Doanh nghiệp bất động sản trên sàn UPCoM vừa ngừng kinh doanh vì hết tiền: Làm ăn bất ổn, bất ngờ với “thân thế khủng”

Cập nhật: 11:02 | 16/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội (PVR), một doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn UPCoM đã chính thức tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ ngày 15/11/2023 do không có kinh phí để duy trì hoạt động.

Doanh nghiệp bất động sản trên sàn UPCoM vừa ngừng kinh doanh vì hết tiền: Làm ăn bất ổn, bất ngờ với “thân thế khủng”
Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) là chủ đầu tư dự án Hanoi Time Tower tại Lô CT10 - CT11 KĐT Văn Phú, Hà Đông và Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên, Ba Vì

Liên quan đến việc cổ phiếu bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) duy trì hạn chế giao dịch, do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và tổ chức đăng ký giao dịch ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ 1 năm trở lên, mới đây, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR) đã có văn bản giải trình, tiết lộ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, PVR cho biết, ngày 31/10/2023, HĐQT doanh nghiệp này đã ban hành quyết định về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ ngày 15/11/2023 đến 14/11/2024. Nguyên nhân là do doanh nghiệp bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của Tòa án dẫn tới không có kinh phí hoạt động trong năm 2023 và dự kiến là cả năm 2024.

Trước đó, ngày 21/4/2023, nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 ghi nhận, ĐHĐCĐ đã đồng ý cho phép công ty ngừng hoạt động 12 tháng để có thời gian xem xét, tìm kiếm giải pháp, phương hướng tài chính để có thể hoạt động trở lại.

Về việc tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022, PVR đã đưa ra giải trình đối với 6 ý kiến ngoại trừ.

Cụ thể, tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2022, PVR chưa thu thập được báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư phát triển Bình An. PVR nhấn mạnh, doanh nghiệp đã liên hệ và đề nghị phía Bình An cung cấp báo cáo tài chính làm cơ sở cho việc trích lập dự phòng, tuy nhiên không được đáp ứng, do đó không có cơ sở để trích lập dự phòng cho khoản đầu tư.

Bên cạnh đó, PVR cũng chưa chưa kịp thu thập báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Việt Nam và Công ty CP Khách sạn Dầu khí Lam Kinh. Do đó, doanh nghiệp đã căn cứ vào cơ sở số liệu báo cáo tài chính lần lượt tại thời điểm 31/12/2019 và 31/12/2021 để trích lập dự phòng cho hai khoản đầu tư này. PVR cũng nói thêm, doanh nghiệp cam kết và chịu trách nhiệm trích lập dự phòng đầy đủ khi nhận được báo cáo tài chính của bên nhận đầu tư.

Liên quan đến ý kiến ngoại trừ đối với khoản mục hàng tồn kho, PVR cho biết, tại báo cáo tài chính năm 2022, doanh nghiệp chưa thể đánh giá được một cách chính xác hiệu quả đầu tư của dự án CT10-11 Văn Phú do các thông tin tính toán theo thị trường hiện tại chưa đầy đủ và có thể còn biến động nên không có căn cứ để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Đối với khoản công nợ phải thu và công nợ phải trả, các khoản đầu tư tài chính đã được PVR tích cực gửi công văn và thư xác nhận cho khác hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, do thời gian lập báo cáo sớm nên PVR chưa nhận được thư xác nhận đầy đủ đối với nhiều khoản công nợ. PVR khẳng định, doanh nghiệp sẽ sớm bổ sung và cung cấp cho kiểm toán viên, đồng thời cam kết việc ghi nhận các khoản công nợ phải thu, phải trả và các khoản đầu tư tài chính chưa có đối chiếu là đúng.

Đối với khoản công nợ được theo dõi trên khoản phải trả ngắn hạn khác liên quan đến dự án Văn Phú, theo các hợp đồng ký kết với khách hàng, đây là các khoản tiền nhận góp vốn theo tiến độ dự án. Khoản tiền này sẽ được chuyển thành khoản trả trước của người mua khi khách hàng đồng ý ký kết hợp đồng mua bán với công ty. Tuy nhiên, do hiện nay dự án đang bi chậm tiến độ, một số khách hàng muốn thu hồi lại khoản góp vốn này nên PVR chưa thực hiện xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với toàn bộ số tiền khách hàng thực hiện góp vốn vào dự án. PVR cho rằng, việc chưa thực hiện nghĩa vụ thuế liên quan là phù hợp với quy định của hợp đồng và pháp luật.

Cuối cùng, đối với dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên, ngày 20/7/2019, PVR đã nhận được văn bản của Sở Kế hoạch Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Hiện tại, công ty đang dừng mọi hoạt động liên quan dự án.

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm nay, PVR không có doanh thu. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận khoản lãi sau thuế 1,4 tỷ đồng đến từ việc hoàn nhập chi phí tài chính. Lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/9/2023 đạt gần 79 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, PVR tiền thân là Công ty CP Dầu khí Tản Viên, được thành lập 2006 với số vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Tham gia góp vốn vào doanh nghiệp này là những tên tuổi lớn trong ngành dầu khí: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Petrocons, UPCoM: PVX), Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam, Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Kỹ thuật dịch vụ Dầu khí, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank).

Được “chống lưng” bởi các "ông lớn", thời điểm mới thành lập, Dầu khí Tản Viên tập trung mục tiêu chính là phát triển dự án Hồ Suối Hai, Tản Viên, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) thành một khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Trải qua nhiều thăng trầm, đến năm 2018, doanh nghiệp chính đổi tên thành Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội.

Doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư của các dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên và Hanoi Time Tower tại Lô CT10 - CT11 KĐT Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Tuy nhiên, cả hai đều trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm. Trong đó, dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên đã bị thu hồi.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/11, cổ phiếu PVR đóng cửa ở mức 1.100 đồng, giảm 31% qua 1 năm.

Phát Đạt (PDR) muốn vay 3.200 tỷ đồng từ MB Bank để “bơm máu” cho bộ đôi “siêu dự án” tại Bình Dương

Phát Đạt sẽ triển khai hoạt động vay vốn thông qua hai công ty con, cũng là chủ đầu tư của hai dự án Thuận ...

Dự án “sống còn” của Novaland nhận quyết định quan trọng, cổ phiếu NVL được tiếp đà hồi phục

Quyết định giao đất của UBND tỉnh Đồng Nai là một bước thủ tục rất quan trọng để Novaland tiếp tục triển khai dự án ...

Bóng dáng “ông lớn” phía sau chủ đầu tư tổ hợp The Artemis Lê Trọng Tấn “tuyên chiến” với cư dân

Công ty CP Đầu tư MHL - chủ đầu tư tổ hợp The Artemis Lê Trọng Tấn dính vào chuỗi lùm xùm tranh cãi với ...

Hà Lê

Tin cũ hơn
Xem thêm