Bản tin tài chính ngân hàng ngày 13/11: NHNN bơm ròng 6.000 tỷ đồng ra thị trường

Cập nhật: 09:32 | 13/11/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 13/11/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Vietcombank và FWD chính thức ký kết hợp tác độc quyền bancassurance, những yếu tố thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào ngành ngân hàng,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 1311 nhnn bom rong 6000 ty dong ra thi truong

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 12/11: Vì sao nhiều NH gia tăng tỷ trọng cho vay trung và dài hạn?

ban tin tai chinh ngan hang ngay 1311 nhnn bom rong 6000 ty dong ra thi truong

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 11/11/2019: “Vòng xoáy” lãi suất cao

ban tin tai chinh ngan hang ngay 1311 nhnn bom rong 6000 ty dong ra thi truong

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 8/11/2019: Lãi suất cuối năm tăng hướng tới 10%

Loạt ngân hàng lên kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây đã hoàn tất thủ tục bán 603 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank. Với hơn 20.200 tỉ đồng thu được từ thương vụ này, vốn điều lệ của BIDV đã tăng lên 40.220 tỉ đồng, trở thành ngân hàng lớn nhất về vốn điều lệ trong hệ thống.

Đây cũng là giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Bên cạnh BIDV, "ông lớn" khác là Vietcombank và MBBank cũng đang "rục rịch" chào bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài.

MBBank đã làm việc với khoảng 40 nhà đầu tư nước ngoài, gồm Nhật Bản, Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc và dự kiến hoàn tất việc phát hành trong tháng 11.

Tại Vietcombank, ngân hàng này cũng đang kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần, tương đương 337,5 triệu cổ phiếu cho đối tác nước ngoài theo phương án tăng vốn đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thông qua. Dự kiến, thương vụ này sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020 sau khi ngân hàng hoàn thành việc phát hành 1,484 tỉ cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.

Agribank cũng nhận được đề xuất được hỗ trợ trong quá trình cổ phần hoá từ phía Tập đoàn Tài chính NongHyup (Hàn Quốc). Trong khi, Công ty tài chính ALC I của Agribank được Tập đoàn Srisawad Corporation (Thái Lan) đề xuất mua lại toàn bộ và sẽ hoàn trả 100% vốn điều lệ của ALC I cho Agribank cũng như chịu trách nhiệm trả hết phần nợ gốc mà ALC I đã vay của Agribank.

Cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) thông báo hai nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore dự kiến sẽ mua cổ phần trong đợt phát hành mới để trở thành cổ đông nước ngoài trong đợt tăng vốn điều lệ sắp tới của nhà băng này.

Bên cạnh NCB, rất nhiều ngân hàng trong nước cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài đặc biệt là tại các nhà băng đang trong quá trình tái cơ cấu như OceanBank, CBBank, Dong A Bank.

Những yếu tố thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào ngành ngân hàng

Sau một thời gian tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, trong khi vốn chủ sở hữu tăng chậm thời gian qua đã khiến hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhiều ngân hàng hiện đang ở mức khá thấp không đáp ứng được điều kiện của chuẩn mức Basel II. Đặc biệt là khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.

Từ năm 2020, khi tiêu chuẩn Basel II được triển khai rộng rãi, hệ số CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm đi dựa theo công thức mới. Nếu không tìm được cách cải thiện, các ngân hàng phải hạn chế mức độ tăng trưởng tín dụng để giữ hệ số an toàn vốn trên ngưỡng tối thiểu.

Theo JP Morgan, áp dụng Basel II đồng nghĩa hệ số CAR của các ngân hàng có thể giảm thêm 1,5 - 3%. Còn hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ước tính, để triển khai Basel II thì vốn các ngân hàng Việt Nam cần tăng thêm 4,1 tỉ USD, trong đó 90% thuộc về các ngân hàng quốc doanh.

Vì vậy, có thể nói rằng tăng vốn đã trở thành nhu cầu cấp thiết của hầu hết ngân hàng trong hệ thống. Trong khi đó, với nguồn lực trong nước khá hạn chế thì phương án tối ưu nhất lúc này có lẽ đến từ dòng vốn nước ngoài.

Mặt khác, hoạt động thu hút vốn ngoại của các nhà băng hiện đang được các cơ quan chức năng "bật đèn xanh". Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhà nước dự kiến giảm tỉ lệ sở hữu tại các NHTM có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%.

Trong báo cáo thị trường M&A Việt Nam 2018 - 2019, nhóm nghiên cứu MAF và CMAC nhận định các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều cơ hội tham gia vào các ngân hàng Việt Nam, chẳng hạn như BIDV hay một số ngân hàng vẫn còn room cho nhà đầu tư chiến lược. Trong khi, các công ty tài chính, hoặc bảo hiểm của các ngân hàng cũng sẽ cần tìm đối tác để phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.

Một số nhà đầu tư Nhật bản và Hàn quốc đang có những động thái tiếp cận các ngân hàng yếu kém, tuy nhiên cần thêm thời gian để xem kết quả và hiệu quả của những thương vụ này.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 1311 nhnn bom rong 6000 ty dong ra thi truong
Ảnh minh họa

Giờ làm việc ngân hàng ABBank mới nhất năm 2019

Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (gọi tắt là ABBank) được thành lập từ năm 1993. Qua 26 năm hoạt động và phát triển, Ngân hàng ABBank hiện có mạng lưới rộng khắp với 166 đơn vị kinh doanh trải dài khắp các tỉnh thành, trung tâm kinh tế trọng điểm trên cả nước với vốn điều lệ lên đến 5.319 tỉ VND.

Ngân hàng có Hội sở chính tại số 170 Hai Bà Trưng, Phường ĐaKao, Quận 1, TP HCM. ABBank còn có 35 chi nhánh chính và 130 phòng giao dịch trên các tỉnh thành trên cả nước.

Tính đến 30/9/2019, Ngân hàng ABBank có tổng cộng 4.464 cán bộ công nhân viên.

Theo thông tin liên lạc với tổng đài chăm sóc khách hàng, giờ làm việc ngân hàng ABBank cũng giống như đa số ngân hàng khác, kéo dài suốt trong tuần và sáng thứ Bảy.

Thứ Hai đến thứ Sáu:

Sáng: từ 8h00 đến 12h00

Chiều: từ 13h00 đến 17h00

Theo lịch hoạt động, giờ làm việc ngân hàng ABBank bao gồm cả sáng thứ Bảy hàng tuần, trừ các ngày nghỉ lễ.

Giờ làm việc ngân hàng ABBank sáng thứ Bảy:

Từ 8h00 đến 12h00.

Tuy nhiên, từng thời điểm có thể chi nhánh hoặc phòng giao dịch không hoạt động vào buổi sáng thứ Bảy cuối tuần này. Bạn nên gọi trước tổng đài để được tư vấn kĩ trước khi đến liên hệ ngân hàng.

Zimbabwe phát hành tiền mới để giải quyết nạn khan hiếm tiền mặt

Đồng đôla Zimbabwe từng bị coi là vô giá trị sau nhiều thập kỷ quản lí yếu kém dưới thời cựu Tổng thống Robert Mugabe, khiến nước này phải phụ thuộc vào đồng USD trong một thập niên.

Ngày 12/11, người dân Zimbabwe đã bắt đầu sử dụng các đồng tiền giấy và tiền xu mới, vừa được Ngân hàng trung ương ban hành để đối phó với tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng.

Trước đó một ngày, Ngân hàng trung ương Zimbabwe đã phát hành các đồng tiền mang mệnh giá 2 đôla và 5 đôla. Hiện 1 đôla Zimbabwe có giá tương đương khoảng 6 xu Mỹ.

Theo ngân hàng trung ương Zimbabwe, mới chỉ có 31 triệu đôla Zimbabwe mới (chưa đến 2 triệu USD) được phân phối cho người dân.

Doanh nghiệp, ngân hàng cùng 'than' khó tài trợ vốn theo chuỗi cung ứng

Theo một khảo sát công bố tháng 9/2019 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoảng trống trong tài trợ thương mại trên toàn cầu hiện lên đến 1.500 tỷ USD.

Theo đó, có 45% hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đã bị từ chối. Đây là một thách thức toàn cầu, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực giảm nghèo ở các quốc gia.

Còn các doanh nghiệp Việt Nam phải vay với lãi suất lên tới 10%/năm, nếu chờ 3 – 6 tháng sau khi bán hàng mới được thanh toán thì không thể cầm cự nổi.

Thêm vào đó, lãi suất cao cũng làm gia tăng chi phí, giá thành sản phẩm, doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường. Do đó, vấn đề tiếp cận nguồn tài chính vẫn là bài toán khó của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Việc thiếu vốn lưu động và các dịch vụ ngân hàng tài trợ giao dịch như tài trợ chuỗi cung ứng đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận các đơn đặt hàng lớn hoặc phát triển mối quan hệ mới với các đối tác trong chuỗi giá trị.

Khi không có giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng, các nhà cung cấp và phân phối khó có thể tối ưu hóa quản lý vốn lưu động bằng cách chuyển đổi các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt và tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, hiện nay do số liệu, hệ thống thông tin tài chính của nhiều doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, năng lực quản trị của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế; cơ sở dữ liệu về khách hàng và sàn giao dịch điện tử ở các chuỗi cung ứng cũng chưa đầy đủ nên việc tài trợ chuỗi cung ứng, nhất là các chuỗi cung ứng toàn cầu, vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Vietcombank và FWD chính thức ký kết hợp tác độc quyền bancassurance

Mới đây, Vietcombank (HoSE: VCB) tổ chức lễ ký kết hợp tác độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với Tập đoàn Bảo hiểm FWD.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết ngân hàng tham gia thị trường bảo hiểm từ năm 2008 với việc thành lập Vietcombank Cardif. Trên cơ sở cập nhật xu thế mới, Vietcombank triển khai tìm kiếm đối tác để hợp tác bancassurance. Việc điều chỉnh định hướng đầu tư đã được NHNN chấp thuận. Ngân hàng đã tiếp xúc với một số đối tác tiềm năng về bảo hiểm trên thế giới. Cuối cùng, ngân hàng đã lựa chọn FWD, đơn vị phù hợp để phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống của ngân hàng.

Giao dịch hợp tác này là giao dịch có giá trị lớn nhất Việt Nam ở thời điểm này song mức cụ thể không được tiết lộ. Với thỏa thuận trên, 2 bên sẽ triển khai các phương án, điều khoản trong hợp đồng phân phối.

Theo Bloomberg, trong một phần của thỏa thuận, FWD sẽ mua công ty bảo hiểm Vietcombank Cardif, thuộc sở hữu của Vietcombank và BNP Paribas SA. Trước đó, Hội đồng Quản trị Vietcombank đã phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI). Tính tới cuối 2018, ngân hàng đang sở hữu 45% vốn tại công ty bảo hiểm này.

MB bán xong 80 tỷ đồng trái phiếu

MB (HoSE: MBB) thông báo chào bán thành công 80 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm nhằm tăng vốn cấp 2. Trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng với lãi suất danh nghĩa 8,7%/năm, kỳ thanh toán lãi một năm liên tục trong kỳ hạn trái phiếu.

Lượng trái phiếu được phát hành riêng lẻ thông qua phương thức bán trực tiếp cho nhà đầu tư vào ngày 4/11. Trước đó, MB cũng thông báo hoàn tất phát hành 110 tỷ đồng trái phiếu, tăng vốn cấp 2.

Theo Bloomberg, thương vụ bán 7,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của MB gồm 141,5 triệu cổ phiếu phát hành mới và 47 triệu cổ phiếu quỹ dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 11. Ngân hàng sẽ huy động 240 triệu USD trong đợt chào bán này.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB, từng cho biết lượng vốn huy động sẽ đủ nhu cầu trong 3 năm tới, ngoài ra ngân hàng còn kế hoạch tăng vốn cấp 2 qua phát hành trái phiếu.

NHNN bơm ròng 6.000 tỷ đồng, lãi suất thị trường 1 khó giảm

CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) vừa có báo cáo thị trường tiền tệ tuần 4-8/11. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành 46.000 tỷ đồng tín phiếu và có 52.000 tỷ đồng đáo hạn, tương đương bơm ròng 6.000 tỷ đồng vào hệ thống.

Nhu cầu gia tăng dự trữ bắt buộc vào đầu tháng khiến thanh khoản bớt dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng khoảng 30 điểm cơ bản, lên 2,2%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2,4%/năm với kỳ hạn 1 tuần, hiện ở vùng tương đương với lãi suất tín phiếu và cao hơn lãi suất USD trên liên ngân hàng khoảng 50 điểm cơ bản.

Tuần qua, NHTW Thái Lan đã hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm nay, xuống 1,25%/năm, thấp nhất từ 2010 để kích thích nền kinh tế và cải thiện tình trạng lạm phát thấp. PBoC cũng hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm từ 3,3% xuống 3,25%/năm - mức không nhiều nhưng được kỳ vọng là mở đường cho cắt giảm lãi suất cơ bản (LPR) trong nhưng ngày sắp tới. Trước đó, các quốc gia Châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines cũng đã hạ lãi suất từ 2 đến 4 lần. Một số nước như Ấn Độ, Indonesia còn nới lỏng tài khóa thông qua chương trình giảm thuế khá mạnh để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, NHNN cũng có động thái nới lỏng hơn khi gia tăng lượng tiền đồng thông qua bơm ròng trên thị trường mở và các giao dịch mua ngoại tệ. Mới đây, trong bài phát biểu tại Quốc Hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu giảm ít nhất 0.5% lãi suất cho vay trong năm 2020, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên.

Tuy vậy, trong ngắn hạn từ giờ đến cuối năm, lãi suất trên thị trường 1 vẫn khó giảm do tính mùa vụ. Dù một số NHTM công bố điều chỉnh giảm nhẹ 10-20bps trên biểu lãi suất nhưng mức lãi suất thực tế không có nhiều thay đổi, mức giãn cách giữa các nhóm NHTM vẫn rất rộng. Cụ thể, lãi suất huy động phổ biến trong khoảng 4.1 - 5.5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5.3 - 7.8%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6.4 - 8.1%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.

Hoài Dương

Tin cũ hơn
Xem thêm