CEO FPT Retail: Không thành công thì… “quê mặt dữ dội”

Cập nhật: 15:00 | 09/08/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Mông lung và lo sợ trong những ngày đầu gầy dựng Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), nhưng bà Nguyễn Bạch Điệp chọn cách kiên trì với trách nhiệm được giao, bởi “người sĩ diện” không bao giờ từ chối việc khó.

ceo fpt retail khong thanh cong thi que mat du doi

CEO Lê Hồng Thủy Tiên: IPPG sẽ được đầu tư bài bản và xa xỉ hơn

ceo fpt retail khong thanh cong thi que mat du doi

Doanh nhân Nguyễn Trung Kiên: Đã có lúc muốn buông bỏ hành trình khởi nghiệp

ceo fpt retail khong thanh cong thi que mat du doi

CEO Đoàn Việt Hùng của PC với dịch vụ quản lý chi phí mua hàng mới ở Việt Nam

Nếu phải chọn đâu là ngày hạnh phúc nhất trong sự nghiệp kinh doanh của bà Nguyễn Bạch Điệp, có lẽ, câu trả lời sẽ là ngày 26/04/2018 - ngày mà FPT Retail trở thành công ty đại chúng, 40 triệu cổ phiếu FRT được niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM.

Chính từ thời điểm đáng nhớ này, những bài viết về nhân vật được mệnh danh là “người đàn bà thép” này xuất hiện dày đặc trên phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng để tìm ra được thông tin mới về bà Bạch Điệp, chưa bao giờ là việc dễ dàng. Đặc biệt, với quan niệm “quả quyết mà thiếu khiêm nhường thì sẽ bị xem là ngạo mạn; khiêm nhường mà thiếu tự tin sẽ bị xem là yếu kém”, nên bà trở nên “ngại” xuất hiện trên truyền thông.

Đúng 7 năm trước, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT quyết định thành lập công ty bán lẻ điện thoại là FPT Retail và bà Bạch Điệp được chỉ định làm người đứng đầu chịu mọi trách nhiệm liên quan.

ceo fpt retail khong thanh cong thi que mat du doi
CEO FPT Retail: Không thành công thì… “quê mặt dữ dội”. Ảnh: Nguồn Internet

“Lúc ấy, tôi cầm tiền của Tập đoàn mà sợ, vì cuộc đời của mình chưa bao giờ đụng đến chuyện lỗ vốn, mà tự dưng sẽ phải chịu đựng chuyện này trong suốt 2 năm. Trong thời gian đó, câu hỏi “lỡ làm không ra gì thì làm sao” thường trực trong tâm trí tôi”, bà Bạch Điệp chia sẻ về nỗi lo và tâm trạng mông lung của những tháng ngày đầu tiên với FPT Retail.

Nếu nói về chuyện lỗ vốn, bà Điệp nhắc đến thời điểm năm 2007, khi FPT mở các showroom bảo hành hãng điện thoại mà họ làm nhà phân phối bán buôn, dù mới chỉ “mon men ra bán lẻ nhưng cũng lỗ”. Thêm vào đó, trong vị thế một tập đoàn, mà mỗi hợp đồng, mỗi gói thầu đều trị giá triệu USD, thì thật khó khi bàn tới chuyện mở công ty bán lẻ điện thoại để “đi lượm bạc cắc” và vì thế, nhiều thành viên lãnh đạo của Tập đoàn đã không bỏ phiếu thuận cho FPT Retail.

Trên lý thuyết, mọi công thức thành công đều dễ nghe. Còn thực tế, các vấn đề đầy rối rắm, không thể ngờ mà bà Điệp và đội ngũ chưa từng đối mặt liên tục xô về.

Quá trình quan sát còn giúp bà Điệp nhận ra rằng, trong quá trình bán hàng, nhân viên sẽ quyết định thành công cuối cùng của chuỗi bán lẻ, bởi họ trực tiếp tương tác với khách hàng - người chi tiền cho sản phẩm và dịch vụ, còn chiếc điện thoại thì dù nằm trong hệ thống bán hàng nào cũng vậy, nó là vật… “không thể tự mình lên tiếng”. Cùng với phát hiện đó, hạn mức cho phép lỗ trong 2 năm đầu tiên cũng đã khiến nhiệm vụ quan trọng nhất khi ấy của FPT Retail là tồn tại và chọn tập trung vào hướng gia tăng doanh thu/lợi nhuận, thay vì chất lượng dịch vụ cho khách hàng, đó chính là sai lầm dẫn đến việc, chuỗi có tới hàng trăm lượt khiếu nại mỗi ngày.

Cho tới nay, bà Bạch Điệp tự đánh giá, chất lượng dịch vụ của FPT Shop từ mức “3 sao” khi mới thành lập đã nâng lên mức “tương đương 4 sao”.

Khi Thế Giới Di Động đã rời vạch xuất phát trong chuyển hướng từ bán lẻ điện thoại khi thị trường dần bão hoà sang kinh doanh điện máy rồi thực phẩm (với chuỗi Bách hoá Xanh), thì FPT Retail vẫn đang trong quá trình khởi động giữa ngã ba đường để chọn hướng kinh doanh mới. Dù 7 năm được đánh giá là quãng thời gian khá nhanh để FPT Retail xây dựng chuỗi gần 600 cửa hàng (bao gồm nhà thuốc), nhưng bà Điệp thừa nhận, “lẽ ra phải rẽ hướng kinh doanh mới từ 2 - 3 năm trước” thay vì đến bây giờ vẫn còn trong quá trình thử nghiệm.

“Bây giờ bắt đầu chuỗi mới, nên sẽ không kịp đạt độ lớn để bù chỉ tiêu kinh doanh cho chuỗi cũ (FPT Shop - PV), bởi thế, có thể thời gian tới sẽ gặp khó khăn về tỷ lệ tăng trưởng”, Chủ tịch FPT Retail nói và lý giải, Thế Giới Di Dộng mất khoảng 9 năm giành vị thế cho chuỗi điện thoại trước khi bắt đầu kinh doanh chuỗi điện máy từ 2010.

“Thế giới di động có thời gian nhiều hơn để kinh doanh nối tiếp các mảng, còn đối với việc đó, chúng tôi chỉ là lính mới”, bà Điệp đưa ra quan điểm và khẳng định, dù tham gia vào mảng mới, bà không có cảm giác sợ mà tự tin hơn khi xưa, lúc bắt đầu mở chuỗi bán lẻ điện thoại. Tự tin khi có cách vận hành, quản trị, biết cách cần làm trong kinh doanh, nhưng không vì thế mà vợi được nỗi lo, bởi bán lẻ dược phẩm là ngành cực kỳ nhạy cảm do liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của khách hàng.

“Tôi vừa có tính sĩ diện, lại vừa không có. Sĩ diện là, khi nhận trách nhiệm, chắc chắn phải làm bằng được, còn không sĩ diện ở chỗ, sẵn sàng học hỏi, thậm chí bắt chước đối thủ, miễn mang lại lợi ích cho công ty và để khách hàng hài lòng”, bà Điệp thẳng thắn.

Có thể nói, kiên trì dành thời gian với mục tiêu, sẵn sàng học hỏi những người dẫn đầu đã khiến “người đàn bà thép” Nguyễn Bạch Điệp thành công trong điều hành FPT Shop.

Thu Hoài

Tin cũ hơn
Xem thêm