồng/tháng)

Mức đóng thấp nhất (đồng/tháng)

1

Hộ nghèo

30%

99.000

231.000

2

Hộ cận nghèo

25%

82.500

247.500

3

Đối tượng khác

10%

33.000

297.000

*Về Hộ gia đình tham gia BHYT

Theo quy định tại Luật cư trú: Hộ gia đình tham gia BHYT là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.

Lợi ích cơ bản của chính sách BHXH, BHYT

Đối với người sử dụng lao động (đơn vị, doanh nghiệp)

(1) Tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc phần trách nhiệm đóng của đơn vị, doanh nghiệp được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành để kê khai tính giảm trừ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp,…

Trường hợp người không thuộc đối tượng tham gia thì phần thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc của đơn vị, doanh nghiệp phải trả vào lương cho người lao động,…

(2) Quan tâm đầy đủ đến người lao động thì người lao động yên tâm làm việc, công tác nhằm tạo ra sản phẩm, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm, hàng hóa góp phần làm cho doanh nghiệp phát triển.

(3) Khi người lao động nghỉ thai sản, bị ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhất là tai nạn giao thông trên đường đi làm hoặc về trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý thì đã được quỹ BHXH chi trả. Người lao động nghỉ việc, thôi việc, chấm dứt HĐLĐ đã được quỹ BHTN chi trả trợ cấp thất nghiệp thay cho doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp mất việc làm,…

Đối với người lao động:

(1) Tham gia BHXH cũng như là khoản tiền tiết kiệm khi còn sức lao động, còn đang làm việc; tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc thuộc phần trách nhiệm đóng của người lao động được giảm trừ khi kê khai, tính, nộp thuế thu nhập cá nhân.

(2) Khi nghỉ việc sinh con, nghỉ ốm, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng các chế độ theo quy định; khi đang làm việc không may bị mất thì thân nhân được hưởng chế độ mai táng phí (có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên) và trợ cấp tuất.

(3) Tiền lương đã đóng BHXH khi giải quyết hưởng chế độ lương hưu được điều chỉnh tại thời điểm tính hưởng lương hưu theo mức lương cơ cở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

(4) Khi đủ điều kiện (tuổi đời, thời gian đóng) thì được hưởng lương hưu; được cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh theo chế độ BHYT; tiền lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Khi bị chết thì thân nhân được hưởng chế độ mai táng phí và tử tuất.

(5) Căn cứ khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 (sửa đổi, bổ sung Điều 22 Luật BHYT năm 2008), khoản 2 Điều 26 Luật BHYT năm 2008, khoản 5 Điều 12 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, quyền lợi của người tham gia BHYT:

- Được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào tháng đầu mỗi quý.

- Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

- Người tham gia BHYT được hưởng quỹ BHYT chi trả 80-95-100% chi phí khám chữa bệnh tùy theo nhóm đối tượng được quy định tại Luật BHYT.

- Người tham gia BHYT khi đi KCB đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên (thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước, trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng) và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện

- Được lựa chọn mức đóng theo điều kiện kinh tế của bản thân;

- Được hưởng lương hưu khi về già;

- Được cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh trong thời gian hưởng chế độ hưu trí;

- Lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng;

- Thời gian tham gia BHXH được cộng dồn để tính hưởng các chế độ BHXH;

- Người tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên và người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì thân nhân được hưởng mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở;

- Người đang đóng BHXH tự nguyện, người đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH và người đang hưởng lương hưu khi chẳng may qua đời thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất.

Mục tiêu và giải pháp

Mục tiêu

Năm 2022, BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu cho BHXH các tỉnh, thành phố phát triển người tham gia BHXH bắt buộc là 16.901.662 người tăng 2,1% so với năm 2021, BHXH tự nguyện là 2.277.652 người tăng 57,1% so với năm 2021, BHYT là 91.760.722 người tăng 3,3% so với năm 2021.

Giải pháp

Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT:

BHXH đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế đề xuất, sửa đổi, bổ sung về chế độ, chính sách. Về mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyên là rất thấp: BHXH Việt Nam đã có Công văn gửi các Bộ, Ngành liên quan đề xuất nâng mức hỗ trợ.

Về tổ chức thực hiện

a) Công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương

- Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tới cấp xã chỉ đạo, đôn đốc, lãnh đạo, giao nhiệm vụ, công việc cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đôn đốc, phát triển đối tượng tham gia theo các phương án, đề án và giải pháp phù hợp với từng xã.

- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, và một số nhóm đối tượng tham gia BHYT, người dân trước đây được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT, nay không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT (do thay đổi về chính sách như: đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người sống vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, …) để tăng nhanh diện bao phủ.

- Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành Nghị quyết và Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết theo từng năm về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần các Nghị quyết đã đề ra.

b) Đối với nhóm tham gia BHXH bắt buộc

- Rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, phân loại, lập danh sách đơn vị chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, bám sát, đôn đốc đơn vị lập danh sách tham gia cho người lao động đầy đủ. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức làm việc linh hoạt với đơn vị; lập Biên bản làm việc yêu cầu đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

- Tổ chức linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng BHXH, BHYT, BHTN không đầy đủ; doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên; doanh nghiệp năm 2021 có giảm tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN; kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN.

c) Đối với nhóm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình

- Rà soát, cập nhật, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT theo địa bàn cấp xã, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức, đại lý thu tổ chức hội nghị khách hàng (kế hoạch về số lượng hội nghị khách hàng) để tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia.

- Tổ chức linh hoạt các hình thức vận động theo nhóm nhỏ, các hội nghị khách hàng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng.

d) Đối với nhóm do Ngân sách nhà nước đóng BHYT

Phối hợp với cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện việc rà soát, đối chiếu danh sách người được ngân sách nhà nước đóng BHYT (người nghèo, bảo trợ xã hội, cựu chiến binh, tham gia kháng chiến, trẻ em....) nhưng chưa được cấp thẻ BHYT để lập danh sách cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời, không bỏ sót đối tượng theo quy định.

đ) Đối với nhóm học sinh, sinh viên

- Phối hợp với các nhà trường rà soát, vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

- Đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT, nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

e) Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức ủy quyền thu theo quy định mới ban hành:

- Triển khai phổ biến, tập huấn theo Quyết định số 1155/QĐ-BHXH ngày 12/05/2022 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành kèm theo Quy chế Quản lý hoạt động của tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT.

- Ký hợp đồng ủy quyền, đào tạo nhân viên thu, triển khai thực hiện phát triển người tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2022-2025.

- Phát triển mở rộng, bền vững hệ thống tổ chức dịch vụ thu.

- Tăng cường quản lý hệ thống mạng lưới tổ chức dịch vụ làm đại lý thu BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật.

g) Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHXH, BHYT, người dân đóng tiếp BHXH tự nguyện, gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công BHXH.

Hội nghị “Tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT, BHTN cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022”

Trong 02 ngày (từ ngày 31/5-01/6/2022), tại thành phố (TP) Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tập huấn kiến ...

Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT quý I/2022

Chiều 28/4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, BHXH Việt Nam tổ chức ...

BHXH Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tăng cường hợp tác trong lĩnh vực BHXH, BHYT

Ngày 21/4, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã tiếp và làm việc với bà Carolyn Turk- Giám đốc ...

Văn Toàn

Tags: BHXH BHYT