Các nhà băng toan tính gì khi chuyển sàn?

Cập nhật: 15:09 | 12/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Chuyển sàn chỉ là vấn đề sớm hay muộn của các doanh nghiệp nhưng việc đi trước một bước cho thấy các ngân hàng đang có những tính toán chiến lược riêng.

0443-nganhangchuyensan
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mùa đại hội cổ đông năm 2020 có ít nhất 4 ngân hàng đã chốt phương án chuyển giao dịch từ HNX và UPCoM sang HSX bao gồm ACB, SHB, VIB và LienVietPostBank trong đó LienVietPostBank và VIB đã thực hiện xong việc chuyển sàn hôm 09 và 10/11 vừa qua, sắp tới đến lượt SHB.

Chuyển sàn và sự tính toán của các nhà băng

Theo Quyết định số 32/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội (HNX) và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh (HSX) nhằm thống nhất lại thị trường chứng khoán Việt Nam. Lộ trình thực hiện của đề án này gồm hai giai đoạn: từ 2019- 2020 tiếp tục duy trì hoạt động như hiện nay tại HNX và HSX, thống nhất tổ chức hoạt động của SGDCK Việt Nam, sắp xếp lại bộ máy tổ chức của HNX và HSX, hoàn chỉnh dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin. Giai đoạn 2 từ năm 2021 – 2023 sẽ thực hiện phân đoạn các thị trường. Trong giai đoạn 2, dự kiến thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn HSX quản lý. HNX sẽ chỉ quản lý thị trường trái phiếu và tạo dựng thị trường chứng khoán phái sinh.

Như vậy, việc chuyển sàn của tất cả các cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu lớn chỉ là vấn đề về mặt thời gian. Tuy nhiên việc thực hiện chuyển sàn sớm hơn kế hoạch của các ngân hàng cho thấy có sự tính toán về mặt chiến lược của các nhà băng, khi thường những ai đi trước sẽ có những lợi thế nhất định.

Trong tờ trình của ACB, ngân hàng này muốn tận dụng việc chuyển sàn để có thể vào các rổ chỉ số quan trọng như VN30, VN Diamond, VNFIN Lead, hay VNFIN Select… Các ngân hàng khác như VIB, LVP tuy không nói rõ lý do trong tờ trình xin chuyển sàn, nhưng họ cũng có ý định như thế thông qua việc tăng vốn trong đó LVP trả 10% cổ tức bằng cổ phiếu, VIB phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%. ACB cũng thông qua việc trả cổ tức 2019 bằng cổ phiếu với tỉ lệ 10:3.

Thông qua đó, vốn hóa của các ngân hàng được tăng lên nhằm đảm bảo cho những điều kiện vào được các rổ chỉ số trong tương lai. Việc vào rổ vô cùng có lợi khi được nhiều nhà đầu tư dài hạn quan tâm, nhắc đến. Một khi đã vào được rổ chỉ số, đặc biệt là VN30 thì thanh khoản sẽ tăng rất nhiều bởi các quỹ ETF sẽ tập trung mua bán chứng chỉ của họ thông qua các rổ chỉ số.

Tại SHB, năm 2020 là năm ngân hàng kết thúc giai đoạn thực hiện Đề án xử lý các tồn đọng sau nhận sáp nhập Habubank (từ 2016-2020) và mở ra giai đoạn phát triển mới.

Theo đánh giá của giới quan sát, nếu như trong giai đoạn trước, SHB phải chia sẻ nguồn lực để xử lý các tồn đọng của HBB thì năm 2020 sẽ là năm khởi động cho các dự án lớn để chuyển mình.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 6/2020, SHB xác định mục tiêu trung dài hạn đạt Top 3 ngân hàng cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam, chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng công nghệ số, phát huy hệ sinh thái khách hàng và chuỗi giá trị thế mạnh...

Trong báo cáo phân tích mới công bố, SSI Research nhận định SHB, LPB và VIB là những ngân hàng nhanh nhạy về quy mô tài sản trong hệ thống, với thị phần từ 1,6% đến 3%. VIB có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao nhất, chiếm khoảng 80% dư nợ cho vay, tiếp theo là LPB với khoảng 40% và SHB là 21%. Mục tiêu chiến lược của SHB đến năm 2025 là trở thành ngân hàng tư nhân bán lẻ hiện đại lớn tại Việt Nam, vượt qua các ngân hàng đi trước "dựa vào lợi thế phát triển bán lẻ trong bán buôn cùng kinh nghiệm quản trị bán lẻ từ các định chế tài chính đi trước, đồng thời phát huy các sản phẩm theo chuỗi trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ mới nhất, hiện đại nhất" – như lời lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ mới đây với truyền thông.

Sóng cổ phiếu đã xuất hiện

Như đã đề cập, ngân hàng nào cũng có những toan tính riêng của mình với kỳ vọng sau khi chuyển sang niêm yết trên HSX sẽ nâng cao được uy tín với nhà đầu tư và thuận lợi hơn trong kinh doanh sau này. Tuy nhiên việc sẽ chuyển mình thế nào với các mục tiêu đã đặt ra còn là ẩn số và chờ thời gian trả lời.

Còn trước mắt, thị trường đang chứng kiến các cổ phiếu của nhóm ngân hàng chuyển sàn khá thu hút giới đầu tư. Chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, cổ phiếu của VIB tăng từ 17.000 đồng lên hơn 32.000 đồng, của LPB từ vùng 6.000 đồng lên quanh 12.000 đồng, cổ phiếu SHB tăng mạnh nhất khi đi từ 6.000 đồng lên gần 17.000 đồng còn ACB từ 19.000 đồng lên 26.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu như LPB và VIB thu hút sự quan tâm khi chuyển từ UPCoM lên HSX giúp thanh khoản tốt hơn thì ACB và SHB là 2 trong số cổ phiếu doanh nghiệp có vốn hóa hàng đầu trên HNX thu hút được sự chú ý nhiều của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo giới quan sát, việc chuyển sàn của các ngân hàng sẽ là mối quan tâm hơn nữa của nhà đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt là triển vọng vào các chỉ số. Trong nhóm 4 ngân hàng chuyển sàn thì SHB đang là ngân hàng vốn hóa lớn duy nhất còn trống room ngoại, cũng được kỳ vọng sẽ vào "tầm ngắm".

PGBank vẫn 'long đong' tìm bến đậu sáp nhập

Được biết, nhiều năm trở lại đây, PGBank luôn trong trạng thái chờ sáp nhập. Đích đến đầu tiên là Ngân hàng Thương mại Cổ ...

"Hiếm" ngân hàng giảm được nợ xấu

Tính đến ngày 30/9/2020, chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận tổng nợ xấu giảm so với đầu năm. Trong khi đó, bình quân nợ ...

VIB - cổ phiếu ngân hàng thứ 12 niêm yết trên HOSE

Sáng ngày 10/11/2020, hơn 924 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã chính thức niêm yết trên Sở ...

Anh Khôi