Giá cà phê hôm nay 10/11/2021: Giá cà phê có thể đã đạt đỉnh?

Cập nhật: 06:16 | 10/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Giá cà phê trên hai sàn phái sinh đã trở lại màu xanh, dù mức tăng trở lại không lớn. Theo tổ chức cà phê thế giới (ICO) nhận định, xuất khẩu cà phê toàn cầu niên vụ 2020-2021 ước đạt 128,93 triệu bao, tăng 1,23% so với 2019-2020 là 127,36 triệu bao.

Giá cà phê hôm nay 9/11/2021: Điều chỉnh giảm nhẹ

Giá cà phê hôm nay 8/11/2021: Xuất khẩu cà phê Việt có thể lập lại kỷ lục 3 tỷ USD?

Giá cà phê hôm nay 6/11/2021: Xu hướng sụt giảm rõ rệt

Đà tăng của thị trường chứng khoán, sự bấp bênh mà dịch bệnh Covid-19 mang lại đã thúc đẩy giới đầu cơ chuyển sang các loại tài sản an toàn hơn khiến dòng tiền càng rời xa các loại tài sản có tính nhạy cảm cao như nông sản, khiến giá cà phê liên tiếp giảm trong những ngày qua. Đồng nội tệ giảm cũng thúc đẩy người Brazil gia tăng bán phòng hộ khiến giá cà phê thế giới tiếp tục suy yếu.

Ghi nhận trước giờ đóng phiên giao dịch ngày (9/11), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 tiếp tục giảm nhẹ 11 USD (0,5%), giao dịch tại 2.170 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng giảm 9 USD (0,42%), giao dịch tại 2.122 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tiếp tục rất yếu.

1547-giacaphe1011
Giá cà phê hôm nay có thể lập đỉnh (Ảnh minh họa)

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York giảm. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 giảm 2,6 Cent (1,28%), giao dịch tại 200,95 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 cũng giảm 2,65 Cent (1,28%), giao dịch tại 203,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Dữ liệu báo cáo từ các nền kinh tế lớn của thế giới đã cho thấy dấu hiệu hồi phục sau nới lỏng giãn cách xã hội là chưa rõ ràng, nhất là khủng hoảng của chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Trong khi “bóng ma lạm phát” vẫn còn ám ảnh và thực sự trở thành mối lo chung khiến các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục xem xét để điều chỉnh các chính sách kích thích đã mạnh tay tung ra trước đó.

Theo giới thương nhân, giá cà phê kỳ hạn đang ở mức khá hấp dẫn nhưng giá “trừ lùi” (Dif.) rất cao vì chi phí logistics không hề nhỏ khiến hoạt động thương mại hàng thực kém phần sôi động.

Báo cáo của ICO cho thấy xuất khẩu cà phê niên vụ cũ kết thúc ngày 30/9/21 tăng 1,23% nhưng hầu hết các báo cáo tồn kho lại giảm. Riêng tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc sàn London giảm liên tục nhiều tháng. Ngược lại, hàng cà phê thành phẩm trên các kệ hàng tại siêu thị thiếu, nhưng tồn kho hàng thành phẩm của tất cả hàng hóa trong đó có cà phê rang xay và hòa tan lại dư. Từ nay cho đến cuối năm, hầu hết các siêu thị tại Âu Mỹ có chủ trương bán hàng khuyến mãi nhiều đợt để giải phóng hàng thành phẩm tồn đọng tại các kho lưu trữ.

Nhận định về hiện tượng trên, giới chuyên gia cho rằng, khủng hoảng chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu vừa qua không chỉ riêng chuyện thiếu container rỗng và chỗ trên tàu, mà còn có rất nhiều trục trặc tại các khâu, kênh phân phối. Nhìn theo cách di chuyển của hạt cà phê, có thể giải thích khủng hoảng chuỗi cung ứng là từ nông trại đến ly cà phê tiêu dùng, chứ không dừng tại một phân đoạn riêng rẽ nào.

Những yếu tố trên là lý do các chuyên gia cho rằng, có thể giá trên 2 sàn cà phê phái sinh đã chạm đỉnh trong đợt tăng này. Có thể sẽ còn những biến động trong thời gian tới nhưng ít có khả năng tăng mạnh như vừa qua.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê hôm qua (9/11) tại các vùng trồng trọng điểm giảm 200 - 300 đồng/kg. Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 39.600 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 40.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê được thu mua cùng mức 40.400 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 40.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 40.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.300 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.300 đồng/kg. Giá cà phê hôm nay (10/11) được cập nhật vào lúc 9h cùng ngày.

Chuyên gia Nguyễn Quang Bình cho biết, như vậy, có thể thấy rằng khủng hoảng chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu vừa qua không chỉ riêng chuyện thiếu containers rỗng và chỗ trên tàu, mà còn có rất nhiều trục trặc tại các khâu, kênh phân phối. Nhìn theo cách di chuyển của hạt cà phê, có thể giải thích khủng hoảng chuỗi cung ứng là từ nông trại đến ly cà phê tiêu dùng, chứ không dừng tại một phân đoạn riêng rẽ nào.

Vị chuyên gia này đánh giá, có thể đoán rằng giá trên 2 sàn cà phê đã chạm đỉnh trong đợt tăng này. Vậy liệu còn các đỉnh khác về sau? Ông Bình cho rằng có thể có, nhưng khả năng tăng không rực rỡ như đợt vừa qua.

Thu Uyên

Tin cũ hơn
Xem thêm