Đằng sau đà bán tháo của hàng loạt cổ phiếu bất động sản...

Cập nhật: 17:08 | 14/04/2023 Theo dõi KTCK trên

Phiên giao dịch cuối tuần, hàng loạt cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh và giảm sâu, thậm chí nằm sàn “trắng bên mua”, vậy đâu là lý do chính?

Dù phần lớn thời gian của phiên sáng ngày 14/4 giao dịch trong biên độ hẹp trên mốc tham chiếu, nhưng áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường trở lại kịch bản cũ, chỉ số VN-Index quay đầu điều chỉnh với sắc đỏ chiếm ưu thế hơn trên bảng điện tử. Tuy nhiên, điểm tích cực vẫn là lực cầu khá tốt đã giúp chỉ số chung không giảm quá sâu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngay 14/4, VN-Index giảm 11,41 điểm (-1,07%), xuống 1.052,89 điểm với 95 mã tăng, trong khi có tới 303 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 671,5 triệu đơn vị, giá trị 11.351,6 tỷ đồng, cùng tăng hơn 17% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,05 triệu đơn vị, giá trị 1.342,17 tỷ đồng.

Đằng sau đà bán tháo của hàng loạt cổ phiếu bất động sản...

Nhóm VN30 chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh là HPG tăng 1%, VRE tăng 0,7% và VCB tăng nhẹ 0,2%, cùng 3 mã là ACB, FPT và TPB đứng giá tham chiếu, trong khi có tới 24 mã giảm. Ở chiều ngược lại, hầu hết các cổ phiếu đều giảm hơn 1%, trong đó cổ phiếu ngân hàng TCB vẫn là mã dẫn đầu khi để mất 4,3%, xuống mức giá thấp nhất trong ngày 28.900 đồng/CP; các mã giảm sâu khác như PDR giảm 4,3%, GVR giảm 4,1%...

Trong phiên, hàng loạt cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh và giảm sâu, thậm chí sàn “trắng bên mua”. Cụ thể, cổ phiếu KBC – đại diện nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng giảm hết biên độ xuống mức 24.650 đồng/cp, mã DIG cũng giảm hết biên độ 6,9% xuống 16.200 đồng/cp, trắng bên mua. Chung tình cảnh có HDC, TDC, NHA đóng cửa trong mức giá “xanh lơ”, DXG và NLG cũng giảm sàn, lần lượt còn 12.750 đồng/cp và 29.600 đồng/cp.

LDG, NBB, PDR, HPX, CII, NVL… cũng đồng loạt chìm sâu trong sắc đỏ, hầu hết đều tại mức giá thấp nhất ghi nhận trong phiên. Những trụ lớn như VIC giảm 0,2%, VHM giảm 1%... Trên sàn HNX, CEO cũng giảm 7,2% xuống 23.100 đồng/cp, IDJ cũng mất 6,8% trong phiên hôm nay, rơi xuống mức 11.000 đồng/cp…

Có nhiều nguyên nhân khiến nhóm bất động sản bị bán mạnh trong phiên cuối tuần.

Thứ nhất, cổ phiếu bất động sản vừa có đợt tăng nóng sau hàng loạt thông tin tích cực như Nghị định 10 của Chính phủ được ban hành giúp tháo gỡ những nút thắt hành chính cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ thị trường BĐS hay Quyết định 388 về đề án phát triển nhà ở xã hội hay việc Phó Thủ tướng yêu cầu lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland.

Liều “dopping” này đẩy giá của hàng loạt mã bất động sản như NVL, NLG, PDR, KDH, TDC,… bứt phá. Nhiều cổ phiếu đạt mức tăng hai chữ số phần trăm chỉ trong chưa đầy 1 tháng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời nhanh chóng xuất hiện sau nhịp hồi phục có thể là nguyên nhân khiến đà tăng bị ngắt quãng và thị giá nhanh chóng quay đầu giảm sâu.

Thứ hai, dù hàng loạt chính sách đã được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, song hiệu quả thực tế triển khai vẫn cần kiểm chứng thêm. Bối cảnh hiện tại vẫn còn nhiều vướng mắc và không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”.

Trong một báo cáo gần đây, VNDirect cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường BĐS liệu có thể được “rã đông” khi thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngõ và nhiều điểm nghẽn về pháp lý vẫn chưa được giải quyết triệt để. VNDirect khẳng định rằng các chính sách ban hành như trên có thể tháo gỡ một phần nút thắt, tuy nhiên cần những giải pháp đồng bộ hơn về cả quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để thị trường bất động sản phục hồi.

Thứ ba, ở khía cạnh khác, bối cảnh thị trường chung không còn quá hấp dẫn. Định giá thị trường cũng không còn thực sự rẻ với P/E của VN-Index vào khoảng 12,x lần và có thể còn đắt hơn nữa sau mùa báo cáo tài chính quý 1/2023 tới đây.

Theo ước tính của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận sau thuế quý đầu năm có thể tăng trưởng âm 17% so với cùng kỳ, dựa trên kịch bản dự báo cơ sở về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp mang tính đại diện cho các nhóm ngành mà đội ngũ phân tích lựa chọn. Trong đó, tăng trưởng quý 1 chủ yếu bị kéo giảm bởi một số cổ phiếu trong ngành bất động sản và hàng tiêu dùng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu LNST cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận của ngành ngân hàng được kỳ vọng đi ngang.

Tuy vậy, nếu xét trong tương quan với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Trong một chia sẻ gần đây, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất cho vay… sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Khối ngoại tiếp đà bán ròng hơn 200 tỷ đồng phiên 14/4, tâm điểm STB cùng VND

Phiên giao dịch ngày 14/4, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 200 tỷ đồng trong phiên giảm khá mạn , trong đó cặp đôi ...

Chứng khoán phiên chiều 14/4: Bán mạnh cuối phiên, VN-Index giảm hơn 11 điểm

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch chiều ngày 14/4 chứng kiến đà bán tháo lớn dần về cuối phiên, kéo chỉ số chính VN-Index ...

Điểm lại các giao dịch cổ phiếu đáng chú ý ngày 14/4/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam điểm lại và gửi đến quý độc giả tin tức về các giao dịch cổ ...

Nguyên Nam

Tin liên quan