Cần sớm tháo gỡ khâu lưu thông, tránh đứt gãy nguồn cung cấp hàng hóa cho địa phương vùng dịch

Cập nhật: 08:20 | 30/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa của các sàn thương mại điện tử (không giống với hình thức vận chuyển người và shipper công nghệ) đã cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, khiến người dân có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu phải tập trung đến các siêu thị, chợ truyền thống tăng, kéo theo nguy cơ lây nhiễm ở khu vực công cộng cao.

Bộ Công Thương đề xuất nới lỏng danh mục hàng hóa thiết yếu

Cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,83 tỷ USD trong nửa đầu tháng 7/2021

Xử lý nghiêm các hiện tượng tăng giá bất hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Tại buổi làm việc bàn về các giải pháp hỗ trợ lưu thông, cung ứng hàng hóa cho các địa phương vùng dịch, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng, dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh chóng ở các tỉnh, thành phố. Đại dịch đã tác động, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu…

Do vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khâu lưu thông, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đưa ra 4 đề xuất.

Một là: Duy trì đội ngũ giao hàng (shipper), để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.

Hai là: Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính tham gia sâu hơn vào khâu lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là trong việc ưu tiên, tạo “luồng xanh” cho lưu thông hàng hóa thiết yếu.

Ba là: Đề xuất phối hợp cùng hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Bốn là: Đề xuất phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền để có những chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, chính xác và kịp thời.

2608-luuthonghanghoa
Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đảm bảo việc cung ứng hàng hóa nhất là hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu của người dân và đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Đối với việc tạo "luồng xanhl ưu tiên cho lưu thông hàng hóa thiết yếu, Thứ trưởng cho hay, ngay từ làn sóng COVID-19 lần thứ tư xuất hiện, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản nhằm tháo gỡ cho khâu lưu thông.

Không chỉ Bộ Công Thương, mới đây, Bộ Y tế, Bộ Giao thông cũng liên tiếp ra văn bản, chỉ đạo tạo luồng ưu tiên cho xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Gần đây nhất ngày 8/7, Bộ Công Thương cũng ra văn bản, đề nghị tạo luồng "ưu tiên đặc biệt" cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ chống dịch…

"Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, tại một số địa phương, việc áp dụng Chỉ thị 16 vẫn chưa thống nhất, chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉnh phủ, chưa đúng với nội dung tinh thần của Chỉ thị.

Bộ Công Thương sẽ có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục "hàng hóa cấm lưu thông" thay vì Danh mục "hàng hóa thiết yếu", Thứ trưởng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Bộ Công Thương nhất trí cao với đề xuất duy trì đội ngũ giao hàng (shipper).

Tuy nhiên, để duy trì đội ngũ này, cần sự chung tay của các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc thống kê nhân lực giao hàng của từng đơn vị, từ đó, tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ này, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của VnPost (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam), Viettel post (Tổng Công ty Bưu chính Viettel post) trong việc triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá, vận chuyển hàng hóa... tại các địa phương có dịch. Ngay từ đầu, hai đơn vị này đã vào cuộc và nhanh chóng đưa các chuyến xe lưu động vào tâm dịch, nhờ thế, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân cũng bớt căng thẳng hơn.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số làm đầu mối, phối hợp với các Cục/Vụ chức năng làm việc với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông để thống nhất các phương án cung ứng hàng hóa cho các địa phương vùng dịch, hỗ trợ các hộ nông dân phân phối hàng hóa lên sàn thương mại điện tử.

Hà Nội đã lập danh sách 700 shipper giao nhận hàng hóa

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong ngày 26/7, Sở đã lập danh sách 700 xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm gửi Sở GTVT để được cấp thẻ vận chuyển.

Các doanh nghiệp được cấp thẻ vận chuyển gồm: Công ty CP Thực phẩm Hương Sơn 13 shipper, Công ty CP Sản xuất và thương mại An Việt 17 shipper; Công ty CP Tiên Viên 4 shipper; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Thương mại dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long 49 shipper; Công ty TNHH 2-9 Hà Tây 8 shipper; Công ty TNHH bán lẻ Fuji Mart Việt Nam 39 shipper; Công ty TNHH bán lẻ BRG 182 shipper.

Hệ thống siêu thị Mường Thanh tại Hà Nội 75 shipper; Công TNHH Thương mại Sài Gòn Co.op Hà Nội 21 shipper; Công ty CP Quốc tế Homefarm 174 shipper; HTX DVTH Đông Cao 1 shipper; Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam 19 shipper; Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Hà Nội 33 shipper; Công ty AEON Việt Nam 34 shipper; Công ty CP kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội 2 shipper.

Danh sách này được Sở Công Thương Hà Nội gửi Sở Giao thông vận tải đề nghị xem xét, chấp thuận sớm nhất, cho phép các doanh nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm được vận chuyển bằng xe máy cung ứng hàng hóa thiết yếu đến các điểm cung ứng, khu dân cư phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm