Bản tin tài chính ngân hàng ngày 4/11/2019: Tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng vượt mức 11,8 triệu tỉ đồng

Cập nhật: 09:03 | 04/11/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 4/11 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ qua thời 'phi mã', tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng vượt mức 11,8 triệu tỉ đồng,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 4112019 tong tai san toan he thong ngan hang vuot muc 118 trieu ti dong

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 3/11/2019: Triển vọng ngành ngân hàng các tháng cuối năm

ban tin tai chinh ngan hang ngay 4112019 tong tai san toan he thong ngan hang vuot muc 118 trieu ti dong

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 2/11/2019: Tránh để nợ xấu quay trở lại

ban tin tai chinh ngan hang ngay 4112019 tong tai san toan he thong ngan hang vuot muc 118 trieu ti dong

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 1/11/2019: "Hiện tượng" trong mùa báo cáo quý 3 của các ngân hàng

Siết tín dụng, lợi nhuận ngân hàng có gặp khó?

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Trong khi năm 2018, tổng tăng trưởng tín dụng đạt 13,89% nên NHNN định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế. Tuy nhiên, so với mặt bằng 14% này, chỉ trong 9 tháng, nhiều ngân hàng đã có dư nợ cho vay vượt quá con số này, thậm chí có ngân hàng đã tăng trên 20%.

Có thể thấy, các ngân hàng đều có mức tăng trưởng tín dụng khá cao, nhất là trong bối cảnh NHNN vẫn cố gắng siết tăng trưởng tín dụng, tránh cho nền kinh tế phát triển lệ thuộc vào tín dụng. Đặc biệt, nếu nhìn vào những mảng kinh doanh khác của các ngân hàng như dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, ngoại hối… thì nhiều ngân hàng có dấu hiệu suy giảm.

Thực tế là lợi nhuận các ngân hàng vẫn đang tăng trưởng vượt bậc. Thống kê từ báo cáo tài chính các ngân hàng trong quý III cho thấy, phần lớn ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn so với 2 quý đầu năm 2019, trong đó có những ngân hàng tăng tới hơn 200%. Khảo sát mới đây của NHNN còn cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay tăng cao hơn so với năm trước, huy động vốn đến cuối năm nay kỳ vọng tăng trưởng cao hơn so với cuối năm 2018, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng 4,85% trong quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% toàn ngành năm 2019.

Nguyên nhân là bởi các ngân hàng đã "ngấm đòn" nợ xấu, nên muốn xoay chuyển cơ cấu doanh thu theo hướng tăng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, ngoại hối, thu hồi nợ, bán cổ phiếu quỹ… thay vì tín dụng như trước. Mặc dù có những ngân hàng chưa mấy thành công như đã nêu ở trên, nhưng phần lớn hoạt động này đều đang mang lại nhiều khoản lãi không hề nhỏ cho tổng lợi nhuận của ngân hàng.

Cùng với việc tăng cường doanh thu từ các hoạt động kinh doanh khác, điều khiến các ngân hàng vẫn "lạc quan" về tăng trưởng lợi nhuận là NHNN cho biết sẽ nới room tín dụng cho các ngân hàng sớm áp dụng chuẩn Basel II, đồng thời, tái cơ cấu danh mục cho vay, gia tăng chuyển dịch sang tín dụng bán lẻ sẽ giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ giữa thu nhập lãi thuần và tài sản sinh lãi (NIM). Nhưng các chuyên gia vẫn nhấn mạnh về việc các ngân hàng phải đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu để hoạt động an toàn, bền vững. Bởi hiện nay, cùng với tín dụng tăng cao thì nợ xấu tại nhiều ngân hàng cũng đã tăng lên, khiến tổng nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%, tăng so với mức 1,89% cuối năm ngoái.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 4112019 tong tai san toan he thong ngan hang vuot muc 118 trieu ti dong
Ảnh minh họa

Ngân hàng tăng tốc cùng doanh nghiệp về đích cuối năm

Với nhiều doanh nghiệp, quý IV là thời kỳ quan trọng có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của cả năm. Nhu cầu vốn của doanh nghiệp giai đoạn này cũng tăng mạnh, song không phải doanh nghiệp nào cũng dư dả tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Có được sự trợ lực của ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội làm ăn cuối năm.

Nắm được nhu cầu đó, một số ngân hàng điển hình như Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã chủ động đưa ra rất nhiều giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp, trong đó nổi bật phải kể đến Gói tín dụng toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể, với các doanh nghiệp có quy mô từ 3 - 20 tỷ đồng, thời gian hoạt động chưa nhiều, rất khó tiếp cận vốn sẽ được MSB áp dụng gói tín dụng này, theo đó doanh nghiệp sẽ được cấp tín dụng với hạn mức cao, lên tới 10 tỷ đồng, mà hồ sơ vay được phê duyệt nhanh (chỉ trong 3 ngày). Quan trọng nhất là tỷ lệ cho vay lên đến 112% giá trị tài sản. Đặc biệt khi cần vốn, doanh nghiệp chỉ cần có hóa đơn mua hàng và MSB sẽ giải ngân ngay trong ngày.

Cụ thể, với các doanh nghiệp xuất khẩu, MSB có chương trình ưu đãi phí chuyển ngoại tệ (áp dụng đến 31/12/2019). Theo đó, khách hàng có nhu cầu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để nhập khẩu nguyên liệu vào mùa kinh doanh cuối năm sẽ được miễn phí 100% giao dịch đầu tiên và giảm 50% các giao dịch tiếp theo trong 3 tháng kể từ ngày thực hiện giao dịch đầu tiên…

Hay với các khách hàng doanh nghiệp khác có nhu cầu giao dịch ngân hàng cao, MSB cũng có giải pháp giúp khách hàng tiết kiệm phí giao dịch, giảm thời gian chờ đợi giao dịch bằng Siêu tài khoản Zero+. Theo đó, sử dụng gói tài khoản này, doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi như: Miễn phí chuyển tiền trực tuyến nội bộ và liên ngân hàng, miễn phí thường niên Internet banking năm đầu tiên; Miễn phí giao dịch nộp thuế điện tử nội địa & hải quan mọi lúc, mọi nơi; Miễn phí dịch vụ thanh toán lương, thanh toán theo lô trực tuyến với siêu hạn mức chuyển tiền lên tới 100 tỷ đồng/ ngày. Ngoài ra, khách hàng không cần tốn thời gian đến tận quầy giao dịch và có thể chuyển tiền trực tuyến mọi lúc, mọi nơi…

Tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ qua thời 'phi mã'

Đây là năm thứ 5 liên tiếp thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này được dự báo sẽ chậm lại trong những năm tới.

Căn cứ cho dự báo này là doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới năm nay có dấu hiệu giảm tốc. Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, phí bảo hiểm khai thác mới của thị trường 9 tháng năm 2019 tăng trưởng 17%.

Cùng kỳ năm 2017, 2018, tăng trưởng doanh thu khai thác luôn đạt trên 30%.

“Sự suy giảm tăng trưởng của phí bảo hiểm khai thác mới từ đầu năm đến nay chưa ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng của tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn khối vì mấy năm trước, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tăng rất cao.

Tốc độ tăng trưởng khai thác phí bảo hiểm vẫn đang ở mức phù hợp với thực tế thị trường”, đại diện một công ty bảo hiểm nhìn nhận.

Tuy nhiên, vẫn theo vị này, nếu tốc độ tăng trưởng của doanh thu khai thác mới vẫn giảm mạnh trong thời gian tới thì tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng chậm lại và còn có thể giảm mạnh vì có nhiều hợp đồng đến kỳ đáo hạn.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ được nhìn nhận đang điều chỉnh lại, đặc biệt ở kênh đại lý sau một giai đoạn tăng trưởng “nóng” với doanh thu phí mới trên 30%, thậm chí một số doanh nghiệp có thị phần chi phối còn đẩy doanh thu phí mới tăng trưởng gần 60% - mức tăng trưởng được nhìn nhận khá nguy hiểm đối với doanh nghiệp có thị phần lớn.

Chính vì thế, dù phí bảo hiểm khai thác mới từ đầu năm giảm về ngưỡng dưới 20%, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm không quá lo ngại và cho rằng đây là mức tăng trưởng phù hợp.

“Việt Nam vẫn đang là thị trường mới nổi của bảo hiểm nhân thọ nên khả năng tăng trưởng còn rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ tìm cách khơi thông lại thị trường, khai thác tiềm năng của dòng phí bảo hiểm mới.

Nhưng tất nhiên, phần lớn các doanh nghiệp sẽ chú trọng hơn vào chất lượng tăng trưởng”, CEO một công ty bảo hiểm nhìn nhận.

Tổng tài sản hệ thống TCTD vượt 11,8 triệu tỷ đồng, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đã chiếm hơn 40%

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật một số chỉ số về hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 8/2019.

Cụ thể, tổng tài sản hệ thống TCTD tính đến hết ngày 31/8/2019 đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 6,77% so với hồi đầu năm.

Nhóm 7 ngân hàng thương mại nhà nước có tỷ trọng lớn nhất (43%), tương đương với 5,12 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với đầu năm.

Trong khi đó, tổng tài sản của các ngân hàng tư nhân tăng mạnh hơn, tăng 7,97% đạt 4,92 triệu tỷ đồng, chiếm trên 42% tổng tài sản của hệ thống.

Tính đến hết ngày 31/8/2019, vốn tự có của toàn hệ thống ngân hàng đạt 866.116 tỷ đồng, tăng 7,44%, tương đương tăng trên 54.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của các ngân hàng tư nhân là 357.838 tỷ đồng, tăng 5,81%. Vốn tự có của các ngân hàng thương mại nhà nước là 285.735 tỷ đồng, tăng 6,38%.

Vốn điều lệ nhóm NHTM Nhà nước ở mức 149.049 tỷ đồng, tăng 0,78% so với đầu năm. Trong khi đó, vốn điều lệ của nhóm NHTM tư nhân tăng 1,29%, đạt 270.676 tỷ đồng.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 9,65%, còn nhóm ngân hàng tư nhân là 10,66%. Trong khi đó, CAR của nhóm ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài ở mức rất cao (25,34%).

Đối với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, cả 2 nhóm ngân hàng trên đều đã đưa về dưới mức 40% theo đúng lộ trình, đạt 30,61% với nhóm NHTM Nhà nước và 30,91% với nhóm NHTM tư nhân.

Ngân hàng Nhà nước có thể mua cổ phần ngân hàng được kiểm soát đặc biệt?

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư quy định quy chế quản lý và sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Một trong những nội dung của dự thảo đề cập đến là Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia được sử dụng để chi cho các khoản phát sinh để thực hiện chính sách tiền tệ, trong đó việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Điểm nội dung này trở nên đáng chú ý, khi gợi mở một hướng giải pháp mới để Ngân hàng Nhà nước có thể trực tiếp tham gia thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống.

Từ năm 2011 đến nay, khi triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, cũng như trong quá trình hoạt động, đã có một số trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, cũng như đưa vào diện được kiểm soát đặc biệt.

Từ đó cho đến nay, ngân sách nhà nước không tham gia và không bố trí nguồn cho quá trình này, cũng như nguyên tắc không được sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu…

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có văn bản kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh các nghị quyết trước đây, để có thể bố trí nguồn cho việc tăng vốn các ngân hàng thương mại nhà nước. Trong kiến nghị đó cũng nêu rõ không bao gồm các ngân hàng thương mại đã mua lại bắt buộc.

Với dự thảo thông tư cùng điểm nội dung trên, nếu thông qua và ban hành, ít nhất về cơ chế sẽ mở ra một hướng mới: Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, sau khi có dự thảo trên, có ý kiến chuyên gia cho rằng, việc góp vốn, mua cổ phần như vậy thuộc chức năng của Bộ Tài chính.

Hoài Dương