Bản tin tài chính ngân hàng ngày 3/11/2019: Triển vọng ngành ngân hàng các tháng cuối năm

Cập nhật: 08:00 | 03/11/2019 Theo dõi KTCK trên

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 3/11 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Ngân hàng đầu tiên của Việt Nam khai trương văn phòng đại diện tại Mỹ, Vietcombank thông qua phương án thoái vốn tại bảo hiểm Vietcombank – Cardif,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3112019 trien vong nganh ngan hang cac thang cuoi nam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 2/11/2019: Tránh để nợ xấu quay trở lại

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3112019 trien vong nganh ngan hang cac thang cuoi nam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 1/11/2019: "Hiện tượng" trong mùa báo cáo quý 3 của các ngân hàng

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3112019 trien vong nganh ngan hang cac thang cuoi nam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 31/10/2019: Loạt ngân hàng tăng lợi nhuận nhờ giảm chi phí dự phòng

Ngân hàng đầu tiên của Việt Nam khai trương văn phòng đại diện tại Mỹ

Tọa lạc tại khu trung tâm Manhattan, Văn phòng đại diện của Vietcombank là Văn phòng đại diện đầu tiên của một ngân hàng thương mại Việt Nam hiện diện tại thị trường Mỹ sau khi nhận được giấy phép hoạt động chính thức do Sở Quản lý Tài chính Tiểu bang New York cấp ngày 17/6/2019 và trước đó được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phê duyệt hồ sơ xin cấp phép thành lập vào ngày 26/10/2018.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, sự kiện này khẳng định những nỗ lực vượt bậc của Vietcombank trong đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phát triển theo chiến lược đã đề ra đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.

Vietcombank cho biết Văn phòng đại diện New York sẽ thực hiện các chức năng như kết nối với khách hàng hiện hữu và tiềm năng tại thị trường Mỹ, thực hiện báo cáo phân tích thị trường và ngành tài chính - ngân hàng, hỗ trợ duy trì quan hệ với các định chế tài chính tại Mỹ, tham dự hội nghị, hội thảo kinh doanh để thiết lập các mối quan hệ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank cũng như tạo cầu nối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp là đối tác của Vietcombank trong các quan hệ đầu tư, kinh doanh tại thị trường Mỹ.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3112019 trien vong nganh ngan hang cac thang cuoi nam
Ảnh minh họa

VCSC: Tăng trưởng thu nhập phí thuần của Techcombank gặp khó

Theo báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) về Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), chi phí khuyến mãi đang tăng trưởng vượt tốc độ tăng doanh thu từ mảng này của ngân hàng.

Trong khi thu nhập phí từ khối ngân hàng giao dịch và thẻ tín dụng duy trì đà tăng trưởng mạnh 27% trong 9 tháng 2019.

Phí ròng từ mảng này giảm 16% còn 789 tỉ đồng vì chi phí duy trì ở mức cao do chi phí quảng cáo và tiếp thị nhằm thu hút lượng CASA và tăng thị phần trên các mảng kinh doanh tương ứng.

Phí ròng từ phát hành trái phiếu giảm 33% còn 337 tỉ đồng do cạnh tranh phát hành trái phiếu doanh nghiệp gia tăng tạo ra thách thức.

Ngoài ra, phí ròng từ dịch vụ bancassurance duy trì tăng trưởng 26% đạt 592 tỉ đồng. Phí ròng từ quản lí vốn tăng 23 lần đạt 118 tỉ đồng và đóng góp 6% cho NFI.

VCSC cho rằng, tăng trưởng cho vay mạnh của Techcombank đến từ cho vay mua nhà tại dự án Vinhomes với lợi suất cho vay nằm trong khoảng 9% - 11%.

Tuy nhiên, lợi suất cho vay sẽ bị tác động do các khoản vay mua nhà mới trong thời gian trợ giá tương ứng với quá trình xây dựng của dự án Vinhomes.

Lợi suất cho vay 9 tháng giảm còn 6,28% so với mức 6,43% trong 6 tháng đầu năm 2019 và 7,91% tại thời điểm cuối năm 2018.

Lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) tăng 9 điểm cơ bản chủ yếu nhờ vào danh mục trái phiếu của Techcombank với lợi suất đến từ danh mục chứng khoán nợ tăng đạt 8,27% trong 9 tháng so với mức 7,64% trong 6 tháng đầu năm 2019.

Vietcombank thông qua phương án thoái vốn tại bảo hiểm Vietcombank - Cardif

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) cho biết đã phê duyệt phương án thoái vốn tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI).

Trước đó, Bloomberg dẫn một nguồn đáng tin cậy cho biết Tập đoàn FWD của tỉ phú Richard Li sắp kí thỏa thuận thanh toán khoảng 400 triệu USD cho Vietcombank về việc phân phối bảo hiểm dài hạn với ngân hàng.

Một phần của thỏa thuận trên là FWD sẽ mua lại công ty con mang tên Vietcombank Cardif Life Insurance, thuộc sở hữu của Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank và BNP Paribas.

Được biết, Vietcombank hiện đang nắm 45% cổ phần tại VCLI, 55% còn lại thuộc sở hữu của BNP Paribas Cardif - công ty thành viên do Tập đoàn BNP Paribas sở hữu 100% vốn. Theo báo cáo tài chính quí III, giá gốc khoản đầu tư của Vietcombank tại VCLI vào thời điểm 30/9 là 270 tỉ đồng; giá trị ghi sổ là 276 tỉ đồng.

Theo kế hoạch đến cuối năm 2019 tổng tài sản ngân hàng dự kiến đạt 1,202 triệu tỉ đồng, tăng 12% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 15% lên 735.000 tỉ đồng và có thể tăng cao hơn nếu được Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn đạt 913.000 – 930.000 tỉ đồng, tăng từ 11 – 13%.

Hệ thống ngân hàng thương mại đang thừa tiền

Trong tuần cuối tháng 10, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng bật tăng nhẹ, có thể do nhu cầu đảm bảo các tỷ lệ về dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại tại thời điểm cuối tháng, nhưng về cơ bản mặt bằng lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp.

Theo bà Trần Hải Yến, chuyên viên phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán Bảo Việt, việc thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa trong tháng 10 xuất phát từ 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, Việt Nam có cán cân thanh toán thặng dư lớn do xuất siêu, vốn FDI giải ngân tăng, vốn góp mua cổ phần tăng.

Thứ hai, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm khiến nguồn tiền của Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì số dư lớn.

Do thanh khoản dư thừa, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường phát hành tín phiếu nhằm hút ròng tiền về. Số dư tín phiếu lưu hành vào thời điểm cuối tháng 10 đã lên tới 72 nghìn tỷ đồng (thay cho mức 0 đồng vào tháng 8). Lãi suất tín phiếu cũng được NHNN liên tiếp cắt giảm, hiện chỉ còn 2,25%.

Mặc dù giảm mạnh trong tháng 10 nhưng theo bà Yến, lãi suất liên ngân hàng sẽ bật tăng trở lại và dao động quanh mức cân bằng là lãi suất tín phiếu do NHNN phát hành (2-2,25%). Quý IV cũng là quý tăng tốc của tăng trưởng tín dụng và giải ngân đầu tư công nên nguồn tiền trong hệ thống nhiều khả năng sẽ bớt dư thừa.

Cũng trong tháng 10 vừa qua, cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại đều giảm nhẹ so với cuối tháng 9 (-0,1%).

Triển vọng ngành ngân hàng các tháng cuối năm

Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo triển vọng ngành quý 4/2019, trong đó đề cập sâu đến ngành ngân hàng.

Báo cáo cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng nửa đầu năm ở mức 8,64%, thấp hơn so với 9,52% của cùng kỳ năm 2018 (đến 30/9 tín dụng tăng 9,4% theo cập nhật của Thống đốc NHNN tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra).

Huy động vốn của hệ thống trong 7 tháng đầu năm đạt 7,6%, tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) giảm xuống mức 88,7%. Tỷ lệ cho vay/huy động của các NHTM nhà nước và NH TMCP tiếp tục giữ ở mức cao (92,9% và 84,5%), vượt quá mức NHNN cho phép. Tuy nhiên, nhờ việc huy động tăng trưởng tốt, áp lực về tỷ lệ LDR cao đang dần được cải thiện. Lãi suất huy động tại các kỳ hạn trung và dài hạn tăng mạnh do nhu cầu bổ sung vốn trung và dài hạn khi bị hạn chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong thời gian tới. Lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức thấp và giảm chủ yếu do việc cắt lãi suất điều hành của NHNN (giảm tỷ lệ OMO xuống 4,5%), hiện đang ở mức dưới 2% với lãi suất qua đêm và 1 tuần.

NIM trong năm 2019 sẽ tăng nhẹ nhờ việc dịch chuyển cơ cấu cho vay. Trong nửa đầu năm, NIM toàn ngành được cải thiện, trung bình mức NIM của các NH niêm yết đạt 3,51%, cao hơn so với mức 3,2% cùng kỳ năm trước nhờ (1) tăng trưởng tín dụng chậm lại, (2) lãi suất huy động tăng ở các kỳ hạn dài trong khi lãi suất cho vay ổn định, (3) cơ cấu lại các khoản vay với lãi suất cao hơn. Việc cơ cấu các khoản vay này diễn ra nhanh hơn dự kiến, do đó BSC thay đổi quan điểm so với báo cáo trước về xu hướng NIM của ngân hàng trong 2019.

Thu nhập ngoài lãi, mảnh đất tiềm năng của các NH, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 20% - 30% trong 2019. Trong nửa đầu năm, thu nhập ngoài lãi của toàn hệ thống đã tăng trưởng mạnh đến từ (1) tăng trưởng từ phí dịch vụ +46% so với cùng kỳ 2018 nhờ việc tăng trưởng khách hàng và tăng phí dịch vụ, (2) tích cực thu hồi nợ xấu ngoại bảng, (3) thu từ bán chéo sản phẩm bancassurance.

Nợ xấu có xu hướng giảm ở các ngân hàng niêm yết. Tỷ lệ NPL trung vị toàn ngành ở mức 1,6% (quý 1/2019: 1,8%), tỷ lệ nợ nhóm 2 = 1,3% (quý 1/2019 = 1,7%) cho thấy các NH hiện đang tập trung xử lý nợ tồn đọng từ quá khứ, làm sạch bảng cân đối. Bên cạnh đó, giảm nợ xấu giúp các NH giảm được chi phí trích lập dự phòng, từ đó cải thiện lợi nhuận.

Các ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu vốn theo yêu cầu Basel II thông qua (1) chi trả cổ tức bằng cổ phiếu; (2) phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài (VCB, BID), (3) phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.

Câu lạc bộ lãi nghìn tỷ 9 tháng đầu năm gọi tên 17 ngân hàng

Theo thống kê, đã có 17 ngân hàng báo lãi trước thuế đạt trên 1.000 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2019, bao gồm Vietcombank, Agribank, Techcombank, VietinBank, MBBank, VPBank, BIDV, ACB, HDBank, VIB, Sacombank, TPBank, SHB, OCB, LienVietPostBank, Eximbank và MSB.

Danh sách này so với cùng kỳ năm ngoái có thêm sự góp mặt của MSB. Tổng lợi nhuận trước thuế của 17 ngân hàng này trong 9 tháng là hơn 91.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ.

Vietcombank là ngân hàng duy nhất có lợi nhuận trên vạn tỷ trong 9 tháng đầu năm, đạt 17.592 tỷ đồng. 1 ngân hàng vượt 9.000 tỷ là Agribank; 2 ngân hàng có lãi trên 8.000 tỷ - 9.000 tỷ là Techcombank, VietinBank; nhóm 7.000-8.000 tỷ có BIDV, VPBank, MBBank,…

Trong 17 ngân hàng, chỉ có 2 ngân hàng có lợi nhuận sụt giảm là BIDV và Eximbank, đều giảm 3% so với cùng kỳ, đạt lần lượt là 7.028 tỷ và 1.103 tỷ. Nguyên nhân sụt giảm ở mỗi ngân hàng khác nhau, như BIDV là vì gánh nặng dự phòng còn lớn, còn Eximbank là do không có khoản thu đột biến từ thoái vốn khỏi TCTD như cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều ngân hàng trong câu lạc bộ lãi nghìn tỷ có tăng trưởng lợi nhuận rất cao, có thể kể đến MSB lãi 9 tháng thăng tới 267%, Sacombank tăng 89%, VIB tăng 69%, SHB tăng 54%, LienVietPostBank tăng 61%, Vietcombank tăng 51%.

Chưa kể đến những ngân hàng nhỏ, sự phân hóa lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng cũng đã thể hiện rõ trong 17 ngân hàng lãi nghìn tỷ này.

Ngân hàng đứng đầu có lợi nhuận quá cách biệt, gấp 2 lần ngân hàng đứng thứ 3, thứ 4. Tổng lợi nhuận của Top 5 đạt hơn 52.000 tỷ còn lớn hơn nhiều so với tổng 12 ngân hàng phía sau cộng lại (chỉ hơn 39.000 tỷ).

Thu Hoài