Điểm mặt doanh nghiệp từ lãi chuyển lỗ sau BCTC kiểm toán: DTL chưa biết lúc nào mới hết lỗ

Cập nhật: 17:16 | 17/06/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Trong mùa báo cáo tài chính sau kiểm toán 2018 rất nhiều các doanh nghiệp phải “thay đổi số phận” chuyển từ lãi sang lỗ. Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán DTL) năm 2018 từ lãi gần 5 tỷ đồng trước kiểm toán đã chuyển sang lỗ trên17 tỷ đồng sau kiểm toán và tình trạng lỗ này vẫn kéo sang Quý I/2019.  

Điểm mặt doanh nghiệp từ lãi chuyển lỗ sau BCTC kiểm toán: FDC lỗ chồng lỗ

HVG có thể bị phạt đến 30 triệu đồng khi chuyển từ lãi thành lỗ

Đại Thiên Lộc dự kiến phát hành hơn 30 triệu CP trả cổ tức theo tỷ lệ 50%

Doanh thu tăng nhưng vẫn lỗ

Lý giải về việc giảm lợi nhuận sau thuế lên đến gần 22 tỷ đồng, DTL cho biết khi thực hiện báo cáo soát xét năm báo cáo tài chính 2018, kiểm toán viên đã đưa ra một số bút toán điều chỉnh cho phù hợp với quy định. Điều này đã dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ trên 17 tỷ.

Năm 2018, doanh thu thuần của DTL đạt trên 3.458 tỷ đồng tăng 9,22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại giảm 108,5%. Nguyên nhân của tình trạng này là do giá thép đã giảm mạnh vào quý IV/2018, lượng hàng tồn kho khá cao, chênh lệch về giá nhập và giá bán đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của của DTL. Cụ thể chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng cao nhất và tăng mạnh thời gian qua, từ mức 1.975 tỷ lên 2.375 tỷ đồng. Là đơn vị chuyên sản xuất lá mạ kẽm (tôn kẽm), thép lá mạ màu (tôn màu), mạ hợp kim nhôm – kẽm (tôn lạnh), thép lá cán nguội, thép ống/hộp… Đại Thiên Lộc cùng chịu cảnh giá nguyên vật liệu tăng chung với những doanh nghiệp đầu ngành khác.

Về hoạt động tài chính, chi phí tài chính, bao gồm chi phí lãi vay sau kiểm toán tăng cũng là nguyên nhân góp phần làm sụt giảm lợi nhuận. Chưa kể, chi phí quản lý tăng mạnh, lợi nhuận thuần theo đó chuyển từ có lãi 29 tỷ sang thua lỗ 11 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản Công ty 2.826 tỷ, bao gồm 1.973 tỷ ngắn hạn (chủ yếu tập trung tại khoản mục hàng tồn kho với 1.601 tỷ) và tài sản dài hạn là 853,5 tỷ đồng. Tổng nợ Công ty ở mức 1.696 tỷ đồng, áp lực nợ vay khá lớn với hơn 1.276 tỷ vay ngắn hạn và hơn 48 tỷ nợ vay dài hạn.

DTL muốn bán tài sản do ngành thép suy yếu?

Quý I/2019, DTL đạt doanh thu thuần hợp nhất hơn 647 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, đấy chưa phải là điều buồn nhất đối với cổ đông của doanh nghiệp này vì DTL báo lỗ ròng gần 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng gần 37 tỷ đồng. Đây là kết quả khó tránh khỏi khi biên lãi gộp trong quý I/2019 của DTL co lại chỉ còn 4.6% (cùng kỳ là 10.7%). Cùng với đó, các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng cao hơn lần lượt 67%, 28% và 1.5% so với quý 1/2018. Như vậy, DTL đành ngậm ngùi báo lỗ thuần gần 12 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và phải gánh thêm khoản chi phí khác xấp xỉ 14 tỷ đồng. Để tài trợ cho các khoản mục tài sản tăng thêm, DTL chiếm dụng được nhiều vốn hơn từ người bán. Vào thời điểm 31/03/2019, phải trả người bán ngắn hạn ghi nhận mức hơn 532 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm. Bên cạnh đó, vay và nợ thuê tài chính của Công ty cũng tăng gần trăm tỷ lên con số 141.5 tỷ đồng.

Một nội dung đáng chú ý trong năm 2019 của DTL là, do nguồn vốn chủ sở hữu bị hạn chế nên Công ty sẽ tạm ngưng thực hiện việc đầu tư dây chuyền sản xuất thép không gỉ (inox) như ĐHĐCĐ thường niên 2018 đã thông qua. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, HĐQT sẽ xin ý kiến các cổ đông ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm đối tác cung cấp dây chuyền, thiết bị sản xuất thép lá đen cán nguội dùng để tráng thiếc (TMBP) và dây chuyền mạ thiếc công suất 200.000 tấn/năm với giá trị đầu tư khoản 10 triệu USD.

Công ty CP Đại Thiên Lộc gia nhập thị trường thép từ ngày 11/7/2001, với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thép Đại Thiên Lộc. Thời điểm này, vốn điều lệ của công ty là 6 tỷ đồng; cơ sở nhà, xưởng khoảng 1.000m2. Sau hơn 17 năm hình thành và phát triển, Công ty CP Đại Thiên Lộc, được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mã chứng khoán DTL, tổng vốn điều lệ trên 614 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 911 tỷ đồng. Công ty CP Đại Thiên Lộc đã từng là 1 trong TOP 5 thương hiệu hàng đầu chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm về tôn, thép mạ của Việt Nam và từng bước chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu về tôn, thép tại nhiều nước thuộc khối ASEAN, Tây Á, Bắc Á, Bắc Âu, Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ.

Anh Khang

Tin cũ hơn
Xem thêm