Chứng khoán Sen Vàng chia tay hàng loạt cổ đông lớn, hé lộ quá khứ liên quan Tân Hoàng Minh

Cập nhật: 14:20 | 03/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Khi mới thành lập Chứng khoán Sen Vàng gồm có 9 cổ đông với những tên tuổi có tiếng trong làng kinh doanh tại Việt Nam.

Báo cáo giao dịch mới đây tại Công ty CP Chứng khoán Sen Vàng (GLS), 4 cổ đông lớn vừa đồng loạt thoái sạch cổ phiếu đang nắm giữ chỉ trong cùng một ngày. Cụ thể, ngày 29/12/2023, cổ đông lớn Trần Phương thoái sạch 1,32 triệu cổ phiếu GLS nắm giữ (tỷ lệ 9,81%); 2 cổ đông lớn khác là Nguyễn Anh Dũng và Phùng Thị Cẩm Nhung cùng thoái hơn 1,37 triệu cổ phiếu, cùng tỷ lệ 10,18%. Còn cổ đông lớn Nguyễn Thùy Quyên thoái hết hơn 1 triệu cổ phiếu, tương đương 7,53%. Sau giao dịch, 4 cá nhân này không còn là cổ đông của Công ty.

Chứng khoán Sen Vàng chia tay hàng loạt cổ đông lớn, hé lộ quá khứ liên quan Tân Hoàng Minh
Không chỉ biến động về cơ cấu cổ đông lớn, bộ máy lãnh đạo của công ty cũng có sự xáo trộn

Trước đó, ngày 25/12/2023, ông Chu Tuấn An - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đăng ký bán thỏa thuận hơn 1 triệu cổ phiếu GLS từ ngày 29/12/2023-20/01/2024, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch thành công, vị này chỉ còn nắm 600 nghìn cổ phiếu GLS, tỷ lệ hơn 4,4%.

Chiều ngược lại, Chủ tịch HĐQT Công ty - ông Cao Tấn Thành đăng ký mua thỏa thuận hơn 6,1 triệu cổ phiếu GLS trong cùng thời gian giao dịch của ông An, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Dự kiến sau giao dịch, số lượng ông Thành nắm giữ hơn 7,48 triệu cổ phiếu GLS (hơn 55,4%).

Số cổ phiếu mà 4 cổ đông lớn thoái vốn cùng số cổ phiếu ông An đăng ký bán đúng bằng số lượng cổ phiếu Chủ tịch Cao Tấn Thành muốn mua. Ông Thành và ông An đều đăng ký thực hiện giao dịch qua thỏa thuận. Do đó, không loại trừ khả năng tất cả giao dịch bán nói trên (giao dịch của ông An chưa có kết quả) được thực hiện thông qua hình thức thỏa thuận với bên mua là ông Thành.

Không chỉ biến động về cơ cấu cổ đông lớn, mới đây ba thành viên HĐQT Chứng khoán Sen Vàng cũng đã đệ đơn từ nhiệm với lý do công việc cá nhân. Cụ thể, ngày 13/12/2023, hai thành viên HĐQT Chứng khoán Sen Vàng (GLS) là ông Nguyễn Mạnh Linh và ông Trần Văn Chiến đồng thời nộp đơn từ nhiệm với lý do công việc cá nhân.

Ông Nguyễn Mạnh Linh từng giữ chức danh Quyền Tổng Giám đốc GLS. Ông được miễn nhiệm vị trí này vào cuối tháng 10. Thay vào đó, ông Chu Tuấn An được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc và người đại diện phát luật.

Còn ông Trần Văn Chiến giữ chức Phó Tổng Giám đốc.

Trước đó, ngày 06/11, Chủ tịch HĐQT GLS là ông Vũ Đình Hưng cũng có đơn từ nhiệm với lý do tương tự. Ông Hưng được bổ nhiệm từ tháng 11/2021.

Chân dung Chứng khoán Sen Vàng

Theo tìm hiểu, Công ty CP Chứng khoán Sen Vàng được thành lập và hoạt động từ năm 2007. Khi thành lập, Chứng khoán Sen Vàng gồm 9 cổ đông với những tên tuổi có tiếng như: Công ty CP Xây dựng & Địa ốc Hòa Bình (HBC), Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), Công ty CP Đồng Tâm Miền Trung (DongTam Corporation), Công ty CP Ngoại Thương & Phát triển Đầu tư TP.HCM (FDC), Công ty CP Vạn Phát Hưng (VPH), Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Số 1 (FICO), Công ty CP Nhà Việt Nam (Vietnam House), công ty TNHH Phú Mỹ Thuận (PhuMyThuan Co Ltd.) và Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB - đã được sáp nhập vào Ngân hàng BIDV).

Trong đó, HBC là cổ đông lớn nhất tại Chứng khoán Sen Vàng với tỷ lệ sở hữu 42,5% vốn. Bên cạnh đó, các cá nhân có liên quan đến Hòa Bình là 2 con trai của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Hòa Bình cũng sở hữu vốn tại GLS, cụ thể ông Lê Viết Hòa sở hữu 22,49% và ông Lê Viết Hiếu (9,29%).

Tuy nhiên, đến tháng 11/2021, nhóm cổ đông lớn Hòa Bình đã thực hiện các giao dịch thoái hết vốn khỏi Chứng khoán Sen Vàng. Cụ thể, vào ngày 26/11/2021, Hoà Bình đã chuyển nhượng toàn bộ 42,5% vốn, tương đương 5,74 triệu cổ phiếu GLS, cho 4 cổ đông cá nhân khác gồm: Nguyễn Khoa Đức (10,18%), Phùng Thị Cẩm Nhung (10,18%), Cao Tấn Thành (10,18%) và Chu Tuấn An (11,97%).

Cùng ngày, các cá nhân có liên quan đến Hòa Bình là ông Lê Viết Hòa và ông Lê Viết Hiếu cũng chuyển nhượng hết số cổ phần nắm giữ tại Chứng khoán Sen Vàng. Trong đó, ông Lê Viết Hòa chuyển nhượng 3,04 triệu cổ phiếu GLS cho 3 cổ đông là Nguyễn Anh Dũng (10,18%), Lê Thị Mơ (7,31%) và Vũ Đình Hưng (5%); còn ông Lê Viết Hiếu chuyển nhượng 1,254 triệu cổ phiếu GLS cho cá nhân tên là Trần Phương (9,29%).

Chứng khoán Sen Vàng chia tay hàng loạt cổ đông lớn, hé lộ quá khứ liên quan Tân Hoàng Minh
HBC của ông Lê Viết Hải từng là cổ đông lớn nhất tại Chứng khoán Sen Vàng với tỷ lệ sở hữu 42,5% vốn

Trước khi màn "đổi chủ" được diễn ra, ban lãnh đạo Chứng khoán Sen Vàng cũng có sự thay đổi. Cụ thể, ông Vũ Đình Hưng được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Chu Tuấn An giữu chức Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng ban Kiểm soát.

Đáng chú ý, các lãnh đạo cấp cao này đều ít nhiều liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ví dụ như Tổng giám đốc, ông Chu Tuấn An hiện là Phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng từng công tác tại Công ty CP Đầu tư & Dịch vụ Khách sạn Soleil, một thành viên của Tân Hoàng Minh.

Một số cổ đông mới tại Chứng khoán Sen Vàng, đơn cử ông Nguyễn Khoa Đức là người đại diện pháp luật Công ty CP Cung điện Mùa Đông, công ty con của Tân Hoàng Minh.

Đầu tháng 2/2022, thông tin về việc Tân Hoàng Minh tham gia vào mảng kinh doanh chứng khoán với thành viên mới là Công ty Chứng khoán Tân Hoàng Minh gây chú ý của dư luận.

Tuy nhiên, trên thực tế, không bất cứ dòng thông báo nào trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc cho phép thành lập Công ty Chứng khoán mang tên Tân Hoàng Minh.

Cũng như không có thông tin chính thức nào liên quan đến việc chấp thuận đổi tên một công ty chứng khoán nào khác thành Chứng khoán Tân Hoàng Minh. Thậm chí, ngay trên website của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng không có thông tin nào về việc này.

Chia sẻ với báo giới, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh khẳng định thông tin ngày 10/2/2022 công ty Chứng khoán Tân Hoàng Minh ra mắt thị trường là thông tin chưa chính xác. "Bức ảnh giới thiệu đang được đăng tải trên mạng là do sai sót của bộ phận phụ trách lĩnh vực này dẫn đến thông tin bị hiểu lầm", đại diện Tân Hoàng Minh cho biết.

Và kể từ sau "đại án" Tân Hoàng Minh nổ ra từ tháng 4/2022, các hoạt động của GLS lại tiếp tục mờ nhạt. Tới nay, Công ty chưa có thêm hoạt động nổi bật nào. Nửa đầu năm 2023, GLS lỗ ròng hơn 6 tỷ đồng. Cuối quý 2, tổng tài sản của Công ty chỉ gần 74 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 74 tỷ đồng thâm vào vốn điều lệ (135 tỷ đồng).

Chứng khoán phiên 3/1: Có thể điều chỉnh trở lại

Thị trường chứng khoán kết phiên giao dịch đầu năm 2024 tăng nhẹ, tuy nhiên theo SSV, đà lan tỏa tăng khá thấp khi có ...

Thị trường chứng khoán ngày 3/1/2024: Thông tin trước giờ mở cửa

Bứt phá bất thành, VN-Index "xanh vỏ đỏ lòng" ngày đầu năm; Thủy điện Hủa Na là doanh nghiệp đầu tiên lên HOSE năm 2024; ...

VN-Index hụt hơi, cổ phiếu chứng khoán VIX chịu tác động xấu

Trong phiên giao dịch đầu năm mới 2024, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Gelex bất ngờ giảm mạnh với thanh khoản lớn.

Nguyên Nam

Tin liên quan