CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG: Lãnh đạo chủ chốt đua nhau "xả hàng"

Cập nhật: 10:11 | 26/08/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Chưa đầy 3 tháng cổ phiếu tăng hơn 8 lần, lãnh đạo chủ chốt đồng loạt đăng ký bán số cổ phiếu đang nắm giữ. Đây là thực tế tại công CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG – mã chứng khoán SIP.

Ngày 06/6, SIP chính thức đưa 69 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên UPCoM với giá tham chiếu 17.200 đồng/CP. Chào sàn trong bối cảnh thị trường diễn biến không thuận lợi, nhưng SIP đã tăng hết biên độ (40%) trong lần khớp lệnh đầu tiên lên 24.000 đồng/cổ phiếu, với vỏn vẹn 100 cổ phiếu được bán ra.

ctcp dau tu sai gon vrg lanh dao chu chot dua nhau xa hang
Ảnh minh họa

Sau phiên tăng kịch trần này, không ít nhà đầu tư dự báo SIP phải điều chỉnh ở những phiên kế tiếp theo xu hướng chung của thị trường. Thế nhưng, SIP vẫn tiếp tục được đẩy lên trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư. Đến phiên giao dịch ngày 19-8, SIP tăng chạm mốc 140.000 đồng/cổ phiếu, tăng 8,2 lần so với giá tham chiếu trong ngày chào sàn hơn 2 tháng trước đó.

Ngay trong thời điểm SIP tăng gần chạm mốc 100.000 đồng/CP, gần như toàn bộ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp đồng loạt đăng ký bán số cổ phiếu đang nắm giữ. Cụ thể, ông Phạm Văn Đông, Ủy viên HĐQT (56.000 cổ phiếu); ông Trần Như Hùng, Phó Tổng giám đốc (400.000 cổ phiếu); ông Lư Thanh Nhã, Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng (1 triệu cổ phiếu); ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (450.000 cổ phiếu); ông Trần Ngọc Nhân, Phó Tổng giám đốc (177.900 cổ phiếu); bà Bạch Vân Nhạn, Ủy viên HĐQT (20.000 cổ phiếu); ông Nguyễn Trường Khôi, Phó Tổng giám đốc (40.000 cổ phiếu).

Đáng chú ý, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc đăng ký bán 14,3 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 22,15% xuống chỉ còn 1,37%. Dù lý do đăng ký bán của lãnh đạo SIP là “giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân”, nhưng theo nhận định của giới đầu tư, mục đích chính của việc bán ra để chốt lời khi SIP tăng quá nóng. Đơn cử, trường hợp ông Tùng, nếu bán hết số cổ phần này sẽ thu về xấp xỉ 1.800 tỷ đồng.

Dù lãnh đạo chủ chốt đăng ký bán ra, nhưng SIP vẫn không bị tác động tiêu cực, thậm chí còn tăng cao hơn. Diễn biến này khiến giới đầu tư có thêm lý do nghi ngờ, bởi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đang có dấu hiệu đi xuống sau thời gian dài duy trì đà tăng trưởng nóng.

Cụ thể, liên tục trong những năm gần đây, SIP ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân trên 20%/năm. Năm 2018, doanh thu thuần đạt 3.239 tỷ đồng (tăng 26%); lợi nhuận sau thuế 249 tỷ đồng (tăng 34%), tương ứng EPS 3.600 đồng/cổ phiếu và cổ tức 18%.

Tuy nhiên, SIP lại bất ngờ hạ thấp chỉ tiêu kinh doanh năm 2019 với doanh thu 3.000 đồng (giảm 7%), lợi nhuận 200 tỷ đồng (giảm 19%).

SIP (thành lập năm 2007) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR). Hiện tại, vốn cổ phần của SIP đạt 690,5 tỷ đồng, trong đó 81,32% cổ phần nằm trong tay cổ đông lớn, gồm GVR nắm 13,53% cổ phần, CTCP KCN Nam Tân Uyên (NTC) 9,02% cổ phần, CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị An Lộc 10,67% cổ phần. SIP hiện đang sở hữu 4 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích thương mại lên đến 2.280ha. Lợi thế của SIP là các dự án tập trung tại những khu vực trọng điểm phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh. Các dự án KCN này đều được đầu tư trên 10 năm với giá cho thuê tương đối cao so với mặt bằng ngành.

Anh Khang T/h