Chứng khoán Mỹ ngày 8/9/2020: Nhóm công nghệ bị bán tháo, Nasdaq rơi vào vùng điều chỉnh

Cập nhật: 07:21 | 09/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục “lao dốc” sau kỳ nghỉ Lễ Lao động, đây là phiên sụt giảm thứ ba liên tiếp, trong đó cổ phiếu công nghệ tác động tiêu cực nhất lên thị trường khi rơi vào tình trạng bị bán tháo.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/09, chỉ số Nasdaq Composite mất tới 465,44 điểm (tương ứng 4,11%) và kết phiên ở mức 10.847,69 điểm, đánh mất mốc 11.000 điểm mà chỉ số này đạt được một tháng trước. Sau ba phiên sa sút liên tiếp, Nasdaq đã giảm tổng cộng 10% và rơi vào vùng điều chỉnh.

1933-nasdat
Chỉ số Nasdaq Composite sụt giảm 4,11% trong ngày 08/09

Tương tự, chỉ số Dow Jones mất 632 điểm, tương đương 2,3%, và đóng cửa ở 27.501 điểm, đánh mất mốc 28.000 mới giành lại được hồi cuối tháng 8.

Chỉ số S&P 500 giảm 2,3% xuống còn 3.332 điểm. Trong ba phiên gần đây, chỉ số đại diện thị trường này đã mất gần 7%, ghi nhận chuỗi ba phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 6/2020.

Cổ phiếu Tesla “bốc hơi” 21,1% – mức giảm kỷ lục trong phiên – sau khi S&P Dow Jones Indices quyết định không thêm cổ phiếu hiện đang bị đầu cơ mạnh này vào chỉ số S&P 500. Nhà đầu tư trước đó đặt cược vào khả năng Tesla được thêm vào S&P 500.

Cổ phiếu Apple sụt 6,7% và dẫn đầu đà sụt giảm của lĩnh vực công nghệ. Trong 3 phiên vừa qua, cổ phiếu này đã lao dốc hơn 14%. Theo Bespoke Investment Group, đó là chuỗi 3 ngày tồi tệ nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 10/2008.

Cổ phiếu Facebook và Amazon đều giảm hơn 4%. Cổ phiếu Microsoft rớt 6.7%. Cổ phiếu Netflix lùi 1,8% và cổ phiếu Alphabet mất 3,6%. Cổ phiếu Zoom Video sụt 5,1%. Lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 giảm 4,6% và khép phiên ngày thứ Ba sụt hơn 11% so với mức cao mọi thời đại đã xác lập vào ngày 02/09/2020.

“Mức định giá cao của nhóm cổ phiếu siêu lớn đã vượt quá xa mức lịch sử”, Bruce Bittles, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Baird, cho hay. “Các chỉ báo kỹ thuật – nợ margin cao, các quỹ tương hỗ dốc hết tiền vào thị trường, dữ liệu quyền chọn cho thấy khối lượng quyền chọn mua kỷ lục – đều cho thấy tâm lý lạc quan cực độ trên thị trường và thường báo hiệu giai đoạn điều chỉnh sắp bắt đầu”.

Cổ phiếu Softbank rớt 7% vào ngày thứ Hai (07/09) ở Nhật Bản khi ngân hàng này được xác định là đơn vị mua quyền chọn lớn đặt cược vào hàng tỷ USD chứng khoán công nghệ tiếp tục tăng cao. Giao dịch của cổ phiếu công nghệ có thể mất đi phần nào sức mạnh nếu Softbank giảm bớt những đặt cược này.

Nhóm cổ phiếu bán dẫn cũng chịu sức ép trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Cổ phiếu Nvidia và Micron lần lượt giảm 5,6% và 3,2%. Cổ phiếu Applied Materials sụt 8,7%. Cổ phiếu Advanced Micro Devices mất 4%.

Trước đó, các thị trường chứng khoán châu Á phiên 08/09 đồng loạt hồi phục sau nhiều phiên sụt giảm. Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 184,18 điểm (+0,5%) lên 23.274,13 điểm. Tại thị trường Seoul, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 17,69 điểm (+0,74%), lên 2.401,91 điểm. Khép phiên này, chỉ số Shanghai Composite tăng 23,83 điểm (+0,72%) lên 3.316,42 điểm. Tương tự, chỉ số Hang Seng tăng 34,69 điểm (+0,14%) lên 24.624,34 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng tăng 63 điểm (+1,06%) lên 6.007,80 điểm.

Thị trường chứng khoán ngày 9/9/2020: Thông tin trước giờ mở cửa

Hàng loạt mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên HOSE; Hủy phiên đấu giá cổ phiếu AFX do SCIC thoái ...

Chứng khoán châu Á ngày 8/9/2020: Thị trường Trung Quốc hồi phục sau chuỗi dài sụt giảm

Đa số các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 08/09. Theo đó, chỉ số MSCI châu Á – ...

Nhận định chứng khoán ngày 9/9/2020: Áp lực bán vẫn hiện hữu

Sau phiên bán mạnh hôm qua, thị trường bước vào phiên giao dịch ngày 08/09 với tâm lý khá thận trọng khiến các chỉ số ...

Nguyễn Thanh (t/h)