Chứng khoán phiên sáng 7/10: Nhóm dầu khí bị chốt lời, VN-Index giằng co trên ngưỡng 1.360 điểm

Cập nhật: 11:21 | 07/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Sau 2 phiên hồi phục mạnh, thị trường chứng khoán trong nước diễn biến giằng co ngay khi mở cửa phiên sáng 7/10. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn hạ nhiệt đã khiến VN-Index không thể bứt lên và chỉ lình xình đi ngang trên ngưỡng 1.360 điểm.

Tiếp nối xu hướng hồi phục từ phiên trước, thị trường mở cửa trong sắc xanh với nhịp tăng hơn 4 điểm. Tuy nhiên đà tăng nhanh chóng bị thu hẹp do áp lực điều chỉnh từ nhiều nhóm ngành, đặc biệt là cổ phiếu nhóm nước & khí đốt.

Nhóm dầu khí gặp phải áp lực chốt lời ngắn hạn ngay đầu phiên sáng, riêng nhóm này lấy đi hơn 1 điểm của VN-Index và là ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số. Đại diện cho nhóm này là GAS hiện đang giảm hơn 2%, chấm dứt chuỗi tăng điểm 7 phiên trước đó trước áp lực chốt lời mạnh. Ở mức giá hiện tại, GAS cũng giao dịch ở vùng giá cao nhất kể từ tháng 4/2018.

Cổ phiếu ngành chứng khoán đa số đều giảm, trừ TVS và TVB duy trì sắc xanh. Ông lớn SSI vừa công bố kết quả ước quý 3 với con số lãi khủng nhưng vẫn chưa thể giúp cổ phiếu tăng cao. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này đang phát tín hiệu tích cực khi có dấu hiệu hồi trở lại.

Nhóm điện, bia & đồ uống, bản lẻ, bảo hiểm,... cũng không nằm ngoài diễn biến điều chỉnh.

2131-phien-sang-710

Đóng vai trò nâng đỡ lại là nhóm cổ phiếu của các nhà băng. Sau một phiên đỏ nhẹ, cổ phiếu 'vua' đang muốn lấy lại phong độ để ủng hộ quá trình tiến bước của chỉ số. Tuy nhiên, xu hướng phân hóa vẫn hiện hữu với các mã tăng là nhiều ngân hàng nhỏ như EVF, KLB, PGB, BVB,... Chiều ngược lại, STB, LPB, EIB, TPB... đang giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu.

Những phút tiếp theo, VN-Index vẫn duy trì biến động trong biên độ hẹp, dù có thời điểm chỉ số có nhịp nhúng dưới ngưỡng tham chiếu.

Các nhóm ảnh hưởng tích cực nhất lên thị trường có VPB, MSB, CTG, HPG, GVR trong khi GAS và VHM đang là hai lực cản lớn nhất của VN-Index. Theo quan sát, nhóm phân bón diễn biến khởi sắc với loạt mã tăng mạnh như DCM, LAS, DPM, SFG và BFC.

Nhóm cổ phiếu cảng biển và vận tải biển cũng đồng loạt tăng giá, trong đó, GMD tăng 2,8% lên 49.350 đồng/cp, HAH tăng 2,1% lên 63.900 đồng/cp, VNA tăng 2% lên 40.700 đồng/cp.

Tính đến thời điểm 11h10’, VN-Index tăng nhẹ 1,75 điểm (0,13%) lên 1.364,57 điểm; VN30 tăng 2,49 điểm (0,17%) lên 1.464,21 điểm; HNX-Index tăng 2,68 điểm (0,73%) lên 371,13 điểm; UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (0,2%) lên 97,57 điểm.

Về cuối phiên sáng, cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt trong phiên sáng nay, tuy nhiên xu hướng phân hóa vẫn bao trùm với các mã tăng như EVF, BVB, PGB, KLB, MBB, ABB, NAB, CTG và TCB. Trong khi đó, các mã còn lại giao dịch dưới mốc tham chiếu hoặc đứng im không đổi.

Tương tự, cổ phiếu nhóm phân bón cũng vươn lên ủng hộ diễn tiến của thị trường. Loạt mã tăng mạnh trên 2% như DCM, LAS, DPM, SFG.

Tại nhóm vốn hóa lớn, các mã tác động tích cực nhất đến VN-Index có VPB, GVR, SSI. CTG. Tuy nhiên, cổ phiếu trong rổ VN30 vẫn trong kịch bản "xanh vỏ, đỏ lòng" khi số mã giảm giá vẫn chiếm ưu thế với 20 mã giảm, 9 mã tăng giá và 1 mã đứng giá tham chiếu.

Trong phiên sáng nay, cổ phiếu bất động sản tiếp tục hút tiền mạnh mẽ, điển hình là các mã vốn hóa trung bình và nhỏ như HQC, HDC, AGG, DXG, ITA, LDG, SCR, QCG... Trong khi đó họ Vingroup gồm VRE và VHM chịu áp lực điều chỉnh với tỷ lệ giảm lần lượt là 0,5% và 0,7%.

Thanh khoản thị trường phiên sáng nay có phần cải thiện hơn so với sáng hôm qua. Tổng khối lượng giao dịch trong phiên đạt hơn 541,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị đạt trên 14.100 tỷ đồng. Ghi nhận trong phiên sáng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 360 tỷ đồng với áp lực xả mạnh nhất tiếp tục đặt lên cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với gần 127 tỷ đồng.

Tạm dừng phiên sáng, trên sàn HOSE có 211 mã tăng và 183 mã giảm, VN-Index tăng 1,89 điểm (+0,14%), lên 1.364,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 411 triệu đơn vị, giá trị 11.464,7 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,5 triệu đơn vị, giá trị gần 599 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng từ sớm và dù có đôi chút chững lại ở giữa phiên, nhưng đã nhanh chóng quay lại xu hướng đi lên sau đó. Tạm dừng phiên sáng, sàn HNX có 97 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index tăng 2,4 điểm (+0,65%), lên 380,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 65,2 triệu đơn vị, giá trị 1.274 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,43 triệu đơn vị, giá trị gần 7 tỷ đồng.

Tại thị trường UpCoM, chỉ số UpCoM-Indẽ tăng vọt ngay khi mở cửa, nhưng đã chậm lại do áp lực bán từ nhóm cổ phiếu dầu khí BSR, OIL. Tạm dừng phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,35%), lên 97,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,5 triệu đơn vị, giá trị 1.194,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,3 triệu đơn vị, giá trị 125 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 6/10 giảm mạnh đầu phiên rồi đồng loạt hồi phục lên sắc xanh khi nhà đầu tư lạc quan hơn về khả năng Quốc hội đi đến thống nhất về trần nợ công. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên tăng 102 điểm lên 34.417 điểm. S&P 500 và Nasdaq cũng đóng cửa trong sắc xanh lần lượt 0,4% và 1,2%. Trong phiên, có lúc Dow Jones mất tới 459 điểm, S&P 500 và Nasdaq cũng có lúc sụt khoảng 1,2 - 1,3%.

Theo CNBC, thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều sau khi lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố ông sẽ đồng ý nâng trần nợ công ngắn hạn để tránh nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ trong tháng 10 này.

APG giảm 40% kể từ đỉnh, lãnh đạo cấp cao liên quan Louis Capital lập tức đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu

Ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán APG đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT tại CTCP Louis Capital đã đăng ký mua ...

Chứng khoán Mỹ bất ngờ đảo chiều khi nguy cơ chính phủ vỡ nợ tạm lắng dịu

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 6/10 giảm mạnh đầu phiên rồi đồng loạt hồi phục lên sắc xanh khi nhà đầu tư lạc ...

Thị trường chứng khoán ngày 7/10/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

Louis Capital hoãn phương án phát hành 30 triệu cổ phiếu giá 15.000 đồng/cp; 63 mã cổ phiếu trên HOSE bị cắt margin trong quý ...

Tuệ An