Gói thầu CP0 tuyến metro số 2:

Cần tính đến việc đền bù cho nhà thầu sau hủy thầu

Cập nhật: 14:21 | 30/01/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Gói thầu “khủng” thuộc Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương từng gây sốt vì số lượng đông đảo các nhà thầu mạnh trong nước tham gia vừa bị TP.HCM hủy thầu...

Hủy Gói thầu CP0 tuyến metro số 2: Cần tính đến việc đền bù cho nhà thầu Được biết, trách nhiệm dẫn tới hủy thầu thuộc về bên mời thầu. Chính điều này đã gây ảnh hưởng nhiều đến các nhà thầu dẫn đến việc cần xác định rõ trách nhiệm và tính đến việc đền bù chi phí cho các bên liên quan.

Từ hủy thầu...

UBND TP.HCM mới có chỉ đạo về việc xử lý trách nhiệm khi dẫn tới hủy thầu Gói thầu CP0 Thiết kế thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc tuyến tàu điện ngầm số 2. Nội dung này căn cứ vào quyết định cũng vừa được UBND TP.HCM công bố về việc hủy thầu Gói thầu CP0.

can tinh den viec den bu cho nha thau sau huy thau

Nguyên nhân chính dẫn tới hủy thầu Gói thầu CP0 là do phê duyệt hồ sơ mời thầu (HSMT) có nội dung không tuân thủ quy định của pháp luật

UBND Thành phố chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (Bên mời thầu) kiểm điểm trách nhiệm, xử lý vi phạm các cá nhân, tập thể liên quan đến việc lập, thẩm định HSMT; việc thành lập tổ chuyên gia đấu thầu không đúng quy định pháp luật về đấu thầu; tham gia hoạt động đấu thầu nhưng không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu. Thành phố cũng giao Ban Quản lý đường sắt đô thị phối hợp với Sở Nội vụ khắc phục và phòng ngừa không để tái diễn tình trạng trên.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng được giao chỉnh sửa nội dung HSMT và tổ chức đấu thầu lần 2 gói thầu trên theo đúng quy định về đấu thầu.

Đến nạn nhân của hủy thầu

can tinh den viec den bu cho nha thau sau huy thau

Lật lại lịch sử tổ chức lựa chọn nhà thầu của Gói thầu CP0 cho thấy, đây là gói thầu thu hút rất đông các nhà thầu trong nước tham gia

Cụ thể, ngày 1/3/2017, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã có thông báo xác định nhà thầu tiềm năng thực hiện Gói thầu nói trên.

Theo đó, 3 liên danh nhà thầu tiềm năng được nêu tên là: Liên danh Công ty CP Xây dựng số 5 - Công ty TNHH Xây lắp điện 2 - Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng điện số 5 - Công ty CP Viễn thông Sao Nam - Công ty Tư vấn Thiết kế Viễn thông Toàn Cầu - Công ty CP Tư vấn Cấp thoát nước và Môi trường; Liên danh Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - Công ty CP 873 Xây dựng công trình giao thông - Tổng công ty Xây dựng Sông Đà - Công ty CP Điện tử Tin học Hóa chất - Công ty TNHH Thiết kế B.R - Công ty CP Thiết kế và Xây dựng Đạt Hoàng; Liên danh Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Công ty CP Sông Đà 11 - Công ty CP Công trình Viettel - Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - Công ty CP Tư vấn Viettel.

Cũng theo đánh giá của các nhà thầu vào thời điểm đó, 3 liên danh nhà thầu tiềm năng lọt vào vòng đánh giá hồ sơ dự thầu thực sự là những đơn vị có thực lực và uy tín trong lĩnh vực xây lắp, viễn thông, giao thông… Đây cũng là gói thầu mà mỗi liên danh dự thầu đều có rất đông thành viên. Theo đó, có đến 2 liên danh nhà thầu có sự góp mặt của 6 thành viên, 1 liên danh có sự tham gia của 5 thành viên.

Dựa trên kết luận của UBND TP.HCM, việc dẫn tới hủy thầu Gói thầu CP0 tuyến metro số 2 là do trách nhiệm của Bên mời thầu theo Khoản 3 Điều 17 Luật Đấu thầu (các trường hợp hủy thầu). Việc hủy thầu trong trường hợp này khiến cho quyền lợi của các nhà thầu tham dự sơ tuyển bị ảnh hưởng. Ít nhất, các nhà thầu đã tốn nhiều thời gian, công sức trong việc trình hồ sơ năng lực, mua HSMT, lập và nộp hồ sơ dự thầu kèm theo các chi phí liên quan đến bảo đảm dự thầu… Theo Điều 18 Luật Đấu thầu quy định về trách nhiệm khi hủy thầu, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuyến Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD - hợp vốn từ ba nhà tài trợ gồm: 540 triệu USD của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); 313 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và 195 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).

Sau đó tổng vốn được đề xuất điều chỉnh lên hơn 2,1 tỷ USD do ảnh hưởng các yếu tố: trượt giá, chi phí tài chính, xây dựng (bổ sung khối lượng cho việc kết nối với các tuyến metro số 3b, 5 và 6; tăng chiều dài các nhà ga ngầm).

Đây là một trong 8 tuyến metro đã được phê duyệt tại TP HCM, chiều dài toàn tuyến gần 20 km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh), chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn một dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18 m. Có tổng cộng 679 hộ dân bị ảnh hưởng trên toàn dự án.

Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, công tác giải phóng mặt bằng đang bị đình trệ kế hoạch tái định cư chưa được UBND thành phố thông qua, ảnh hưởng đến công tác bồi thường của các quận dù nguồn vốn luôn có sẵn. Dự kiến tuyến Metro này sẽ được khởi công vào năm 2020 và sớm nhất đến năm 2024 mới hoàn thành.

Quốc Trung