Áp lực lạm phát: Thế giới thiếu dầu trầm trọng

Cập nhật: 09:24 | 17/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá rằng việc các nhà máy lọc dầu mới đi vào hoạt động trong năm nay và năm tới vẫn sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu của những loại nhiên liệu ở vùng giữa tháp chưng cất.

Giá xăng dầu hôm nay 17/6/2022: Dầu thế giới quay đầu tăng mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 16/6/2022: Đồng loạt giảm mạnh

Dự báo nhu cầu dầu thô năm 2022 sẽ vượt mốc trước đại dịch Covid-19

IEA cho biết: "Có rất ít hy vọng về việc tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ giảm bớt trong tương lai gần do nhu cầu tăng mạnh và sản lượng lọc dầu bị hạn chế". Cơ quan này dự báo rằng ngành lọc dầu sẽ "không đủ để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sản phẩm giữa tháp chưng cất vào năm 2022 và 2023".

Nhiên liệu và tỷ lệ lạm phát tăng có thể không chỉ đến từ việc giá dầu thô liên tục lập đỉnh trong năm nay, mà còn có nguyên nhân do thế giới không đủ năng lực tinh chế. Dầu thô không thể được sử dụng trực tiếp mà phải thông qua quá trình chưng cất để tạo ra những sản phẩm khác nhau như xăng, diesel, dầu hỏa, dầu nhờn, ....

2325-xangdau
Ảnh minh họa

Giá diesel lên cao là nguyên nhân lớn gây ra lạm phát do các loại xe tải, tàu biển sử dụng nhiên liệu này để vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào cũng như phân phối hàng hóa tới người tiêu dùng.

Những tuần gần đây, giá các loại nhiên liệu nằm giữa tháp chưng cất đã tăng trong bối cảnh thiếu hụt chưa từng có, khiến lạm phát tăng cao và làm các tài xế xe tải đau đầu. Với việc IEA dự báo nhu cầu sẽ tăng lên vào năm 2022 và 2023, thế giới sẽ cần nhiều nhiên liệu hơn.

Các loại nhiên liệu nằm giữa tháp chưng cất chiếm khoảng 1/3 nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Tỷ lệ này ở châu Âu lên tới 55%, do gần một nửa số ô tô các nước thuộc Liên minh châu Âu chạy bằng dầu diesel.

Theo tính toán của IEA, tổng công suất ròng bổ sung năm nay là hơn 1 triệu thùng/ngày và đến 2023 sẽ thêm 1,6 triệu thùng/ngày nữa.

Trước đó, theo CNN, giá dầu thô Brent-tiêu chuẩn định giá toàn cầu đã tăng vọt lên 124USD/thùng vào cuối tháng 5. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 3 năm nay. Giá dầu sau đó đã giảm nhẹ trở lại khoảng 117 USD/thùng, phần lớn là nhờ kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ bơm thêm dầu ra thị trường.

Đầu tháng 6 này, OPEC và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+ đã nhất trí bơm thêm 648.000 thùng dầu/ngày trong tháng 7 và tháng 8, nhiều hơn 200.000 thùng/ngày so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, mức tăng sản lượng mà OPEC+ đưa ra không đủ để xoa dịu cơn "đau ví" của người tiêu dùng mỗi khi đến trạm bơm xăng, hay để kiềm chế lạm phát trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh đó, lệnh cấm vận dầu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) và sự phục hồi về nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc-nền kinh tế lớn thứ hai thế giới-cũng sẽ giữ giá dầu ở mức cao. EU đã thông báo sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay. Đây là một phần của gói trừng phạt thứ sáu đối với Moscow vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các nước thành viên EU có 6 tháng để loại bỏ dần nhập khẩu dầu thô của Nga và 8 tháng đối với tất cả sản phẩm dầu tinh chế. Hiện tại, EU đã bắt đầu tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Chính phủ các nước có thể triển khai một vài biện pháp để hạ nhiệt giá dầu, bao gồm trợ cấp giá và áp trần giá bán lẻ. Nhưng điều thế giới cần để hạ giá dầu là tăng nguồn cung dầu lại rất khó xảy ra. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm ngoái, Nga chiếm 14% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.

Vì thế, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường dầu thế giới. Trong tháng 4 vừa qua, sản lượng dầu của Nga giảm gần 1 triệu thùng/ngày. Dự kiến trong nửa cuối năm 2022, sản lượng dầu của Nga có thể giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày.

IEA cho rằng sản lượng dầu toàn cầu, ngoại trừ Nga, cần vượt mức 3 triệu thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm nay để cân bằng tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Tuy nhiên, việc này rất khó đạt được.

Chiến lược gia Giovanni Staunovo của Ngân hàng đầu tư UBS cho biết, nhiều quốc gia thành viên OPEC đã chạm đến giới hạn sản xuất.

Ông Matt Smith, nhà phân tích hàng đầu về dầu mỏ ở khu vực châu Mỹ tại công ty Kpler, nhận định giá dầu sẽ tiếp tục tăng ở ngưỡng 3 con số thêm một thời gian nữa. Ông Smith đánh giá: "Nếu nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc tăng mạnh sau thời gian phong tỏa và sản lượng dầu tại Nga sụt giảm thì có khả năng giá dầu sẽ lập lại kỷ lục 139USD như hồi đầu năm nay".

Ông Smith cho rằng kể cả khi lạm phát tăng vọt trong bối cảnh kinh tế trì trệ, làm dấy lên rủi ro suy thoái, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu cũng không giảm đủ mạnh để có thể hạ nhiệt "cơn sốt" giá dầu. Nhà phân tích Smith cho biết: "Vì đây là vấn đề từ phía nguồn cung nên điều đáng lo lần này là ngay cả khi chúng ta đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế thì giá dầu cũng không giảm mạnh".

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Minh Phương

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm